Đường phố tràn ngập rác thải, bốc mùi hôi thối trở nên quá phổ biến ở Rome, Italy. Người dân địa phương và khách du lịch quen với việc bịt mũi, cẩn trọng với lũ chuột, gián "không mời mà đến" khi đi ngang qua các bãi rác.
Khủng hoảng rác thải
"Đây là một trong những thành phố du lịch tuyệt vời của thế giới nhưng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bạn có thể ngửi thấy mùi thức ăn mục nát, mùi của mọi loại rác thải. Không ai, không tổ chức nào chịu trách nhiệm vệ sinh hàng ngày", NPR trích lời phóng viên Latza Nadeau.
Nhà văn, nhà phê bình Massimo Franco cảm thấy thất vọng về tình trạng xuống cấp của Rome: "Đó là một thành phố tuyệt vời nhưng lại được quản lý bởi những nhân viên vô trách nhiệm".
Rác thải đang làm xấu đi hình ảnh của thành phố Rome. Ảnh : NBC News |
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người Italy tin rằng thành phố của họ đang trong tình trạng suy tàn, hình ảnh quốc gia đang bị đe doạ.
"Người dân Italy rất lo lắng về vấn đề khủng hoảng rác, thực sự ai cũng quan tâm nhưng đều cho rằng đây không phải việc của mình", ông Franco chia sẻ.
Cuộc chiến với các "mafia rác thải"
Tháng 10/2015, uy tín của cựu thị trưởng Ignazio Marino bị ảnh hưởng nặng nề, sau đó ông đã tuyên bố từ chức do bị cáo buộc dính líu đến hàng loạt bê bối trong thời gian nắm quyền, đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải. Sự kiện này đã gây chấn động nền chính trị Italy.
AMA là công ty môi trường đô thị của thành phố, một thiết chế khổng lồ với hàng nghìn nhân viên. Công ty này từ lâu đã nảy sinh nhiều vấn đề như thất thoát vốn, tham nhũng, hiệu quả công việc giảm sút và những năm gần đây lung lay vì vụ bê bối "mafia thủ đô". Những tên mafia cấu kết với nhiều quan chức trong chính quyền thành phố để khai thác các nguồn lợi từ những hợp đồng xử lý rác.
Sau 8 tháng không có người lãnh đạo, hồi tháng 6, bà Virginia Raggi, một ngôi sao của "Phong trào Năm sao" đã được bầu cử làm nữ thị trưởng đầu tiên của Rome với lời hứa sẽ làm thủ đô sạch đẹp và đáng sống hơn.
Nhưng sau hơn một tháng đương nhiệm, bà Raggi đang phải đấu tranh chống lại "bức tường tham nhũng" được ví như cao chất ngất như những đống rác ở Rome. Vấn đề đặt ra rằng các nhóm tội phạm có tổ chức đã nắm trong tay hệ thống quản lý chất thải AMA của thủ đô từ lâu, việc vệ sinh của thành phố phụ thuộc lớn vào các tổ chức này.
Bà Virginia Raggi, nữ thị trưởng đầu tiên của Rome, đang phải đau đầu giải quyết khủng hoảng rác thải. Ảnh: NBC News |
"Đó là một hệ thống điên rồ, không còn gì để nói", bà Raggi tỏ ra bức xúc khi bắt đầu làm sáng tỏ hệ thống tham nhũng nói trên.
Theo thị trưởng Ragi, công ty AMA nợ khoảng 600 triệu euro, bao gồm khoản nợ 200 triệu euro đối với các nhà cung cấp và 35 triệu euro với các ngân hàng. Công ty này có khoảng 7.500 nhân viên không được đào tạo nghề, có nghĩa là họ không đủ trình độ cần thiết để xử lý các loại rác thải, gồm chất thải y tế và các sản phẩm chất thải độc hại khác.
Bà Raggi khẳng định chính quyền thành phố sẽ đảm nhận nhiệm vụ thu gom chất thải, thậm chí mọi công dân đều có quyền giám sát công việc này.
Theo một cuộc điều tra hình sự nhằm vào hệ thống tham nhũng được gọi là "mafia thủ đô", tội phạm không chỉ len lỏi vào hệ thống xử lý chất thải của thành phố mà còn có chân rết đến các công ty liên quan, kể cả bộ phận bảo dưỡng nghĩa trang thành phố.
Kể từ khi các công ty tham nhũng bị lật tẩy, công việc dọn sạch thành phố không còn được tiến hành thường xuyên. Tình trạng rác thải của thành phố ngày càng quá tải. Bên cạnh đó, các công nhân vệ sinh môi trường phản đối điều kiện làm việc độc hại và bị quản lý chặt hơn.
Người dân "lãnh" hậu quả
Không chỉ thủ đô Rome, Cartesa - miền nam Italy cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng rác thải. Vùng đất ở đây trở thành nơi chứa của hàng trăm tấn rác thải công nghiệp độc hại.
Rác thải công nghiệp như thùng đựng sơn, bao tải nhựa, chai hoá chất nằm rải rác trên mặt đất. Thậm chí, người dân ở đây phải chịu đựng những mùi hôi hăng hắc của hoá chất, nhìn thấy những chùm khói độc hại lơ lửng trong không khí.
Điều này cho thấy mặt tối của chủ nghĩa tư bản khi chính quyền đồng loã cùng các công ty rác thải dưới sự "bảo kê" bởi cảnh sát, chính trị gia và công tố viên.
Các bác sĩ ở Italy cho biết nhiều người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ vấn đề khủng hoảng rác thải. Họ đã phải chết ở độ tuổi còn quá trẻ vì những căn bệnh ung thư. Phụ nữ đột nhiên bị ung thư giai đoạn cuối, nhiều người đàn ông mắc bệnh ung thư phổi dù không hút thuốc và những đứa trẻ được sinh ra với hội chứng Down.
Marfella, người đứng đầu bệnh viện Fondazione Pascale Napoli, cho biết các bác sĩ ở đây bắt đầu nhận thấy các trường hợp ung thư tăng chóng mặt từ năm 2000, độ tuổi trung bình của bệnh nhân từ 60 tuổi xuống dưới 40 tuổi.
Càng nhiều trẻ em mắc ung thư xương, độ tuổi của bệnh nhân bị ung thư vú giảm xuống dưới 40 tuổi. "Chúng ta như đang sống trong thành phố công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới vậy", Marfella chia sẻ.