Bất kể trời mưa gió, ngày đêm, hễ “yên tĩnh” (tiếng lóng của dân buôn lậu với hàm ý không có lực lượng chức năng hoạt động - PV), các nhóm buôn lậu lũ lượt chạy đưa hàng qua biên giới và từ biên giới vào sâu trong nội địa.
Thâu đêm, suốt sáng
Hơn 4h sáng ngày 14/12, khu vực cửa khẩu biên giới Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang) vắng hoe. Trong vai người đi tập thể dục, chúng tôi cùng một vài người dân địa phương đi dạo quanh khu vực mà nhóm buôn lậu thường hay đi. Bất chợt mưa ập đến, mọi người tấp vào quán nước ven đường khi chủ nhà vừa mở cửa.
Tôi bảo mưa thế này chắc buôn lậu sẽ không dám chạy vì đường trơn, trợt. Ông T. nhà cách đồn biên phòng Vĩnh Tế vài trăm mét buột miệng: “Tôi ở đây mấy chục năm, chưa thấy ngày nào vắng bóng họ. Mưa còn là cơ hội cho giới buôn lậu hoạt động. Chú chờ xem…”.
Thanh niên chở thuốc lá lậu chạy trên đường.
|
Đúng như lời ông nói, chỉ ít phút sau có tiếng xe máy rần rần mỗi lúc một gần. Rồi khoảng trên 20 chiếc xe gắn máy lũ lượt xuất hiện, mỗi chiếc chở 3 bao đường, có chiếc chở thuốc lá được đậy bao nilon chạy qua rồi rẽ vào con đường nhỏ trong đồng ruộng.
Ông T. cho biết đó đích thị là đội quân chở hàng lậu từ Camphuchia sang. Sở dĩ họ đi vòng vào đường nhỏ trong đồng ruộng là nhằm né trạm kiểm soát biên phòng.
Theo ông T., tình hình buôn lậu hiện đã giảm nhiều so với vài năm trước, nhưng vẫn diễn ra liên tục bất kể ngày đêm. Hàng lậu sau khi về Việt Nam sẽ được đưa đến thị xã Tân Châu phân phối cho các chủ hàng bán tại địa phương hoặc từ đó tỏa đi nhiều nơi khác.
Ông Ng.V.Đ, một người thường xuyên đi lại trên tuyến đường Quốc lộ 30 này, nói với vẻ mặt khiếp sợ: “Các loại xe chở hàng lậu thường chạy rất nhanh, nghe tiếng từ phía sau cả trăm mét là có thể biết, khi đó tốt nhất là né, nhường đường cho chắc ăn”.
Tại khu vực thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang), hoạt động buôn lậu chủ yếu diễn ra ban đêm với cả trên bộ lẫn đường thủy. Theo ông N., một người dân địa phương, hằng đêm, dân buôn lậu chở hàng hóa trên vỏ lãi theo đường sông từ bên kia biên giới về bên này tiêu thụ rất nhiều.
Trên đường bộ, hàng lậu được chở bằng xe gắn máy. Sau khi về Việt Nam, hàng được đưa từ Tịnh Biên về Tri Tôn, sang Rạch Giá hoặc nhiều hướng khác để tiêu thụ. Ông N. còn mô tả chi tiết về đường đi nước bước cũng như thời gian, địa điểm hoạt động của giới buôn lậu.
Ở Vĩnh Nguơn (Châu Đốc, An Giang), ranh giới Việt Nam - Campuchia là một con kênh. Thượng tá Hoàng Văn Nam - Chỉ huy trưởng đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, cho biết những năm trước dân buôn lậu chạy vỏ lãi theo kênh, mình không bắt được vì kênh là phần bên Campuchia.
Hiện chúng chuyển sang chạy tắt đường đồng bằng vỏ lãi rồi cõng hàng chạy vài trăm mét vào sâu trong nội địa. Khi cõng thuốc lá lậu về bên này, chúng chia nhau với khoảng cách vài trăm mét mới có một người đi, khi bị phát hiện bắt giữ thì cũng chỉ có một người bị bắt.
"Cách nay vài hôm, tụi tôi tổ chức lực lượng truy bắt vào ban đêm, lúc đó khoảng 3h sáng, nhưng cũng chỉ bắt được một người, cõng kiện hàng khoảng 50 cây thuốc rồi bị động nên bọn chúng rút lui”, Thượng tá Nam nói.
Theo ông Nam, khó nhất là đường biên giới dài, đơn vị của ông phụ trách 16,5 km, trong khi chỉ có hơn 60 người, không đủ lực lượng để kiểm soát tình hình buôn lậu. Vào mùa lũ, dân buôn lậu dùng xuồng vỏ lãi gắn máy xe công suất cao, ca nô của biên phòng không đuổi theo kịp.
Quốc lộ 30 là tuyến đường huyết mạch từ TX Hồng Ngự về TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đi qua địa phận hai huyện Thanh Bình và Tam Nông. Đây cũng là con đường chính của thuốc lá lậu từ biên giới về sâu trong nội địa. Thuốc lá lậu thường được chở trên những chiếc xe đã được độ chế, chạy với tốc độ rất cao.
Ông Ng.V.Đ, một người thường xuyên đi lại trên tuyến đường Quốc lộ 30 này nói với vẻ mặt khiếp sợ: “Các loại xe chở hàng lậu thường chạy rất nhanh, nghe tiếng từ phía sau cả trăm mét là có thể biết, khi đó tốt nhất là né, nhường đường cho chắc ăn”.
“Nghiện” buôn lậu
Thường Thới Hậu B là một trong những xã nghèo nhất của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Bà con nơi đây sống chủ yếu dựa vào trồng lúa, đời sống nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do hàng đầu để người dân tham gia tiếp tay cho các đầu nậu buôn lậu, kiếm thêm thu nhập. Họ tham gia bằng cách nhận chở thuê hàng lậu từ biên giới về điểm tập kết.
Theo ông Lý Phương Bình, cán bộ xã Thường Thới Hậu B, để triệt tận gốc tình trạng người dân tham gia vận chuyển hàng lậu, bên cạnh tăng cường tuần tra, chốt chặn thì công tác giáo dục, tuyên truyền được xem là biện pháp chính nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ trong nhân dân.
Tuy nhiên, cũng theo vị cán bộ xã này việc tuyên truyền, vận động đối với một bộ phận người dân rất khó khăn vì họ dường như đã “nghiện” nghề buôn lậu. Mặt khác, nếu bỏ nghề, họ thường không có vốn làm ăn…
Ông Phan Văn Thành - Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Đồng Tháp), cho biết mặt hàng buôn lậu nhiều nhất vẫn là thuốc lá hiệu HERO, JET và đường nhãn mác Thái Lan.
Để dễ tiêu thụ và qua mặt cơ quan chức năng, hàng thường được chia nhỏ, gửi vào dân và thường dùng xe máy vận chuyển mỗi chuyến 50 - 70 cây, hoặc 2 - 3 cục (25 cây/cục). Khi bị bắt, gần như họ đều bỏ lại hàng, chạy thoát thân.
Với đường lậu, khi vào đến địa bàn, sẽ được hợp thức hóa bằng các hóa đơn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vì tốn công sức và thời gian xác minh kỹ càng, qua nhiều công đoạn.
“Khi thấy bóng dáng anh em thuộc các cơ quan chức năng thì dân buôn lậu án binh bất động, đợi lúc “êm” thì hoạt động, trong khi lực lượng anh em mỏng, muốn bắt được nhiều khi rất gian nan”, ông Thành nói.