Mới ra Bắc vài ngày, anh Nguyễn Trọng Hưng Phát, chủ một cửa hàng hoa quả ở quận Gò Vấp (TP HCM) ngạc nhiên khi dọc một số đoạn đường Hà Nội bày bán quýt Sài Gòn. Giá ghi ở tấm bạt treo trên xe chỉ 15.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/5 so với trong TP HCM, bằng 1/4 giá mua buôn tại vườn.
Vị khách này cho biết, quýt Sài Gòn thực chất là quýt đường, được trồng phổ biến ở miền Tây như Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre… Khi bán ở TP HCM, 1 kg quýt đường có giá dao động 50.000-70.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Là người trực tiếp thu mua tại vườn ở miền Tây, anh Phát cho biết, quýt Sài Gòn thật quả to, vỏ màu xanh vàng không đều và có vị chuâ. Trong khi đó, loại bán ở Hà Nội quả nhỏ bằng một nửa, màu vàng sậm hơn, ít hạt và vị ngọt đậm.
Quýt quả nhỏ được các hàng bày bán la liệt trên một số đường ở Hà Nội với giá chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Lan. |
Theo khảo sát của Zing.vn, gần một tuần nay, dọc các đoạn đường Trung Kính, Lê Văn Lương, Láng…, quýt nhỏ được gắn biển "quýt đường Sài Gòn", giá 15.000 -20.000 đồng/kg được bày bán la liệt.
Chị Hà, người bán trên đường Trung Kính cho biết, tâm lý người Việt không thích hàng Trung Quốc. Do đó, mục đích treo biển “quýt Sài Gòn” để khẳng định đây không phải hàng Trung Quốc. Chị Hà khẳng định quýt được chị mua buôn theo xe từ miền Nam ra, mới bán được 1 tuần. Giá cố định là 15.000 đồng/kg, không mặc cả.
Tuy nhiên, cách đó không xa, một hàng bày bán hoa quả trên xe đạp cho biết, quýt chính hiệu Hà Giang, giá bán 20.000 đồng/kg không bứt lá. Theo anh này, quả ngọt, dễ bóc, nhiều nước, không hạt nên khách rất thích ăn. Mỗi ngày, anh bán được hơn 2 tạ. Song, anh cho rằng thị trường hoa quả hiện bán chậm hơn so với mọi năm.
Trong khi đó, theo chủ vườn quýt Nguyễn Thị Nhẫn ở Cai Lậy (Tiền Giang), quýt đường chính vụ giá bán buôn tại vườn là 25.000-30.000 đồng/kg, giá lẻ 35.000-45.000 đồng/kg. Chính vụ kéo dài từ tháng 10 đến 11 dương lịch.
Quýt được quảng cáo có xuất xứ Sài Gòn không có hạt hoặc rất ít, trong khi quýt chính gốc miền Tây rất nhiều hạt. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chia sẻ về đặc điểm quýt đường miền Tây, chủ vườn cho biết, trọng lượng quả trung bình là 123-200 gam, có nhiều hạt, 7-11 hạt mỗi quả. Đặc biệt, để bảo quản được lâu, thương lái thường hái khi vỏ quả còn xanh đậm hoặc hơi ngả vàng. Do đó, khi được bày bán, vỏ quýt ít tươi và không có màu vàng đều.
Cũng khẳng định hiện Hà Giang chưa có bất kỳ loại quýt nào xuất bán, chủ vườn Nguyễn Khánh Hà (Bắc Quang, Hà Giang) cho biết, mùa cam, quýt tại tỉnh này phải gần 1 tháng nữa mới vào chính vụ. Hiện lượng quả chín còn rất ít nên chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ trong tỉnh hoặc một số rất ít đi các tỉnh.
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn), cho biết, số lượng quýt Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam năm 2015 tăng đột biến. Trong tháng 9, con số này là 1.608 tấn, tháng 10 là 4.976 tấn - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi cùng kỳ năm trước, số lượng nhập vào chỉ chưa đến một nửa (tháng 9/2014 là 517 và tháng 10 là 2.616 tấn).
Theo bà Hà, mùa quýt Trung Quốc kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 11 và đang vào chính vụ. Do đó, lượng nhập về Việt Nam trong mấy tháng nay không ngừng tăng và tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước.