Sáng 29/3, chúng tôi theo quốc lộ 4D ngược lên Sa Pa, chúng kiến hai bên đường, người dân xả thịt trâu, đứng bán rất nhiều.
Hỏi chuyện chị Lý Tả Mẩy, ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, huyện Sa Pa, đang đứng bán thịt trâu tại km 124, quốc lộ 4D, vẻ mặt buồn rầu, chị Mẩy nói:
“Nhà mình có ba con trâu, nuôi giữ suốt mùa đông để nó không bị chết rét. Cứ tưởng là cái rét nó hết rồi, không lo trâu bị chết rét nữa, không ngờ ông trời làm rét quá, con trâu nghé gần một tuổi không chịu được lăn ra chết rồi. Mình đem thịt ra đây bán, được ít tiền nào thì được”.
Người dân Sa Pa bán thịt trâu chết rét trên quốc lộ 4D . |
Trên đoạn đường chị Mẩy bán thịt trâu, có hàng chục người dân tộc Mông, Dao ở các xã Trung Chải, Sa Pả cũng đứng bán thịt trâu bị chết rét. Vì là nghé non, thịt nhớt, lại không phải là ngày nghỉ cuối tuần, vắng khách nên bán giá rẻ, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.
Theo Phòng kinh tế Sa Pa, nguyên nhân trâu gục ngã hàng loạt là do đợt rét cuối tháng ba năm nay có cường độ mạnh, kéo dài.
Ngày 28/3, nhiệt độ tại sa Pa bất ngờ “tụt” xuống 5,5 độ C, biên độ giảm đến sáu độ so với trước đó. Rét hại đột ngột, cộng với sức đề kháng của gia súc đã suy giảm nên đợt rét “vu hồi” này đã làm gia súc bị chết nhiều.
Hiện phòng kinh tế Sa Pa đang thống kê thiệt hại và tăng cường khuyến cáo bà con nông dân thực hiện các biện pháp chống rét hại, phòng chống bệnh cước chân sau rét cho gia súc, để hạn chế thiệt hại.
Trâu Sa Pa lại gục chết hàng loạt . |
“Đợt rét tháng ba quái ác này cho thấy diễn biến khí hậu ngày càng khó lường, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết tại sa Pa ngày càng cực đoan, gây nên những thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Vì vậy cần phải chủ động đối phó có hiệu quả”, ông Lưu Minh hải - Giám đốc Đài khí tượng - thủy văn Lào Cai cho biết.