Thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm máy bay QZ8501. Ảnh: Straits Times |
Báo Jakarta Post dẫn lời bà Ruth Hanna Simatupang, cựu thanh tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cho biết, theo quy định, cơ trưởng các chuyến bay phải nhận báo cáo thời tiết từ BMKG ít nhất 10 phút trước khi cất cánh.
"Theo quy trình tiêu chuẩn, khi lên kế hoạch bay, phi công phải xem xét báo cáo thời tiết của BMKG. Vậy thì làm thế nào phi cơ có thể bay khi không có báo cáo thời tiết từ cơ quan này?", bà Hanna đặt nghi vấn.
"Chuyến bay khởi hành rất sớm vào buổi sáng và phi hành đoàn phải chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 2,5 giờ đồng hồ trước đó vì đây là một chuyến bay quốc tế. Sân bay Juanda có chuẩn bị cho tổ bay lúc 4h hay không? Đó có thể là vì nhân viên điều hành bay không nhận được báo cáo thời tiết từ BMKG hoặc do nhân viên BMKG đã không sẵn sàng cung cấp báo cáo".
Ông Sunu Widyatmoko, giám đốc điều hành của AirAsia Indonesia, đã phủ nhận các cáo buộc. Ông khẳng định rằng: "Tất cả các chuyến bay của AirAsia đều xem xét kỹ càng các báo cáo thời tiết trước khi cất cánh".
Giám đốc Widyatmoko cho biết trạm khí tượng của BMKG ở sân bay quốc tế Soekarno-Hatta đã gửi các báo cáo thời tiết cho hãng AirAsia qua email 4 lần một ngày. Do đó, cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 đã nhận được báo cáo này trước khi cất cánh.
"Trạm kiểm soát tại tất cả trung tâm của hãng AirAsia Indonesia gồm Jakarta, Medan, Surabaya, Bandung và Denpasar nhận các bản báo cáo. Nhân viên trạm sẽ in chúng ra và đưa cho các phi công cất giữ", ông nói.
Trong khi đó, bản đồ thời tiết của BMKG cho thấy mây xuất hiện dày đặc trong lộ trình của QZ8501, củng cố giả thiết cho rằng những đám mây đen là nguyên nhân khởi phát của vụ tai nạn.