Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Anthropocene, thời đại mà loài người làm thay đổi đáng kể bề mặt và hệ sinh thái Trái Đất. Hậu quả của sự tàn phá đó là tình trạng suy thoái môi trường và hiện tượng biến đổi khí hậu.
Một trong những di sản tồi tệ nhất của kỷ nguyên Anthropocene chính là ô nhiễm nhựa, một mối đe dọa khủng khiếp với hệ sinh thái, đang lan rộng trong lòng đại dương và len lỏi đến từng ngóc ngách Bắc Cực.
Ngày 4/9, tạp chí Science Advances đăng tải báo cáo của các chuyên gia thuộc Viện Hải dương học Scripps về tình trạng ô nhiễm nhựa. Xét nghiệm trầm tích ngoài khơi miền Nam California (Mỹ), các nhà khoa học đã xác định được sự thay đổi kinh hoàng của mức độ tích tụ nhựa theo thời gian.
Rác thải nhựa ngập trên biển. Ảnh: Getty Images. |
Đại dương đầy nhựa
Kết quả nghiên cứu cho thấy từ thập niên 1940, thời điểm con người bắt đầu sản xuất nhựa, tỷ lệ lắng đọng vi nhựa tăng gấp đôi sau mỗi 15 năm. Hiện tượng này có mối quan hệ chặt chẽ với sự bùng nổ của ngành sản xuất nhựa và tốc độ tăng trưởng dân số ở vùng duyên hải California.
Các chuyên gia Viện Hải dương học Scripps kết luận các thành phố ven biển càng phát triển mạnh mẽ, lượng vi nhựa thải ra biển càng tăng, làm ô nhiễm toàn bộ hệ sinh thái.
Nhóm nghiên cứu lấy các mẫu trầm tích đã tồn tại nhiều chục năm dưới đáy biển, sấy khô chúng trong phòng thí nghiệm, quan sát chúng dưới kính hiển vi. Họ cũng thực hiện các thí nghiệm hóa học để xác định các loại vi nhựa bên trong trầm tích.
Khoảng 2/3 số hạt được tìm thấy trong trầm tích là sợi, có nguồn gốc từ các loại vải tổng hợp. Chúng bị bong ra trong quá trình giặt giũ. Các nhà máy xử lý nước thải có thể xử lý nước sinh hoạt trước khi xả ra biển, nhưng không đủ thiết bị để lọc vi sợi.
Các chuyên gia thu thập trầm tích ngoài khơi California. Ảnh: Wired. |
"Vi sợi mở cuộc tấn công đại dương dữ dội khi lắng đọng dưới đáy biển. Với các loài nhỏ bé như sinh vật phù du, vi sợi cũng giống sợi dây thừng với con người. Chúng có thể vướng phải vi sợi, vô tình nuốt phải, gây kẹt ruột và các chi", Wired dẫn lời chuyên gia Jennifer Brandon thuộc Viện Hải dương học Scripps cho biết.
Ngoài ra, các loại nhựa lớn như túi nylon trôi trên biển bị ánh nắng mặt trời chiếu vào, nóng lên rồi phân rã thành nhiều mảnh nhỏ, bị cuốn vào những cột nước. Sau đó, các sinh vật đại dương nuốt phải những mảng nhựa này.
Ví dụ, các loài côn trùng khổng lồ dùng lưới chất nhầy để bắt mồi sẽ bắt luôn cả vi nhựa. Khi chúng thu lưới và di chuyển xuống đáy biển, vi nhựa cũng bị kéo theo. Đó là một trong nhiều cách mà vi nhựa tích tụ trong bùn dưới đáy biển.
Di sản môi trường nhục nhã
Màu sắc là yếu tố thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu về ô nhiễm nhựa. Dù vi nhựa có nhiều màu khác nhau, chuyên gia Brandon và nhóm nghiên cứu phát hiện rằng đa số chúng có màu trắng.
Nhiều loại động vật săn mồi dưới biển chọn con mồi dựa trên màu sắc, và chúng có thể nhầm lẫn vi nhựa trắng với sinh vật phù du trong suốt có trứng trong bụng. "Chúng ta chưa lên tiếng cảnh báo đủ mạnh về tình trạng đó", chuyên gia Brandon nhấn mạnh.
Vấn đề là cộng đồng quốc tế chưa thể xác định được rõ mức độ ô nhiễm vi nhựa trong toàn bộ hệ sinh thái đại dương toàn cầu. Lượng vi nhựa lắng đọng ngoài khơi bang California được cho là thấp hơn khá nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Ấu trùng đại dương có thể nhầm vi nhựa với lưới chất nhầy. Ảnh: Wired. |
"Nếu thực hiện thí nghiệm tương tự ở biển Hoàng Hải (Trung Quốc), ngay bên ngoài các con sông lớn như Dương Tử hay Hoàng Hà, nồng độ nhựa có thể là rất lớn và gây ra những tác động khủng khiếp", nhà khoa học Allen Burton thuộc Đại học Michigan nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cảnh báo vấn đề là khi dân số vùng ven biển tiếp tục gia tăng tại Trung Quốc và nhiều khu vực khác trên thế giới, rác thải nhựa sẽ tiếp tục bị xả ra biển. Loài người sản xuất tới 400 triệu tấn nhựa trong năm 2015, và sản lượng này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2025.
Nhựa rất khó phân hủy vì chúng được thiết kế để có độ bền cao. "Chúng sẽ trở thành trầm trích để các nền văn minh tương lai tìm thấy. Chúng phân rã thành nhiều mảnh nhỏ nhưng vẫn là nhựa hóa học. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ đào chúng lên, giống hệt cách chúng ta khai quật những món cổ vật hiện nay", chuyên gia Burton bi quan.
Vi nhựa đang trở thành vết nhơ lớn của kỷ nguyên Anthropocene và biến Trái Đất thành "hành tinh nhựa". "Đó sẽ là di sản môi trường đáng xấu hổ mà chúng ta để lại cho con cháu", Wired nhận định.