Chị Trần Kim Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên theo dõi các kênh livestream bán quần áo và mỹ phẩm. Do quỹ thời gian eo hẹp, vài năm trở lại đây, chị ưu tiên mua hàng qua các kênh online.
“Bây giờ muốn mua gì chỉ cần lên Facebook là có, từ giấy ăn, quần áo, giày dép cho đến laptop, hàng xách tay cao cấp,… Nhiều khi tôi cũng chỉ vô tình lướt điện thoại, thấy livestream bán hàng thì lại xem và mua”, chị Thu nói.
Gần đây, chị vừa đặt mua quần áo, giày dép hè cùng với một số thực phẩm như tôm đông lạnh, cá thu và thịt bò Úc. Tất cả đều bán qua livestream và được quảng quảng cáo là “siêu rẻ”, “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng của những mặt hàng này, không chỉ chị Thu mà nhiều người có thói quen mua hàng qua livestream mới giật mình. Đa số mua hàng vì thấy tương tác của bài đăng rất cao, có người nổi tiếng livestream hoặc giá rẻ hơn so với thị trường mà chưa tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng.
Mua hàng online qua livestream đang được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Ảnh: Kiều Oanh. |
Mất việc liền chuyển sang livestream bán hàng
Hình thức livestream bán hàng trở nên quen thuộc trên thế giới và tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki cũng đã áp dụng livestream trên app kết hợp với giảm giá và khuyến mại để thu hút người mua.
Tuy nhiên, thị trường livestream sôi động nhất phải kể đến Facebook. Chỉ cần một tài khoản hợp lệ và đăng kí quảng cáo, người dùng dễ dàng trở thành đại lý bán hàng, tiếp cận hàng chục nghìn người mỗi ngày.
Sau dịch Covid-19, anh Trần Khôi (Phan Xích Long, TP.HCM) mất việc làm do công ty cắt giảm nhân sự. Thấy một số người quen chuyển sang bán hàng online và thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng, anh quyết định thử sức.
“Tôi nhập khoảng 10 triệu tiền hàng, bỏ ra 5 triệu đồng ban đầu để chạy quảng cáo. Từ nguồn hàng cho đến cách livestream, quảng cáo tôi đều tự học, nhìn chung cũng không quá phức tạp”, anh Khôi cho biết.
Anh Khôi lựa chọn bán mặt hàng quần áo vì rủi ro thấp, hàng để được lâu và thu về lãi cao. Tuy nhiên, chính anh cũng không biết rõ về nguồn gốc sản phẩm mà chỉ đặt qua một số trang bán hàng Trung Quốc. Đây là cách thức nhập hàng phổ biến của nhiều người bán hiện nay nhưng họ đều quảng cáo là sản phẩm đẹp xuất xứ từ Quảng Châu.
Bán hàng online đang trở thành xu thế chung. Việc này khiến Đặng Hiếu (sinh viên Đại học Thương Mại) và nhiều người khác thấy rất phiền mỗi khi lướt mạng xã hội. Hiếu cho rằng việc bán hàng trên Facebook đang bị lạm dụng, làm mất thời gian của người dùng ngay cả khi họ không quan tâm đến các mặt hàng đó.
Chị Nga thấy có nhiều chương trình "tặng mỹ phẩm" tương tự đang diễn ra trên mạng xã hội và thu hút nhiều người đăng kí. Ảnh: NVCC. |
“Các video livestream thường có âm lượng rất to, nhiều người bán còn ăn mặc phản cảm để thu hút, hoặc phát ngôn gây sốc. Lướt bảng tin khoảng 20 phút là có thể thấy gần chục video livestream. Mình nghĩ rằng cần quản lý chặt chẽ hơn việc này”, Hiếu nói.
'Tiền mất, tật mang"
Livestream là con dao hai lưỡi, nó giúp việc mua sắm trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn. Song, người tiêu dùng cũng dễ mua phải các mặt hàng kém chất lượng, chưa được kiểm định với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Chị Nga ở Hà Nội có sở thích mua mỹ phẩm qua các livestream trên mạng xã hội. Gần đây, chị đăng kí nhận một thỏi son miễn phí nhân dịp tri ân khách hàng. Chị nói, có hàng nghìn người đăng kí nhận son khi livestream đang được phát trực tiếp.
Tuy nhiên, chị Nga phải trả 100.000 đồng phí đóng gói khi nhận hàng mà không được bên bán thông báo trước. Chị bức xúc: “Son chỉ được đựng trong một túi giấy mỏng, không có hộp đựng hay tem nhãn. Thậm chí, lớp sơn bên ngoài đã bong tróc, khi mở ra thấy mùi hóa chất khó chịu, không thể sử dụng được”.
Chị Nga cho rằng đây là hình thức bán hàng đội lốt quà tặng tri ân. Chất lượng son rất kém, có mùi giống như màu công nghiệp, không có tem nhãn. Chị Nga phản hồi lại với bên bán hàng thì ngay lập tức bị chặn liên lạc.
Dù việc mua hàng online liên tục được cảnh báo, hình thức này ngày càng thu hút nhờ những chiêu trò riêng. Cách thức được áp dụng phổ biến nhất là mời người nổi tiếng giới thiệu, trực tiếp sử dụng mặt hàng khi đang livestream.
Mặt khác, các bài viết luôn được đầu tư quảng cáo để có tương tác và số lượng người xem cao, thậm chí thuê người bình luận để giả mua hàng. Người bán liên tục thúc giục “mua hàng ngay kẻo hết, số lượng có hạn, chỉ còn 100 sản phẩm cuối cùng”.
Anh Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) từng bỏ ra cả triệu đồng để mua một chiếc lăn đá được quảng cáo là chữa các loại bệnh liên quan đến xương khớp. Đọc phần bình luận, anh thấy có nhiều phản hồi tốt. Hơn nữa, người bán nói sản phẩm đang được giảm giá đến 50% cùng với nhiều quà tặng đi kèm.
Sau thời gian sử dụng, anh Hoàng thất vọng khi căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ không hề thuyên giảm. Qua tìm hiểu, anh thấy nhiều người cũng bị lừa như mình. Tuy nhiên, các bài viết, bình luận tiêu cực trên trang bán hàng đều nhanh chóng bị xóa bỏ.
Thịt lợn gác bếp được đóng gói sơ sài, không có tem nhãn. Ảnh: NVCC. |
Dù mất khoản tiền lên đến cả triệu đồng, song, anh Hoàng vẫn may mắn hơn chị Vân (Mễ Trì, Hà Nội) khi sản phẩm chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị Vân đặt mua thịt lợn gác bếp của một cơ sở sản xuất tại Tây Bắc. Chị kể, livestream bán hàng có đến hàng chục nghìn người xem nên chị mới yên tâm đặt mua.
“Người bán vừa quảng cáo vừa xé miếng thịt trông rất đẹp mắt, họ trực tiếp ăn nên mình cũng có cảm giác yên tâm”, chị Vân cho biết.
Sau khi nhận hàng, chị thấy sản phẩm không giống như quảng cáo. Thịt rất khô, không có mùi thơm, xé ra cũng không có màu hồng như trên livestream. Chị Vân mời đồng nghiệp trong cơ quan cùng ăn thì đa số đều bị đau bụng và phải nghỉ buổi làm hôm đó để đi khám.
"Không phải cứ thấy đông người theo dõi buổi livestream thì sản phẩm đó tốt. Sau sự cố này tôi kiên quyết không mua hàng qua hình thức này nữa, mà chỉ chọn những địa chỉ tin cậy, đặc biệt là với mặt hàng thực phẩm", chị Vân nói.