Khoa học thường thức có thể tìm thấy trong sách vở, nhưng sự bền bỉ, quyết tâm, đam mê và tinh thần đồng đội là những giá trị trẻ học được từ người thầy đặc biệt mang tên thể thao.
Bao bọc con là tâm lý chung của hầu hết phụ huynh, điều này xuất phát từ tình yêu thương và lo lắng cho trẻ. Cha mẹ muốn bảo vệ con khỏi mọi nguy hiểm, nhưng đôi khi lại vô tình tách con khỏi thế giới xung quanh, hay làm giảm sức đề kháng của bé trước những thay đổi từ môi trường.
“Giống như diều bay lên nhờ ngược gió, con người thì trưởng thành trong nghịch cảnh. Để con phát triển thể chất và những yếu tố khác, phụ huynh không nên nghĩ dạy con là một việc dễ, để nếu gặp chướng ngại thì không bị chùn bước. Cha mẹ hãy cùng con giải quyết vấn đề thay vì nghĩ chuyện này là không thể”, chuyên gia Tô Nhi A mở đầu một buổi chia sẻ về tầm quan trọng của thể thao đối với sự phát triển của trẻ.
Tương tự, hình ảnh mồ hôi ướt đẫm, đau nhức hay mệt mỏi sau mỗi buổi chơi thể thao của con có thể khiến cha mẹ dễ dàng thoả hiệp và chuyển đổi phương án an toàn hơn.
Tuy nhiên, nếu không kiên trì đồng hành, động viên con thực hiện, trẻ có thể nhanh chóng bỏ cuộc. Đặc biệt, sự phát triển nhân cách của trẻ còn được định hình trên 3 phương diện: Phát triển thể chất, tâm lý và mặt xã hội; và chơi thể thao có thể giúp trẻ đạt được tất cả các mặt này.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ngọc Hà và con gái là một ví dụ điển hình, minh chứng cho những điều kỳ diệu mà thể thao có thể mang lại.
Ở tuổi 11, con gái chị Hà cao ráo, khỏe khoắn hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa. Chị Hà cho biết bé phát tiển tốt cả thể lực lẫn trí lực, luôn giữ được năng lượng tích cực nhờ bóng rổ. Tuy nhiên, hành trình đưa bé đến với thể thao không hề dễ dàng. Ngày nhỏ, con gái chị ù lì, ít hoạt động nên cơ thể không phát triển đều như các bạn cùng lứa tuổi. Em cũng thường xuyên mệt mỏi, sức đề kháng yếu. Vốn yêu thích thể thao và muốn con thay đổi để năng động, học tập tốt hơn, chị khuyến khích bé chơi bóng rổ.
Từ đó, bóng rổ trở thành môn thể thao gắn bó với bé suốt 4 năm qua. Do bản chất chậm nên bé phản xạ với bóng không nhanh bằng các bạn và phải tập luyện nhiều hơn.
Lần đầu cầm tấm huy chương cùng đồng đội khi ngồi ghế dự bị, cô bé vui nhưng không tự hào, bởi đó chưa phải thành quả do mình nỗ lực đóng góp. Nhìn con buồn, chị Hà cũng chạnh lòng nhưng luôn động viên con kiên trì và không bỏ cuộc. Chị quan niệm thi đấu phải có thành tích, không phải vị thứ xếp hạng cao thấp, mà để con biết cố gắng đạt được mục tiêu đặt ra.
Và thành quả cho nỗ lực của cô bé 9 tuổi lúc bấy giờ là tấm huy chương vàng với sự góp sức của chính mình. “Bé rất vui và có động lực để luyện tập hơn. Con ngày càng mê bóng rổ và chưa bỏ buổi tập nào”, chị Hà ánh lên niềm hạnh phúc khi nhớ lại thành quả của cô con gái nhỏ.
Trong khi nhiều phụ huynh ngần ngại cho con chơi thể thao vì sợ làm ảnh hưởng đến kết quả học trên lớp, hay không có thời gian học thêm ở trung tâm, lớp năng khiếu… thì chị Hà lại nghĩ khác. Chị không đặt nặng hay tạo áp lực con phải học thật giỏi, mà chỉ cần con hiểu và giữ được phong độ. Chị để con tự sắp xếp việc học với niềm đam mê bóng rổ, khuyến khích bé tiếp tục chơi thể thao. Nhờ vậy, bé chủ động phân bổ gian phù hợp để cân bằng giữa sở thích và việc học.
Thể thao đã “hô biến” cô bé ù lì ngày nào trở nên năng động, hoạt bát. Cũng chính thể thao dạy bé rằng chúng ta sẽ không thể đến đích nếu không bước đi, và sự kiên trì, nỗ lực sẽ được đền đáp, dù xuất phát điểm có nhiều khiếm khuyết hay thua kém bạn bè.
Cũng yêu thích bóng rổ, nhưng con trai anh Nguyễn Xuân Vịnh lại được truyền đam mê này từ hình ảnh thần tượng Stephen Curry trên YouTube. Những đường bóng điêu luyện và pha ghi bàn điệu nghệ của ngôi sao bóng rổ đã mê hoặc chàng trai trẻ tự lúc nào không hay. Vì đam mê, bé không có cảm giác bỡ ngỡ, e dè, mà thể hiện sự thích thú ngay từ buổi tập đầu.
Vì vậy, dù thời gian học tập trên lớp và học thêm một số môn quan trọng khá bận rộn, anh Vịnh vẫn sắp xếp cho con chơi thể thao vào hai ngày cuối tuần, hoặc cùng bé ra công viên gần nhà chơi bóng rổ.
Anh Vịnh chia sẻ từ ngày chơi bóng rổ, thể lực và kỹ năng của bé được cải thiện. Nhưng có lẽ, điều con trai anh nhận được nhiều nhất là tinh thần hòa đồng, biết hỗ trợ, kết hợp nhịp nhàng với đồng đội. Điều này thể hiện rõ trong giải Bóng rổ Hội khỏe Phù Đổng do Milo phối hợp tổ chức thời gian qua.
“Các giải thể thao học đường như Hội khỏe Phù Đổng rất hay, vì ngoài việc học, con cần có những hoạt động khác. Điều này mang lại cho các con sự hoạt bát, nhanh nhẹn và tránh xa những vấn đề khác như game, máy tính... Tôi hoàn toàn ủng hộ bé tập thể thao”, anh Vịnh hào hứng nói.
Chuyên gia Tô Nhi A cho rằng người hưởng lợi cuối cùng từ chương trình thể thao học đường là trẻ, nhưng những người có liên quan đều cảm thấy hạnh phúc và sẵn sàng đồng hành. Đó là giá trị cực kỳ lớn cho thấy việc phát triển thể chất cho con không phải điều quá kinh khủng và nan giải.
Mỗi người sẽ cảm thấy hứng thú khi làm điều mình thích, chứ không phải thực hiện theo yêu cầu hay mong mỏi của ai khác. Trẻ cũng vậy, niềm đam mê đóng vai trò rất quan trọng. Và để khơi gợi sự yêu thích ở trẻ với một môn thể thao nào đó cần có sự giúp sức của phụ huynh cũng như nhiều chương trình hữu ích, mới lạ. Đó cũng là một phần lý do Milo phối hợp triển khai chương trình Năng động Việt Nam trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Mới đây, Milo xây dựng bài tập thể dục mới và tổ chức hội thi thể dục đồng diễn, võ cổ truyền tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Phú Yên. Đây cũng là cơ hội giúp các thầy cô tại nhiều điểm trường tỉnh Phú Yên giao lưu trao đổi kiến thức, kỹ năng để công tác giảng dạy thêm phần hiệu quả.Có thể thấy, nguồn cảm hứng về thể thao được Milo truyền đi không chỉ thay đổi nhận thức của nhiều phụ huynh và trẻ nhỏ, mà còn tạo nên sân chơi mới hữu ích giúp phát triển thể lực, trí lực, niềm đam mê và kỹ năng cho thế hệ tương lai của đất nước.
Bình luận