Bình luận
Cuối tháng 3, Victor S. (người Thái Lan, du học sinh tại Anh) phải về nước sau khi trường đại học tạm đóng cửa do dịch bệnh. Thay vì tự cách ly tại nhà như khuyến cáo, S. lại đến thị trấn biển Hua Hin nghỉ dưỡng theo lời thuyết phục của cô bạn gái.
Ngày 20/3, đôi trẻ cùng một số người bạn là du học sinh trở về từ Anh tham gia bữa tiệc trên bãi biển, cạnh biệt thự riêng tư của một thành viên trong nhóm - con trai một gia đình giàu có nổi tiếng Thái Lan, người sở hữu chuỗi khách sạn khắp cả nước. Tuy nhiên, thay vì chỉ có 6-7 người tham gia như người này nói, con số khách mời đã tăng lên gần 20.
Sau bữa tiệc, hai người tham dự đêm đó xác nhận nhiễm Covid-19. S. và bạn gái cũng bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh, theo Thai Enquirer.
“Trước đây, tôi thường thấy người ở tầng lớp lao động bị đổ lỗi làm lây lan bệnh dịch. Tuy nhiên, sự thật là dù ở tầng lớp nào cũng luôn có những người vô trách nhiệm, trong đó có tôi", nam sinh viên hối hận khi kể lại sự việc.
Thị trấn biển Hua Hin là một trong những điểm nghỉ mát hàng đầu Thái Lan. |
Giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát, một số người thuộc tầng lớp giàu có chọn cách thuê chuyên cơ bay đến các hòn đảo tư nhân tránh dịch hay chuẩn bị đội ngũ y tế, trang thiết bị phòng trường hợp mắc bệnh. Trong khi đó, không ít người vẫn duy trì thói quen du lịch, tiệc tùng, góp phần không nhỏ tạo ra những ổ dịch siêu lây nhiễm trên khắp thế giới.
Ý thức
Theo DW News, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và người dân được khuyến cáo hạn chế tụ tập thậm chí xuất cảnh, việc đi lại, du lịch đã trở thành “đặc quyền” của người giàu.
Ngày 5/3, khoảng 50 người tập trung tại một ngôi nhà ở vùng ngoại ô Westport, bang Connecticut (Mỹ) mừng sinh nhật chủ nhà và chào đón một số người bạn đến từ Nam Phi.
Sau bữa tiệc buffet xa hoa, những người tham gia - hơn một nửa nhiễm Covid-19 - tản ra Johannesburg (Nam Phi), New York, các khu vực khác ở bang Connecticut và nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Một khách sau đó còn tham dự một sự kiện khác có 420 người.
Thị trấn Westport bùng phát dịch sau khi các bữa tiệc làm lây lan virus corona được tổ chức tại đây. Ảnh: New York Times. |
Westport, từ một thị trấn 28.000 dân không có ai mắc Covid-19 trước khi diễn ra bữa tiệc, nhanh chóng xác nhận 85 ca dương tính với virus corona chỉ ít ngày sau đó.
Tại Ấn Độ, một ca sĩ Bollywood đã từ chối tự cách ly khi trở về từ London (Anh), sau đó tham dự 3 bữa tiệc, nơi cô tiếp xúc và khiến hàng trăm gia đình phải vào diện cách ly.
Vào tháng 3 và tháng 4, Hàn Quốc đón làn sóng lây nhiễm mới khi nhiều du học sinh từ các trường đại học ở Mỹ và châu Âu về nước tránh dịch.
Một sinh viên bị sốt cho biết đã uống 20 viên thuốc hạ sốt để tránh bị phát hiện khi qua cửa đo thân nhiệt ở sân bay, một người khác thì nhiều lần vi phạm lệnh giãn cách để đi uống cà phê ở Seoul, theo Los Angeles Times.
Thậm chí, một nữ sinh 19 tuổi đến từ quận Gangnam giàu có ở Seoul đã mắc SARS-CoV-2 sau khi trở về từ trường đại học ở Boston (Mỹ). Trước khi có kết quả xét nghiệm 5 ngày, cô và mẹ đi nghỉ ở đảo Jeju, đến các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và quán cà phê mà không đeo khẩu trang dù đã bắt đầu có triệu chứng bệnh.
Khu nghỉ dưỡng thành ổ dịch
Đầu tháng 4, các thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 khi đón nhiều người giàu đến tránh dịch. Theo Guardian, hai hạt du lịch có nhiều ca nhiễm nhất là nơi có các điểm nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng Vail ở Colorado và Thành phố Park ở Utah.
Các ca nhiễm ở Vail có liên quan đến các trường hợp tại Mexico sau khi 400 người đến thăm khu nghỉ mát từ Guadalajara của nước này. Ít nhất 3 giám đốc điều hành cấp cao đã mắc Covid-19 sau khi trở về từ Vail.
Sự gia tăng những vị khách lắm tiền đến nơi này được xem là một trong các yếu tố khiến số ca nhiễm tăng đột biến. Thống đốc Florida Ron DeSantis cũng xác định các trường hợp nhiễm bệnh ở đây là du khách quốc tế.
Khu resort Ischgl thu hút nhiều khách du lịch giàu có đến nghỉ dưỡng vào mùa đông. Ảnh: Business Insider. |
Tại Áo, khu resort Ischgl tọa lạc tại bang Tyrol vốn được xem là thiên đường nghỉ dưỡng cho du khách nhà giàu từ khắp nơi trên thế giới, từng đón nhiều nhân vật nổi tiếng như người mẫu Paris Hilton, siêu mẫu Naomi Campbell hay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Trung bình, mỗi chiếc giường ngủ tại đây đem lại doanh thu lên đến 12.000 USD/năm.
Tuy nhiên, khu resort này cũng là ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Áo. Tính đến đầu tháng 4/2020, Ischgl và các khu vực lân cận ghi nhận hơn 600 trường hợp mắc Covid-19, theo Reuters.
Theo tạp chí Der Spiegel của Đức, hàng trăm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 sớm nhất tại Đức, Iceland, Anh, Na Uy, Đan Mạch, và Ireland cũng có thể bắt nguồn từ khu resort cao cấp này.
Giấu bệnh, trốn cách ly
Tận hưởng cuộc sống gần như bình thường trong mùa dịch nhờ tiền bạc dư dả, nhiều người giàu tại Mỹ cũng bị phản ứng khi cố tình giấu bệnh hoặc bao che cho người nhà nhiễm virus.
Đầu tháng 8 vừa qua, một đợt bùng phát ca nhiễm Covid-19 ở Greenwich (bang Connecticut, Mỹ) bắt nguồn từ những bữa tiệc của các học sinh trường tư thục. Khoảng 20 học sinh nhiễm bệnh thừa nhận đến các buổi vui chơi này.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn từ chối hợp tác để truy vết dịch. Họ sợ hành vi tiệc tùng sai trái của con mình sẽ làm ảnh hưởng tới việc nộp đơn xin vào đại học.
Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh thuộc tầng lớp giàu có, trí thức như giới kinh doanh, luật, nha khoa còn sẵn sàng trả khoản tiền lớn cho con trở lại lớp, không đồng ý để con học online bất chấp việc đó thiếu an toàn như thế nào.
Nhóm bạn trẻ vui chơi trên bãi biển Pompano, Florida trong kỳ nghỉ xuân. Ảnh: AP. |
Trước đó, vào đầu tháng 4, sau khi những bữa tiệc xa hoa tại thị trấn Westport (Mỹ) và Ischgl (Áo) khiến dịch lan nhanh, nhiều người giàu có tham gia các hoạt động này đã không lên tiếng khai báo lịch sử đi lại vì sợ bị kỳ thị, ảnh hưởng danh tiếng.
"Khi dịch bùng phát, nhiều người từng tiếp xúc với các ca dương tính giữ im lặng. Họ sợ bị hàng xóm tẩy chay và con cái họ bị cấm tham gia các đội thể thao hay sự kiện ở trường. Họ quá sợ hãi để có thể cung cấp bất kỳ thông tin nào", Thượng nghị sĩ Will Haskell của bang Connecticut nói.
Bác sĩ Sanjeev Singh Yadav, thuộc Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, cho rằng ngoài điều kiện kinh tế, nhiều người trong giới thượng lưu nghĩ bệnh dịch không thể chạm đến mình vì họ có thể tiếp cận thông tin tốt hơn và thậm chí phá vỡ các quy tắc, hạn chế trong mùa dịch. Tuy nhiên, trước virus corona, mọi người đều bình đẳng.