Bắt giam ông Đinh La Thăng, cách chức ông Nguyễn Xuân Anh..., năm 2017 cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã "không có vùng cấm" và "tắm rửa từ đầu trở xuống", được nhân dân ủng hộ.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X, năm 2006), Đảng xác định "tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân".
Hơn 10 năm sau, với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng và Nhà nước triển khai nhiều hoạt động quyết liệt, minh bạch nhằm phòng, chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương.
Tháng 12/2017, với việc khởi tố, tạm giam ông Đinh La Thăng - từng là Bí thư Thành ủy TP.HCM - cuộc chiến chống tham nhũng được đánh giá là "không có vùng cấm" và đã "tắm rửa từ đầu trở xuống".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Đầu năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo là cơ quan đầu não chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
Các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đều đưa ra thông điệp, chỉ dấu mạnh mẽ đối với chống tham nhũng - giặc nội xâm.
“Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo ngày 31/7 tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, Tổng bí thư cho hay: "Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Trong năm 2017, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp 2 lần vào tháng 4 và tháng 11 để đưa ra những quyết định quan trọng.
Tại cuộc họp vào tháng 4/2017, Tổng bí thư hoan nghênh Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND Tối cao và TAND Tối cao khi phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo các cơ quan tố tụng tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
"Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án", Tổng bí thư chỉ đạo.
Tới tháng 11/2017, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018.
Trong đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ án liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Đại dương (OceanBank) ra xét xử trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 20/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và 6 bị can khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank.
Kể từ khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bầu vào tháng 1/2016 tới tháng 12/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 20 kỳ với sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Năm 2017, Ủy ban này đã họp 10 kỳ (từ tháng 2 đến tháng 12/2017). Có những tháng diễn ra 2 kỳ họp liên tiếp để xem xét, kết luận và đề nghị thi hành kỷ luật với nhiều đảng viên, tổ chức đảng.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN. |
Thông báo sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân khi nêu lên những vi phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của nhiều cán bộ đảng viên như các ông Đinh La Thăng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Xuân Anh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Công Thương; Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường; Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam; bà Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương...
Mới đây nhất là trường hợp 2 cựu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) và Phùng Quang Hùng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh).
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là căn cứ để Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư tiếp tục có những quyết định thi hành kỷ luật đảng viên giữ vị trí cao có vi phạm.
Điển hình, tháng 4/2017, tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng. Theo đó, ông Thăng chịu trách nhiệm là "người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí trong giai đoạn 2009-2011".
Tháng 5/2017, tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Tới kỳ họp thứ 17 diễn ra vào tháng 9/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Tới tháng 10/2017, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương - nhận định việc công khai xử lý những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ trong việc xử lý nghiêm những sai sót của cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, ngành nào.
Nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng bình luận từ sau Đại hội XII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc rất công phu, quyết liệt để đưa ra những kết luận công tâm về vi phạm của nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao.
"Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định", ông Hùng nói. Cán bộ lão thành có hơn 20 năm làm công tác đảng cũng cho hay câu chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng, không phải bây giờ mới có nhưng trước đây, kỷ luật thường mới chỉ dừng ở mức phê phán chung chung. Còn nay, Ủy ban Kiểm tra đã chỉ ra đúng người, đúng tội.
Từ sau Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật.
Trong đó các cơ quan tố tụng đã hoàn thành xét xử sơ thẩm đối với 4 vụ/6 vụ án với những mức án nghiêm khắc: 2 bị cáo tử hình, 1 bị cáo tù chung thân, 17 bị cáo tù có thời hạn từ 20 tháng đến 24 năm tù.
Ở đại án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, "siêu lừa đảo" Huyền Như phải chấp hành án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, sáng 24/1, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là Trust Bank) đối với Phạm Công Danh cùng đồng phạm. Theo đó, Phạm Công Danh lãnh án 30 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cũng bị tuyên y án 22 năm tù...
Tháng 8/2017, 51 bị cáo trong đại án gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) được TAND Hà Nội đưa ra xét xử về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, vi phạm trong cho vay. Sau quá trình xét xử kéo dài một tháng, TAND Hà Nội tuyên án bị cáo Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank - mức án tù chung thân. Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình.
Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)...
Ngày 27/12, TAND Hà Nội quyết định đưa bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ra xét xử vào ngày 8/1/2018.