Trong vòng sơ loại một cuộc thi hoa hậu thường có vòng phỏng vấn giữa ban giám khảo và thí sinh. Đó là khi thí sinh chỉ trang điểm nhẹ, rất dễ để thấy ai đẹp hơn ai, và bộc lộ tính cách của bản thân trước những câu hỏi thẳng của ban giám khảo.
"Các giám khảo đều là những người giàu kinh nghiệm sống nên khó có điều gì qua được mắt họ", Á hậu Hoàng My, giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay, nói với Zing.vn.
Trước ban giám khảo, cách một cô gái nói về nhan sắc, tài năng, tiền bạc, tình yêu, đàn ông... và nhiều giá trị sống khác sẽ bộc lộ bản thân họ theo cách không thể che giấu.
Khi một cô gái xuất hiện trước mặt ban giám khảo suốt vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng trong thời gian tham gia một cuộc thi, mọi nét đẹp đẽ hay xấu xí của họ sẽ được bộc lộ hết, không giống như khi họ chỉ xuất hiện qua các bức ảnh tĩnh trên báo chí. Đó là những góc khuất mà độc giả khó có cơ hội chứng kiến.
Không chuyên nghiệp do thiếu giáo dục
Trả lời Zing.vn hôm 27/10, nhà thiết kế Sĩ Hoàng - giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017 - đã nhấn mạnh về vấn đề giáo dục, điều anh cho là cốt lõi khiến thí sinh Việt Nam không thể hiện được bản thân trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.
"Thiếu tự chủ, độc lập, tự tin", nhà thiết kế nói về điểm yếu của Huyền My, thí sinh đại diện Việt Nam. Anh cho rằng đây là hậu quả của nền giáo dục "trọng học hơn hành", trong khi nền giáo dục các nước khác dạy người trẻ phải tự đứng lên khi vấp ngã.
Trong cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế vừa qua, những thông tin về Huyền My vô hình trung tạo ra một hình ảnh không hề tích cực về cô. Trong các vòng thi phụ, cô bị mô tả là ngồi tách riêng một mình và thiếu thân thiện khi các thí sinh nước bạn giao lưu vui vẻ. Đây là một hành động "mất điểm" bởi không chỉ là thí sinh hoa hậu bình thường, Huyền My còn là đại diện nước chủ nhà.
Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ "hoa hậu thân thiện" hay được dùng, và cũng không phải ngẫu nhiên nhiều cuộc thi có hạng mục giải phụ dành cho phẩm chất này. Những người đẹp lạnh lùng và kiêu kỳ có thể trông rất hấp dẫn ở đâu đó ngoài đời, nhưng chắc chắn không phải trên sân khấu hoa hậu.
Đỉnh điểm là trước đêm chung kết 26/10, Huyền My cũng khiến dư luận xôn xao khi gia đình và bạn bè tiết lộ cô "rất căng thẳng", "đóng cửa phòng cả ngày, không xuống phòng ăn" và "khiến gia đình khủng hoảng theo".
Những thông tin này càng tô đậm thêm sự thiếu chuyên nghiệp của đại diện Việt Nam, nghe không khác gì một sĩ tử đi thi đại học, khi một đứa con đi thi là... cả nhà thi theo.
Áp lực từ đứa con đổ hết lên đầu cha mẹ. Trong khi đó, thực tế là các thí sinh hoa hậu đều đã trưởng thành, theo lý phải tự chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động mà mình tham gia, không thể nào hành xử như những đứa trẻ mới lớn.
Câu chuyện của Huyền My hiện tại có nhiều điểm tương đồng câu chuyện của Diễm Hương trước đây. Năm 2010, Diễm Hương - Hoa hậu Thế giới Người Việt 2010 - được chọn đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Trái đất, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam. Chỉ vào đến top 14, Diễm Hương cũng gây tranh cãi khi không có mặt chúc mừng tân hoa hậu khi cô này đăng quang sau đó.
Diễm Hương khi thi Hoa hậu Trái đất năm 2010 cũng vướng phải chỉ trích không chúc mừng hoa hậu đăng quang dù là đại diện nước chủ nhà. |
Lời giải thích của Diễm Hương năm đó cũng không khác gì lời giải thích của Huyền My hiện nay: "Sân khấu quá đông, không chen vào kịp". Với Huyền My, như các hình ảnh ghi lại, lúc đó cô còn đang khóc. Còn với Diễm Hương, cô giải thích thêm là "tôi đi giày cao 12 cm nên lúc đó rất mệt, chỉ muốn cởi đôi giày ra".
Điều mà các đại diện Việt Nam này không nghĩ đến là các thí sinh nước khác cũng phải chịu đựng những điều tương tự họ: trang phục rườm rà, giày cao, sân khấu chật và đông, nỗi buồn vì không chiến thắng... Nhưng tại sao vẫn có thể chúc mừng tân hoa hậu và nán lại sân khấu chung vui mà tạm quên mệt mỏi?
Câu trả lời chỉ có thể là sự thiếu chuyên nghiệp. Điều đáng tiếc ở Huyền My là cô đã quảng bá rất rình rang về ê kíp trang điểm, phục trang và huấn luyện hùng hậu. Nhưng rốt cuộc tất cả đều tập trung vào bề ngoài mà quên nhắc cô một điều đơn giản: nếu không chiến thắng, hãy lựa cách ứng xử cho đẹp, vì khả năng đó rất dễ xảy ra.
Phụ nữ hiện đại không chỉ đẹp ở gương mặt
Các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức hàng trăm năm nay nhưng quan niệm về nhan sắc mỗi thời một khác. Và dù chịu nhiều điều tiếng, các cuộc thi hoa hậu cũng là một nơi để xã hội tham khảo những giá trị nào của phụ nữ đang được cổ vũ.
Một giám khảo hoa hậu từng nói khi 20 người đẹp cùng bước xuống bậc cầu thang trong phần thi váy dạ hội, người có khuôn mặt đẹp mà không cười, luống cuống chỉnh váy áo, bước đi không tự tin... không thể là người thu hút ánh nhìn nhất.
Đó phải là những người có cặp mắt nhìn thẳng, nụ cười không suy chuyển dù phải đối mặt với hàng trăm ống kính và khán giả, cùng sự tự tin toát ra từ toàn bộ cơ thể.
Và cũng trong khoảnh khắc tất cả cùng "đổ bộ" đó, ai hút ánh nhìn hơn ai, điều này sẽ được thể hiện rất rõ ràng. Phần lớn trường hợp thực tế đã chứng minh, đó là người có thần thái tự tin nhất. Thời nay, phong thái, thần thái cũng là những từ khóa quan trọng để mô tả người đẹp.
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới cũng chứng minh một điều: người đẹp nhất trong mắt nhiều khán giả là thí sinh Cộng hòa Czech hoặc thí sinh Ukraine, những cô gái có gương mặt "như thiên thần" (theo lời giám khảo Sĩ Hoàng), nhưng người chiến thắng lại là thí sinh Peru, người chứng tỏ được cái tầm của một sứ giả hòa bình xuyên suốt cuộc thi.
Chỉ nghĩ cho mình, sao có thể đấu tranh vì người khác?
Câu hỏi "Người đẹp thi hoa hậu vì mục đích gì?" có lẽ cần đào sâu thêm nữa và không chỉ qua một cuộc thi mà có câu trả lời rốt ráo. Nhưng vấn đề là các cuộc thi hoa hậu luôn được gán cho những ý nghĩa riêng rẽ, nếu một thí sinh không nắm được tinh thần của cuộc thi đó, khả năng chiến thắng là không cao.
Trong bốn cuộc thi sắc đẹp thuộc nhóm "bộ tứ" của thế giới, Hoa hậu Thế giới có khẩu hiệu "Sắc đẹp vì một mục tiêu ý nghĩa" và thêm những phẩm chất quan trọng về trí tuệ và tính cách, Hoa hậu Hoàn vũ đề cao phẩm chất hiện đại, gợi cảm và năng động.
Còn Hoa hậu Trái đất hướng tới bảo vệ môi trường trên hành tinh, Hoa hậu Quốc tế đề cao sự thân thiện và kết nối hòa bình giữa các quốc gia, cộng đồng.
Ariska Putri Pertiwi - Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2016 (người Indonesia), và Maria Jose Lora (người Peru), người kế nhiệm cô năm 2017 - đều được đánh giá cao vì suy nghĩ cho quốc gia, cộng đồng. Ảnh: Việt Hùng. |
Hoa hậu Hòa bình Thế giới không nằm trong nhóm bộ tứ nhưng cũng là cuộc thi với định hướng rất rõ ràng: hướng đến hòa bình, hóa giải xung đột. Rõ ràng tiêu chí đó không dành cho những người có suy nghĩ quá cá nhân.
Trả lời phỏng vấn sau khi đăng quang, tân Hoa hậu Maria Jose Lora (người Peru) nói: "Tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết nhất để thực hiện nhiệm vụ của một Hoa hậu Hòa bình: ngăn chặn bạo lực trên thế giới. Ở quê hương tôi Peru, nhiều phụ nữ đang đương đầu với vấn nạn bạo hành. Tôi muốn trở thành tiếng nói đại diện cho họ".
Chưa rõ sắp tới cô gái này sẽ thực hiện vai trò cùa mình như thế nào, nhưng qua lời nói, có thể thấy cô có động lực ngoài cá nhân để tham gia cuộc thi: vì những phụ nữ bị bạo hành. Đó là một dạng "nhan sắc" khác, khi người đẹp biết nghĩ đến người khác.