Rau củ quả Nhật biến dị do nhiễm phóng xạ?
Xuất hiện trên trang MSN vào ngày 16/7, một chùm ảnh những cây củ quả thực vật có hình thù quái dị được cho là ảnh hưởng bởi phóng xạ hạt nhân Nhật Bản gây hoang mang dư luận thế giới.
Nghi vấn rau củ quả Nhật nhiễm phóng xạ sau thảm họa kép?
Quả cà chua mọc u, cà chua mọc mầm, cherry sinh 5, quả đào sinh đôi. |
Chùm ảnh về những cây củ quả có hình dáng đột biến. |
Thực chất, kể từ sau thảm họa kép động đất sóng thần diễn ra tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011, mối lo ngại về nhiễm phóng xạ hạt nhân luôn được chính phủ Nhật Bản đặt lên hàng đầu. Không thể khẳng định sau sự cố đau thương này, người dân có thể an toàn sống trong khu vực rò rỉ phóng xạ nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn đang trong quá trình áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa những hậu quả do phóng xạ đem lại.
Được biết, những hình ảnh thực vật kỳ dị này đã xuất hiện trên một trang web của Nhật Bản từ tháng 8/2012 với những nghi vấn về nhiễm phóng xạ, nhưng phải cho tới khi được MSN khai thác, dư luận thế giới mới thực sự chú tâm tới.
Theo đó, ban đầu MSN đưa tin những thực vật như cà chua mọc u, dưa chuột mọc lá bất thường, cam 2 màu hay bắp cải khổng lồ... đều có dấu hiệu bị nhiễm phóng xạ nặng sau vụ rò rỉ tia xạ năm 2011. Mặc dù không thể vội vàng khẳng định những thực phẩm này có gây hại cho sức khỏe con người hay không nhưng chúng vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm.
Nhật Bản phản pháo và đính chính từ MSN
Ông Timothy Mousseau, Giáo sư sinh học trường Đại học South Carolina là người hiện đang nghiên cứu trực tiếp về hệ sinh vật ở Fukushima cho biết, bằng chứng về hiện tượng biến đổi gen ngày một tăng ở khu vực nhưng những hình ảnh thực vật có hình dáng kỳ lạ này không có mối liên hệ nào với hiện tượng nhiễm phóng xạ cả. Nhóm chuyên gia sẽ cần phải tiến hành nhiều dự án nghiên cứu sau đó để xác minh sự thật. "Những bức ảnh thực vật đó có thể khiến chúng ta liên tưởng nhưng hiện tại, chúng vẫn chỉ là tin đồn", ông cho biết thêm.
Cùng lúc đó, một website Nhật Bản khác cũng phản pháo lại thông tin sai lệch mà MSN đưa ra. Website này khẳng định những hình ảnh thực vật đột biến không liên quan gì tới thảm họa Fukushima như MSN đưa tin.
Thông tin đính chính mới nhất của MSN. |
Cuối cùng, trước sức ép dư luận, MSN đã phải đính chính lại bài báo đã đăng với nội dung như sau: "Đính chính: Một bài báo thuộc website Nhật Bản cho biết, những hình ảnh này không liên quan gì tới thảm họa Fukushima. Chúng tôi rất tiếc vì đã đưa thông tin sai lệch tới độc giả".
Theo Tri thức trẻ