Những ngày qua là chuỗi kinh hoàng của Mark Zuckerberg và Facebook khi công ty này liên tiếp dính phải nhiều điều tiếng. Dường như nỗi ám ảnh 3 năm trước của Facebook đang dần trở lại và có thể sắp thay đổi hoàn toàn vị thế của mạng xã hội này.
CEO Facebook hiện phải đương đầu với nhiều khó khăn về mặt pháp lý sau vụ bê bối. Ảnh: CNBC. |
"Cậu cảm thấy thế nào?", nhà báo Cadwalladr hỏi Chris Wylie, cựu Giám đốc phụ trách bầu cử của Cambridge Analytica.
3 năm trước, Wylie chính là người đã tố cáo Facebook trong các cuộc điều tra của Observer nhắm vào công ty này. Ngày nay, lại có một Wylie khác cũng làm điều tương tự như vậy.
Nhà báo Carole Cadwalladr từ Guardian đưa ra dự đoán rằng sẽ còn nhiều cá nhân đứng ra tố cáo Facebook, mở ra thời kỳ sụp đổ của mạng xã hội này.
Bộ mặt thật của Mark Zuckerberg và Facebook
Frances Haugen là một nhân tố mới nổi. Cô ấy từng làm việc tại Facebook. Haugen đã đứng ra tố giác công ty cũ của mình lừa dối nhà đầu tư và bao che cho ảnh hưởng tiêu cực của Instagram đến tâm lý của thanh thiếu niên.
Ngoài Haugen, Maria Ressa - nhà báo vừa đoạt giải Nobel Hòa bình 2021 còn trực tiếp phê bình mạng xã hội này. Ressa cho rằng Facebook có thành kiến với báo chí và chỉ trích các thuật toán của nền tảng chỉ "ưu tiên lan truyền những tin giả đi kèm với sự hận thù hơn là sự thật".
Giống như những người tố giác khác, Haugen biết mình đang làm gì. Cô ấy là một người điềm tĩnh và có tiếng nói rõ ràng. Cô đã chứng minh được lời khai của mình có sức ảnh hưởng lớn như thế nào đối với công ty.
Frances Haugen, cựu nhân viên đã đứng ra bóc trần màn dối trá của Facebook trong suốt thời gian qua. Ảnh: The Guardian. |
Haugen không chỉ "điểm mặt" những màn dối trá của Facebook, tác hại của mạng xã hội này đối với thanh thiếu niên mà cô còn lên tiếng về những ảnh hưởng xấu của Facebook đối với nền dân chủ.
Cùng với những bằng chứng cứng rắn, gồm 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và các tài liệu được giao cho 5 Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Haugen đã cho mọi người thấy cô không hề nói suông. Cựu nhân viên Facebook sẽ tiếp tục hành trình vạch trần công ty cũ vào cuối tháng 10 này trước Quốc hội Vương quốc Anh.
Theo bà Cadwalladr, vụ bê bối vào năm 2018 đã không khiến Facebook bị "thiêu rụi" nhưng chí ít, nó đã giúp lột chiếc "mặt nạ" của mạng xã hội này.
Trên thực tế, Facebook từng bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) phạt kỷ lục 5 tỷ USD, nhưng trái lại, vụ việc này thậm chí còn khiến giá cổ phiếu của Facebook tăng cao hơn. Suy cho cùng, 5 tỷ USD cho một công ty trị giá nghìn tỷ USD thì có là gì?
Cadwalladr cũng chỉ ra rằng, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã từng cảnh cáo Facebook vì "những thông tin sai lệch" cùng việc lừa dối các nhà báo, nhưng mọi chuyện lại tiếp tục ổn thỏa khi họ chỉ phạt Facebook 100 triệu USD.
Chẳng một ai trong công ty Facebook bị tổn hại về điều gì. CEO Zuckerberg không bị phế truất và Sheryl Sandberg cũng không bị buộc phải giải trình về hành động của mình. Nền tảng vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nó vẫn là một mạng xã hội thịnh hành.
Mạng xã hội Facebook sắp trở thành quá khứ?
Dù dễ dàng qua mặt trong quá khứ, song Facebook hiện phải đối mặt với ngày tàn sau màn phơi bày của Haugen.
Vụ kiện ở Texas liên quan đến Sandberg vì gian lận thị trường và một vụ kiện cổ đông được đệ đơn tại Delaware, dựa trên các tài liệu nội bộ mới được tiết lộ, nó có thể chứng minh rằng các giám đốc điều hành cấp cao của Facebook và các thành viên hội đồng quản trị đã nói dối các nhà đầu tư.
Mạng xã hội của Zuckerberg đang gặp phải nhiều thách thức về mặt pháp lý và quy định, đồng thời ở trong tình trạng suy yếu với lực lượng lao động bị lung lay và không đáng tin.
Sau cùng, người ta cũng sẽ chỉ nhớ về Facebook như một công ty công nghệ dính nhiều điều tiếng nhất.
Cadwalladr cũng nhận định rằng, ngày càng sẽ có nhiều người tố giác khác xuất hiện trong tương lai. Dường như cả thế giới đang dần hoan nghênh và ủng hộ những người tố giác giống như Haugen bởi có lẽ ai cũng đều muốn biết sự thật.
Có thể nói, ngày tàn của Facebook đã không diễn ra vào hôm qua, cũng không diễn ra vào hôm nay hoặc ngày mai, nhưng ngày càng có nhiều vết ố đối với nền tảng này. Chuỗi scandal lớn của Facebook đang củng cố niềm tin rằng nền tảng này đang dần đi đến hồi kết.
Theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ của Facebook, lượng người dùng trẻ từ 18-24 tuổi không còn mặn mà với mạng xã hội này. Trong đại dịch, tần suất sử dụng Facebook của mọi nhóm người dùng đều tăng, ngoại trừ những người từ 23 tuổi trở xuống.
The Guardian trích lời Oliver Coghlan (23 tuổi), cho biết anh đã ngừng sử dụng mạng xã hội này cách đây 3 năm và đang cân nhắc xóa ứng dụng khỏi điện thoại. Mục đích sử dụng duy nhất của anh lúc này là cập nhật thông báo sinh nhật của mọi người.
“Tôi vẫn chưa xóa nó nhưng có lẽ sẽ sớm thôi. Tôi không thích hành vi độc quyền của công ty”, Coghlan nói.