Theo Guardian, R, hệ số lây nhiễm trong cộng đồng, là một chỉ số đánh giá khả năng lây lan của bệnh. Nó thể hiện số lượng người trung bình bị lây nhiễm từ một người bị bệnh.
Khi R lớn hơn 1, dịch bệnh sẽ lây lan theo cấp số mũ. Khi R nhỏ hơn 1 thì dịch bệnh đi vào giai đoạn thoái trào, và cuối cùng là kết thúc.
Người đi mua sắm ở Milan phải kiểm tra nhiệt độ trước khi vào cửa hàng. Ảnh: AFP. |
Hệ số "mong manh"
Khi dịch Covid-19 bắt đầu, R ước tính cho virus corona mới là khoảng từ 2 đến 3 - cao hơn R của virus cúm theo mùa, nhưng thấp hơn sởi. Điều đó có nghĩa là trung bình mỗi người sẽ lây nhiễm cho khoảng từ hai đến ba người khác, trước khi họ bình phục hoặc tử vong, và mỗi người bị nhiễm này sẽ tiếp tục truyền lại cho hai đến ba người khác nữa, khiến tổng số trường hợp dương tính tăng lên theo cấp số mũ.
Tuy nhiên, hệ số này không cố định. Nó phụ thuộc cả vào đặc tính sinh học của virus, và cả hành vi của chúng ta, chẳng hạn như giãn cách xã hội. Nó cũng phụ thuộc vào khả năng miễn dịch cộng đồng.
Khi dịch bắt đầu bùng phát, các nhà khoa học thường nói đến “hệ số lây nhiễm cơ bản” R0, một chỉ số tương tự như R, nhưng dựa trên giả thiết không có miễn dịch cộng đồng thông qua nhiễm trùng hoặc tiêm chủng.
Theo Telegraph, những quốc gia và vùng lãnh thổ sớm thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh từ giai đoạn đầu hay thậm chí trước khi virus lan rộng, thường có giá trị R thấp hơn.
Do đó, những nơi có ít trường hợp nhiễm mới vẫn có thể duy trì trạng thái mở. Chẳng hạn, Hong Kong, Iceland, Thụy Sĩ và Hàn Quốc đều có số R dưới 0,68 và không cần phải phong tỏa trên diện rộng.
Dù vậy, Thụy Điển là quốc gia duy nhất có hệ số R dưới 1 (cụ thể, 0,94) mà không có hành động đặc biệt ngăn chặn dịch bệnh từ sớm hoặc phong toả chính thức.
Đức sử dụng giá trị R để xác định chiến lược mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch. Thủ tướng Angela Merkel, với nền tảng là một nhà khoa học, đang sử dụng giá trị R được tính toán hàng ngày trên phạm vi cả nước làm thước đo chính để đánh giá và xem xét gỡ bỏ dần lệnh hạn chế đối với các lĩnh vực của nền kinh tế Đức.
Chỉ số của Đức hiện ở mức 0,75, được cho là khỏe mạnh, và tác động, nếu có, của việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch gần đây sẽ được phản ánh trong chỉ số cập nhật tuần tới.
Tuy nhiên, hồi đầu tuần này, sau khi dỡ bỏ một phần phong tỏa, hệ số R của Đức đã tăng lên trên 1 trong một thời gian ngắn trước khi giảm xuống lại, khiến chính phủ phải cân nhắc về đợt phong tỏa thứ hai.
Tại Anh, các chuyên gia tính toán R đã giảm xuống trong khoảng 0,6-0,9 sau các biện pháp hạn chế và phong toả. Điều này có nghĩa là dịch bệnh đang vào giai đoạn thoái trào, dù không đồng đều giữa các khu vực. Thủ tướng Anh tuyên bố nước này "đã qua đỉnh dịch" và đang cân nhắc để mở cửa lại nền kinh tế.
Thế giới hiện ghi nhận hơn 3,2 triệu ca nhiễm virus corona và 233.998 ca tử vong, theo số liệu của Đại học John Hopkins. Ảnh: AFP. |
Không có công thức cố định
Theo Guardian, điều quan trọng là phải xem xét sử dụng R phù hợp với đặc điểm riêng và tình hình thực tế khu vực.
Ví dụ, New Zealand đã thực hiện thành công chiến lược xoá bỏ hoàn toàn virus. Giống như Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác, họ theo dõi R với mục đích giảm thiểu số lượng các trường hợp xuống mức thấp nhất có thể để theo dõi tất cả bệnh nhân và dập tắt dịch bệnh này.
Điều này dễ áp dụng với các quốc gia có ít trường hợp từ đầu. Đối với các quốc gia như Anh, Đức và Pháp, nơi số trường hợp hiện tại vẫn tương đối cao, R được sử dụng, trong ngắn hạn, ít nhất là để giảm nhẹ các biện pháp phòng dịch.
Khi đã giảm được R xuống dưới một, các nước này nhìn chung có thể giữ ổn định trong khi mở cửa hoạt động vừa đủ cho đến khi có vắc-xin hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả. Chừng nào R còn giữ ở mức không lớn hơn 1, thì tỷ lệ nhiễm virus trong xã hội sẽ ổn định hoặc giảm.
Theo Guardian, không có điều kiện cứng về việc R cần phải đạt giá trị bao nhiêu để các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Điều đó phụ thuộc vào việc các nhà chức trách muốn tổng số ca nhiễm thấp đến mức nào nếu chính phủ có khả năng theo dõi và phát hiện các ca nhiễm mới hiệu quả.
Cũng không có đáp án chính xác cho câu hỏi việc nới lỏng các lệnh hạn chế khác nhau sẽ ảnh hưởng đến R như thế nào - chẳng hạn như việc cho học sinh đi học trở lại sẽ có tác động ra sao đến lây nhiễm bệnh dịch. Vì vậy, việc theo dõi sự lây nhiễm theo thời gian thực là cần thiết để liên tục cập nhật số liệu.