Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rắc rối thường gặp trên smartphone khi trời quá lạnh

Pin, màn hình cảm ứng của smartphone có thể gặp sự cố nếu sử dụng thường xuyên trong thời tiết lạnh giá.

Smartphone của bạn có thể phản ứng với thời tiết lạnh theo cách tiêu cực. Ảnh: Ibtimes.

Nhiệt độ tại miền Bắc xuống đến 5 – 6 độ C hôm 24/1, có nơi -4 độ C. Đây là mức thấp kỷ lục của toàn miền ghi nhận trong 30 năm qua.

Nếu nhiệt độ xuống quá thấp, một số người sẽ cảm thấy cơ thể có phản ứng như tê liệt các chi và khó thở. Con người không đơn độc trong việc chiến đấu với cái lạnh. Thứ tài sản quá giá nhất của chúng ta là smartphone cũng phản ứng dữ dội với nhiệt độ thấp.

Điện thoại thông minh được biết đến với khả năng chịu lạnh tốt hơn nhiều so với chịu nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ cực thấp có thể ảnh hưởng xấu tới chiếc smartphone của bạn. Các nghiên cứu chỉ ra điện thoại Android có khả năng chịu lạnh tốt hơn so với thiết bị Apple. Tuy nhiên, ở nhiệt độ - 40 độ C, tất cả điện thoại sẽ ngừng hoạt động.

Mặc dù tại Việt Nam khó xuất hiện nền nhiệt ở mức -40 độ C, nhiệt độ thấp có thể gây tác động tiêu cực cho điện thoại thông minh. Dưới đây là một số vấn đề có thể phát sinh trên smartphone của bạn khi trời lạnh:

Pin “đóng băng”

Pin là linh kiện dễ bị ảnh hưởng nhất do thời tiết trên smartphone. Trong cái lạnh khắc nghiệt, pin có thể bị chết hoàn toàn. Việc tiếp xúc với nền nhiệt thấp kéo dài cũng khiến pin của máy nhanh chết hơn so với thông thường.

Lỗi màn hình

Điện thoại màn hình LCD dễ bị “cảm lạnh” hơn so với máy dùng màn hình AMOLED. Trong trường hợp xấu, người dùng có thể gặp phải hiện tượng màn hình cảm ứng chậm, nhòe màn hình hoặc xuất hiện bóng mờ của chữ và màu sắc.

Lỗi phần cứng

Ở nền nhiệt cực thấp, nhiều thành phần bên trong máy có thể phát sinh vấn đề. Hiện tượng thường gặp nhất là máy không nhận thẻ SIM hoặc không thể xử lý các thao tác thường ngày.

Ngưng tụ chất lỏng

Điện thoại thông minh dễ bị ngưng tụ chất lỏng bên dưới màn hình nếu chúng được sử dụng ngay trong môi trường ấm áp sau khi đã chịu lạnh thời gian dài. Điều này có thể gây nhiều thiệt hại khác nhau cho máy hoặc khiến màn hình bị mờ.

Cách tránh rét cho smartphone

Không hoặc hạn chế sử dụng smartphone của bạn khi trời quá lạnh. Đặt smartphone trong túi quần, túi áo khoác hoặc những nơi gần với cơ thể là hành động cần thiết.

Khi trời lạnh, việc sử dụng các loại vỏ bảo vệ nồi đồng cối đá như vỏ chống bụi, chống nước và chống va đập có tác dụng tốt.

Tránh để quên smartphone ngoài trời hoặc trên xe hơi trong thời gian dài, nhất là qua đêm. Ngoài ra, để smarphone tiếp xúc với môi trường ẩm ướt (như nhà tắm) là vô cùng tai hại vì máy có thể bị dính nước, sau đó dẫn đến hiện tượng ngưng tự chất lỏng đã nói ở trên.

Sử dụng tai nghe Bluetooth có mic để tránh cho smartphone tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong điều kiện trời lạnh.

Một điểm đơn giản nhưng quan trọng khác là người dùng cần sạc đầy smartphone trước khi ra đường.Nếu pin được sạc đầy, khả năng bị chết pin dưới trời lạnh của nó thấp hơn so với khi cạn pin.

'Smartphone tại VN dùng giải trí, ở Trung Quốc để sống sót'

Cách chọn mua điện thoại và định vị các thương hiệu của người dùng Trung Quốc khá gần gũi với người Việt Nam, nhưng lại có sự khác biệt trong cách sử dụng do khác biệt công nghệ.

5 quan niệm sai lầm về công nghệ Nhiều người cho rằng, đặt laptop lên đùi có thể gây vô sinh, dùng điện thoại nhiều dễ bị ung thư. Đây là các quan điểm không đúng.

Đức Nam

Bạn có thể quan tâm