Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rận bẹn đã tuyệt diệt ở châu Âu lại xuất hiện ở Hà Nội

Các bác sĩ viện Sốt rét - Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương liên tục tiếp nhận các ca bị rận bẹn, rận mu. Trong đó, bệnh nhân chủ yếu tuổi thanh niên, trung niên.

Ngứa rát ban đêm, nam bị nhiều hơn nữ

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) cho biết, những ngày gần đây, khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh bị rận bẹn đến khám rải rác. Bệnh nhân ở cả nam và nữ nhưng chủ yếu tuổi thanh niên, trung niên.

Rận bẹn no máu - ảnh TS Nguyễn Văn Châu

Cụ thể, ngày 1/8, anh Đ., 23 tuổi, trú tại Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội đã đến viện  khám và điều trị rận bẹn. Kết quả xét nghiệm đã xác định một con rận bẹn trong ruột còn máu và có cả vỏ trứng trên gốc lông mu.

Loài rận thích mùi Amoniac

Theo các chuyên gia, rận bẹn có tên khoa học là Phthirus pubis, gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 2% dân số thế giới.

Loài côn trùng này không có cánh, ký sinh và hút máu cơ thể người, hút nhiều lần trong ngày, sau khi hút máu thường để lại những vết thâm đen và chai cứng; chúng sinh sản rất nhanh (đẻ trứng). Triệu chứng thường gặp là gây ngứa dữ dội, bắt buộc người bệnh phải gãi, nhiễm trùng da…

Anh Đ. cho biết cách đó một tuần, ban đêm anh thấy ngứa rát vùng mu. Anh đã lần tìm trên mạng biết được thông tin nên đến khám và được tư vấn điều trị. Sau ba ngày bệnh đã khỏi, anh Đ. đã nhắn tin thông báo kết quả.

Tiến sĩ Châu cho biết, đây là trường hợp thứ hai bị rận bẹn tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội trong vòng ba tháng nay.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2014, anh H. 19 tuổi, bộ đội đóng quân tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội thấy ngứa, không rõ nguyên nhân và đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, được giới thiệu đến viện Sốt rét. Anh H. đã bắt được 2 con vật nhỏ bé đưa đến viện xác định đúng là rận bẹn và cũng được điều trị sau 3 ngày.

Tiến sĩ Châu cho biết thêm, mới ngày 11/8 vừa qua, anh D. 29 tuổi, chưa có gia đình, làm tại một cửa hàng bán xe máy trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội cũng bị rận bẹn hơn một tháng nay.

Anh này đã tự mua thuốc về điều trị nhưng không khỏi. Anh D. cho biết, anh rất ngứa về đêm, đã bắt được khoảng chục con giống như con rận bẹn trên mạng. Anh không chỉ bắt được rận ở vùng kín mà còn bắt được ở cả trên mi mắt.

Loại  rận này xuất hiện cả ở mi mắt
Loại rận này xuất hiện cả ở mi mắt - BS cung cấp

Miền Nam cũng đã xuất hiện rận mu

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Châu cho biết, loài rận này ở phương Tây đã tuyệt diệt nhưng gần đây liên tục xuất hiện tại Việt Nam. Không chỉ tại Hà Nội, mà ngày 18/8 vừa qua một bệnh nhân nữ tại Thủ Dầu, Bình Dương cũng đã gửi hình ảnh 3 con rận bẹn mà chị bắt được trên đầu.

"Hiện chúng tôi đang tiến hành gửi thuốc vào trong nam cho bệnh nhân này. Bệnh nhân này bị đã lâu nhưng không chữa được dứt điểm. Loại rận này rất mỏng, chỉ 0,5-1mm, chúng có 6 chân nhỏ, thường bám sát vào da. Nó thậm chí còn chui vào gốc chân lông nên nếu bệnh nhân có kỳ cọ sạch bằng xà phòng hoặc bôi thuốc nấm thông thường cũng không thể khỏi dứt điểm”, tiến sĩ Châu nói.

Đặc điểm loại rận thích mùi amoniac nên hay cư trú ở khu vực mu, bẹn người
Đặc điểm loại rận thích mùi amoniac nên hay cư trú ở khu vực mu, bẹn người

Trả lời về câu hỏi tại sao loài rận đã tuyệt diệt ở phương Tây nhưng gần đây liên tục xuất hiện ở Việt Nam, tiến sĩ Châu cho rằng, ở phương Tây họ sử dụng hóa chất phun diệt hết, ở Việt Nam có thể việc sử dụng hóa chất không đều.

Bên cạnh đó, loài rận này chỉ lây từ người sang người, không ký sinh trên động vật nên những khu vực đông dân sẽ bị nhiều hơn ở các địa phương.

Tiến sĩ Châu phân tích, tính cả trường hợp ở Bình Dương mới đây thì đã có tất cả 6 trường hợp rận mu, rận bẹn xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc điểm của loại rận này là hay hoạt động về đêm, khi cơ thể con người ngưng hoạt động.

Ngoài ra, do rất thích mùi Amoniac nên loài rận này thường cư trú ở gần khu vực bẹn, mu của người. Ngoài ra, nó cũng cư trú ở những vùng có lông như mi mắt, nách hoặc đầu.

"Hiện chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu về lý do tại sao gần đây lại xuất hiện rận bẹn ở Hà Nội và những yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của loài này.

Người dân nếu phát hiện mình bị ngứa về đêm, ngứa tại các bộ phận như trên thì nên đến các cơ sơ uy tín để khám chữa triệt để. Nếu để lâu dài, loài rận mu, rận bẹn có thể lây ra giường chiếu, lây từ người sang người rất nguy hiểm", tiến sĩ Châu khuyến cáo.

Vợ chồng “nghi ngờ” nhau vì rận mu, rận bẹn

Vợ chồng anh Nguyễn Văn T. 45 tuổi, phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết sau khi bị ngứa nhiều ngày ở vùng mu, vợ chồng đã đến bệnh viện Hà Đông được điều trị bằng nhiều loại thuốc ngoài da gần 6 tháng nhưng không khỏi, một hôm anh T.  gãi và đã bắt được hai con vật lạ nhỏ bé, thân mỏng như vảy da đầu.

Sau khi đưa mẫu vật đến Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương và được điều trị khỏi sau 3 ngày.

Anh T. tâm sự rằng, thật phiền toái vì cả vợ và chồng cùng bị ngứa mà không rõ nguyên nhân, vợ chồng đổ lỗi cho nhau mang bệnh gì ở đâu về, phàn nào ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Việc tìm ra rận bẹn là thủ phạm và điều trị thành công đã giải toả tâm lý cho gia đình.

  

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm