Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rạp phim lỗ gần trăm tỷ đồng sau hơn 4 tháng đóng cửa

Sau hơn 4 tháng đóng cửa, hệ thống rạp chiếu phim lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Họ chịu thua lỗ, phải cắt giảm lương nhân viên, đối diện với nguy cơ phá sản.

Ngày 3/5, hệ thống rạp chiếu phim tại TP.HCM đóng cửa toàn bộ vì dịch Covid-19. Tiếp đó, cụm rạp ở Hà Nội và các địa phương khác cũng dừng hoạt động. Tính đến thời điểm này, nhà rạp đã trải qua hơn 4 tháng cầm cự để tồn tại.

Trao đổi với Zing, đại diện của CGV, BHD, Galaxy... cho hay các doanh nghiệp gần như kiệt quệ trước "cơn bão" Covid-19. Hàng tháng, họ phải chịu lỗ hàng chục tỷ đồng trong khi doanh thu bằng 0. Số lượng nhân viên nghỉ việc ngày càng nhiều vì mức lương giảm sâu.

"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp có thể tồn tại được trong ngành điện ảnh", bà Nguyễn Thị Mai Hoa, tổng giám đốc của Galaxy nhấn mạnh.

Doanh thu 0 đồng, nhân viên thất nghiệp

Theo bà Mai Hoa, hơn 4 tháng qua, Galaxy đóng cửa hoàn toàn 18 rạp chiếu phim trên cả nước. Trong bối cảnh doanh thu không có nhưng doanh nghiệp này vẫn phải chi trả hàng loạt chi phí liên quan đến mặt bằng, bảo dưỡng máy móc và tiền lương nhân viên.

"Mỗi tháng, Galaxy chịu thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Như vậy, hơn 4 tháng, con số này lên gần trăm tỷ đồng. Năm 2020, ngành chiếu phim, điện ảnh tụt lại vì dịch Covid-19 và thị trường giảm 60-70% so với năm 2019. Công ty đã cố gắng chèo chống qua thời kỳ đó. Nhưng hơn 4 tháng đóng cửa liên tiếp lại dội thêm những thách thức mới và rất khó giải quyết", tổng giám đốc của Galaxy chia sẻ.

Để có thể tồn tại, Galaxy đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó phải kể đến là việc giảm lương nhân viên và cắt các chi phí không cần thiết khác. Mức lương giảm, cuộc sống bấp bênh, nhiều nhân viên của công ty đã phải xin nghỉ việc để tìm cơ hội ở những ngành khác.

rap chieu phim lao dao vi dich anh 1

Hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa từ ngày 3/5. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tương tự Galaxy, Lotte Cinema cũng đóng toàn bộ các cụm rạp trong cả nước. Ông Đoàn Thạch Cương - giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema - cho biết ngành chiếu phim là lĩnh vực đóng cửa đầu tiên và sẽ mở cửa trở lại cuối cùng khi tình hình dịch được ổn định.

Vì thế, doanh nghiệp này đối diện với nhiều khó khăn. Trước tiên, theo quản lý của Lotte Cinema, hệ thống rạp phim phải chịu chi phí lớn về mặt bằng, lương nhân viên và các vấn đề khác trong việc bảo trì máy móc.

Ngoài ra, Lotte Cinema cũng phải chuẩn bị những trang thiết khử khuẩn, thay ghế ngồi bị cũ, hỏng nếu cụm rạp mở cửa trở lại.

"Về chi phí mặt bằng, chúng tôi đang thương lượng với các chủ thuê. Ngoài ra, Lotte Cinema cũng phải cắt nhân sự, giảm lương vì không có doanh thu. Một số bạn bị giảm lương cũng làm đơn xin nghỉ việc trong thời gian này", ông Đoàn Thạch Cương thông tin với Zing.

Vào tháng 6, một số cụm rạp gửi văn bản tới Thủ tướng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo quản lý của Lotte Cinema, đến nay hệ thống rạp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ.

"Có thể chính phủ chờ rạp phim mở lại, thống kê toàn bộ thiệt hại rồi mới hỗ trợ. Tôi đang hy vọng thế. Phim ảnh là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên trong các lĩnh vực", ông cho biết.

Thời gian qua, nhiều bộ phim do Lotte Cinema sản xuất và phát hành không thể công chiếu được ở các rạp, phải đưa lên hệ thống chiếu trực tuyến. Vì thế, hệ thống rạp này phải chịu lỗ nặng.

"Trong các công văn của UBND TP.HCM, tôi chưa thấy đề cập đến việc rạp chiếu phim được mở cửa trở lại. Tôi tin rằng với sự chủ động, quyết liệt của Nhà nước, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi và rạp phim có thể mở cửa trở lại", ông nói.

Đồng cảnh ngộ, BHD đóng cửa 10 cụm rạp. Đại diện của BHD cho rằng áp lực lớn với doanh nghiệp còn nằm ở việc trả thuế, nợ ngân hàng. Ông mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kịp thời như trước đây. Cụ thể, doanh nghiệp có thể trả chậm, giãn nợ với các khoản thuế, nợ ngân hàng.

Hoạt động rạp và sống chung với dịch

Bà Mai Hoa nói nếu đợi đến đầu năm 2022, chính phủ mới cho phép các hệ thống rạp chiếu phim mở cửa trở lại thì doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trụ được đến thời điểm đó. Vì thế, Galaxy và một số nhà rạp khác đang dự kiến làm văn bản, mong muốn được mở lại rạp chiếu phim vào tháng 11 tới đây.

rap chieu phim lao dao vi dich anh 2

Thiên thần hộ mệnh dừng chiếu vì dịch.

"Sống chung với dịch là chiến lược chung của thế giới hiện nay. Ở Malaysia, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày của họ lớn hơn Việt Nam nhưng đã cho phép mở cửa du lịch, trong đó hệ thống rạp chiếu phim tái hoạt động từ ngày 16/9. Tại Việt Nam, nếu tốc độ tiêm chủng vaccine đạt đến ngưỡng có thể cho phép người dân sống chung với dịch, tôi nghĩ ngành chiếu phim có mở cửa sớm để còn tồn tại", bà Mai Hoa nêu quan điểm.

Trong trường hợp nhà rạp được mở lại thời gian tới, các hệ thống rạp chiếu phim không gặp khó khăn về nguồn phim. Vấn đề lớn nhất theo bà Mai Hoa là chính phủ cần có quy định cụ thể về quy trình vận hành để đảm bảo an toàn cho khách hàng lẫn nhân viên của nhà rạp.

"Khi mở cửa lại, chúng tôi cũng theo dõi hành vi của khán giả có thay đổi không sau thời gian dài ở nhà. Vào thời điểm tháng 3, 4 sau khi rạp chiếu phim mở lại sau dịp Tết Nguyên đán, khán giả ra rạp rất đông. Tôi nghĩ nếu rạp phim đảm bảo an toàn thì khán giả sẽ ủng hộ. Việc thực hiện giãn cách tại các rạp cũng không phải là điều quá khó", bà Mai Hoa trao đổi thêm.

Nhiều sân khấu TP.HCM từ chối tham gia liên hoan kịch toàn quốc

Liên hoan kịch nói toàn quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tại Hải Phòng. Tuy nhiên, đại diện các sân khấu tại TP.HCM từ chối tham gia.

Hoàng Yến

Bạn có thể quan tâm