Rau, quả Trung Quốc ế ẩm
Bị người dân quay lưng, rau củ, trái cây Trung Quốc tại các chợ đầu mối và siêu thị hiện tồn kho tới 50%. Sức mua sản phẩm theo đó dồn sang hàng Việt Nam.
10h đêm, khu vực hàng nông sản Việt Nam chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhộn nhịp, sôi nổi. Các loại rau củ, cà rốt, su hào… từ Đà Lạt đưa xuống; khổ qua, mướp, dưa leo… từ miền Tây đưa lên... không khí mua bán nhộn nhịp, nhân viên bốc xếp hò hét khuân hàng để “tút” lại trước khi giao cho khách.
Vào giờ cao điểm nhưng rau, quả Trung Quốc ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức rất vắng khách mua. |
Trái ngược hẳn với không khí ồn ào của khu rau trong nước, khu vực hàng Trung Quốc ảm đạm, vắng vẻ. Chủng loại hàng Trung Quốc không nhiều, chủ yếu cà rốt, su hào, khoai tây… nhưng hình thức đẹp, màu sắc bắt mắt. Anh Quốc, cán bộ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho chúng tôi xem các mặt hàng trên được gọt rửa, sơ chế sạch sẽ, bọc trong túi xốp, đóng thùng gọn gàng.
Hồn Trung Quốc, da Mỹ Qua khảo sát cho thấy, loại “nho Mỹ” bán dọc đường trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây chỉ với giá 20.000 đồng/0,5 kg thực chất là nho Trung Quốc. Dù người bán khẳng định là “nho Mỹ” tồn kho xả hàng nên giá rẻ nhưng dễ dàng tìm thấy loại nho này tại hàng trái cây Trung Quốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Anh Quốc khẳng định, đó là nho Trung Quốc, họ nói vậy cho dễ bán. |
Trái cây có táo, lê, đào, nho, lựu, mận hàng đẹp, đều tăm tắp, tươi ngon nhưng “trái cây Trung Quốc bây giờ ế lắm" - một nhân viên bốc xếp than vãn. Quả đúng vậy. Có mặt tại khu này từ lúc 12 giờ đêm, giờ cao điểm nhưng tại khu vực kinh doanh trái cây Trung Quốc rộng chừng 500 m2 chỉ có người bán hàng ngồi ngóng khách và hàng trăm nhân viên bốc xếp tụ tập từng nhóm “tám chuyện”, uống cà phê.
Các container chất đầy trái cây Trung Quốc vẫn nằm im ỉm. Lượng khách đến “ăn hàng” rất ít. Anh Quốc cho biết: “Đây là khu bán sỉ hàng Trung Quốc, thương lái mua hàng số lượng lớn “đánh” đi các nơi. Giờ này (khoảng 1 giờ sáng - PV) đã sắp tan chợ rồi mà khách vẫn chưa có”.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, tổng lượng hàng về chợ đêm gần đây là 3.300 tấn, trong đó 1.800 tấn rau củ (hàng Trung Quốc chiếm khoảng 15%); 1.500 tấn trái cây trong đó các loại trái cây ngoại khoảng 150 tấn (Trung Quốc chiếm 50% trái cây ngoại, tương đương 75 tấn).
“Người dân đang rất ngại hàng Trung Quốc nên lượng trái cây Trung Quốc về chợ giảm đến 30% so cùng kỳ năm trước. Sức tiêu thụ rau củ quả Trung Quốc giảm đến 50% so với thời điểm bình thường trước đây. Hàng nhập về không bán được, tồn kho kéo dài” - bà Hà cho biết.
Tại các chợ lẻ, tình trạng cũng tương tự. Cô Hà, tiểu thương chợ Thái Bình, Q.1 cho biết: Người dân sợ rau củ, trái cây Trung Quốc xịt thuốc nên không mua. Thời gian gần đây, hàng trong nước đang rất dồi dào giá rẻ nên dễ bán hơn. Hàng Trung Quốc cũng "thất thế" ở các siêu thị. Co.op Mart, Vinatexmart… vẫn phương châm ưu tiên cho hàng Việt, rất hiếm thấy các loại rau củ, quả Trung Quốc trên quầy kệ. Đại diện Big C cũng xác nhận hiện chỉ kinh doanh một vài loại trái cây Trung Quốcđể thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Một số siêu thị tỏ ra quyết liệt hơn khi kiên quyết loại hàng Trung Quốc khỏi kệ. Theo đại diện LOTTEMart, sau khi có thông tin trái cây Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu, siêu thị này đã thu hồi các mặt hàng trái cây xuất xứ từ Trung Quốc ra khỏi các quầy kệ, trả lại nhà cung cấp và không cho nhập trái cây, rau củ từ Trung Quốc.
Cơ hội cho hàng Việt
Cầm mớ cà rốt Đà Lạt tươi rói, anh Hải, một chủ vựa rau củ tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tự hào khoe, rau củ Đà Lạt là hàng “xịn” nên khách đặt mối sẵn. “Ăn hàng này không sợ bệnh tật, trong khi người dân rất sợ hàng Trung Quốc". Chủ vựa rau củ Bình - Nhung cho biết, chỉ kinh doanh hàng Đà Lạt, vừa tươi ngon lại an toàn. Anh Tâm, một thương lái rau chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cầm bó rau cải đắng trên tay và chia sẻ: “Rau củ ở xứ mình cũng đẹp có thua gì hàng Trung Quốc, giá lại rẻ, chất lượng trồng yên tâm hơn”.
Bà Hà nhận xét, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong tâm lý người bán hàng. Trước đây họ thường tiếp thị, khen ngợi rau củ quả Trung Quốc đẹp, rẻ nhưng nay chuyển sang tiếp thị hàng nội. Bây giờ người kinh doanh rất tự hào hàng Đà Lạt, vì được giá cao hơn lại dễ bán hơn. “Tỷ lệ điểm bán hàng Trung Quốc còn rất ít. Trước đây 10 điểm bán nay chỉ còn 3 - 4 điểm, giảm tới 60 - 70%. Do sức mua giảm mạnh, người kinh doanh bỏ hàng Trung Quốc, chuyển sang bán rau củ, trái cây trong nước”.
Theo bà Hà, người dân đang chuyển hướng tiêu dùng hàng trong nước. Đây là cơ hội lớn để hàng nông sản trong nước chiếm lại thị phần trên sân nhà.
Theo Thanh Niên