Thông tin trên được ông Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra tại Hội thảo "CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4.
Theo ông, rất có khả năng Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP và có thể ngay trong 2 năm đầu. "Là người nghiên cứu về thị trường Mỹ, tôi thấy rằng hiện nay chính quyền Mỹ đang cân nhắc đến chuyện có quay trở lại hay không", ông cho biết.
Lý giải nguyên nhân, ông Cường cho biết hiện nay thương mại Mỹ bị giảm mạnh, chính vì vậy việc quay trở lại CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho bản thân Mỹ trong việc tiếp tục vai trò dẫn đầu về thương mại toàn cầu.
Về vấn đề này, ông Dustin Daugherty, Giám đốc Phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates cũng cho biết hiện nay, phục hồi kinh tế và y tế là ưu tiên hàng đầu và sẽ là trọng tâm trong ngắn hạn và trung hạn của chính quyền ông Biden. "Tuy nhiên, chưa có một tuyên bố cụ thể nào Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP", ông nói.
Trong trường hợp Mỹ tái gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi rất nhiều. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Chúng ta vẫn kỳ vọng một điều tích cực xảy ra ở nhiệm kỳ sau nhưng không nên quá kỳ vọng Mỹ sẽ quay lại sớm. Thay vì thế, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội ở các thị trường khác hoặc cân nhắc con đường vòng để đến với Mỹ dựa trên nền tảng của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), trong đó có cả Canada và Mexico là thành viên", ông nói.
Theo ông Dustin Daugherty, doanh nghiệp có thể tận dụng các thị trường trong CPTPP như Mexico, Canada để xuất khẩu vào Mỹ, tận dụng lợi thế ưu đãi thuế quan khi doanh nghiệp có đầu tư bài bản.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt phải coi trọng đầy đủ thành viên của USMCA để đáp ứng các quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng và nên cân nhắc chi phí cho việc này so với các lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan theo USMCA ở Mỹ.
Ông Dustin nhận định, về lâu dài Mỹ sẽ thúc đẩy tự do thương mại và thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách một đối tác thương mại. "Hy vọng sẽ tiến triển trước khi nhiệm kỳ Biden kết thúc”, ông nói.
Trước đó, theo các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, Mỹ cần tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu muốn tăng cường ảnh hưởng tại khu vực châu Á.
Theo hãng tin Mỹ, sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017, Mỹ cũng không tham gia các thỏa thuận thương mại lớn ở khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Điều đó đặt doanh nghiệp và người lao động Mỹ vào tình thế bất lợi.
Các chuyên gia thương mại cho rằng Mỹ sẽ hưởng lợi nếu quay lại với CPTPP, phiên bản mới của TPP. Một số quốc gia thành viên sẽ hưởng lợi đáng kể nếu có thêm thị trường khổng lồ của Mỹ.
Hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2/2016 bởi 12 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia và Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào năm 2017, khiến 11 nước còn lại (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) phải đàm phán và ký kết hiệp định mới có tên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) vào ngày 8/3/2018, tại thành phố Santiago, Chile, và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.