Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rà soát bản án, quyết định của thẩm phán xài bằng giả ở Thái Nguyên

Sáng 13/9, Chánh án TAND TP Thái Nguyên - ông Nguyễn Ngọc Ánh cho hay sẽ rà soát toàn bộ bản án, quyết định do thẩm phán Nguyễn Thị Nga ban hành.

Theo ông Ánh, sau sự vụ của thẩm phán Nguyễn Thị Nga (sử dụng bằng THPT giả), để tránh những sai phạm nghiêm trọng tương tự, ngành Toà tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ cán bộ liên quan đến hai cấp toà (huyện, tỉnh). Sau khi xem xét, hiện tại, ngành toà tỉnh Thái Nguyên chưa phát hiện trường hợp nào tương tự thẩm phán Nguyễn Thị Nga.

Việc thẩm phán Nga sử dụng bằng THPT giả được giới chuyên môn đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, chính vì lẽ đó, Chánh án TAND TP Thái Nguyên khẳng định ngay sau đây, sẽ tiến hành rà soát toàn bộ bản án, quyết định do thẩm phán Nga ban hành, qua đó báo cáo lãnh đạo tỉnh để xem xét, đánh giá.

Liên quan đến vụ việc, hôm 11/9, ông Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội - đã ban bố quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp hệ chính quy của bà Nguyễn Thị Nga (41 tuổi) - thẩm phán TAND TP Thái Nguyên. Lý do được đưa ra chính là việc bà đã sử dụng bằng THPT giả.

tham phan xai bang gia o Thai Nguyen anh 1
Tấm bằng cử nhân luật của bà Nga đã bị tuyên vô hiệu. 

Trước đó, trả lời TAND tỉnh Thái Nguyên về chuyện có hay không bà Nga đã tốt nghiệp THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản khẳng định, năm 1994, bà Nguyễn Thị Nga đã thi trượt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sau khi có đơn tố cao bà Nga sử dụng bằng giả, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xác minh tại trường học nơi bà được đào tạo, đối chiếu các thông tin trên bằng tốt nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga, cơ quan chức năng bất ngờ khi phát hiện, chủ nhân của các số hiệu trên bằng tốt nghiệp mang tên một người khác.

Với nội dung này, bà Nga đã có văn bản giải trình, khẳng định sau khi thi tốt nghiệp THPT, đã làm đơn phúc khảo bài thi và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Bà dùng giấy này dự thi và trúng tuyển trường Đại học Luật Hà Nội. Đến năm 1999, bà được cấp bằng tốt nghiệp cử nhân luật hệ chính quy.

Tuy nhiên, với việc sử dụng bằng giả, theo ông Lê Tiến Châu, từ ngày 7/9/2017, toàn bộ kết quả học tập cũng như tấm bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nga bị vô hiệu.

Thẩm phán ở Thái Nguyên xài bằng giả có dấu hiệu tội phạm

Sáng 12/9, các chuyên gia pháp lý cho hay việc thẩm phán ở TAND TP Thái Nguyên dùng bằng giả có dấu hiệu tội phạm.


https://laodong.vn/phap-luat/ra-soat-toan-bo-ban-an-quyet-dinh-cua-tham-phan-xai-bang-gia-o-thai-nguyen-564276.ldo

Theo Bảo Thắng/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm