Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'RCEP tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu'

RCEP dự kiến được ký kết ngày 15/11. Đây là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến sẽ được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ ngày 9 - 15/11) tại Hà Nội, theo Báo Chính phủ.

Theo chương trình nghị sự ASEAN đã được thống nhất, các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương đại diện cho các quốc gia tham gia đàm phán RCEP sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 vào ngày 15/11 theo hình thức trực tuyến để thảo luận về việc đạt được một hiệp định được chờ đợi từ lâu vào cuối năm nay.

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP được kỳ vọng là FTA có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên. Đây là FTA đầu tiên bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Sau khi được ký kết và có hiệu lực, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với quy mô GDP khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, 47,5% dân số thế giới. RCEP sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể hồi phục kinh tế, tăng trưởng trong thời gian tới.

RCEP sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết việc đàm phán liên quan đến RCEP đã được hoàn tất. Hiện tại, 15 nước tham gia đàm phán đang hoàn tất các thủ tục nội bộ và nếu thủ tục được hoàn tất kịp thời, lễ ký kết Hiệp định RCEP sẽ diễn ra vào ngày 15/11.

hiep dinh rcep anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 diễn ra bằng hình thức trực tuyến sáng 12/11. Ảnh: Việt Linh.

Việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và góp phần giúp đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết RCEP, hiệp định đã được mong đợi trong một thời gian dài.

"Đối với Việt Nam, RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối.

RCEP đồng thời giúp Việt Nam mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hàng năm vượt 30 tỷ USD.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô.

Hiệp định RCEP được ký trực tuyến ngay trong tuần này

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới sẽ được ký trực tuyến tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tuần này do ảnh hưởng của Covid-19.

Minh Liêm

Bạn có thể quan tâm