Khi bắt đầu đảm nhận chức vụ năm 2013, Bộ trưởng Hang Chuon Naron, một chính trị gia và nhà kinh tế học sinh năm 1962, đã lập tức bắt tay vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, xóa bỏ triệt để căn bệnh thành tích, nạn gian lận thi cử và tham nhũng tràn lan trong hệ thống.
Ông Hang Chuon Naron tại văn phòng ở Bộ Giáo dục Campuchia, Phnom Penh. Ảnh: Southeast Asia Globe. |
Chương trình cải cách 8 điểm
TS Chuon Naron cùng nhiều quan chức hiểu rõ Campuchia phải tìm ra con đường đi mới khi đất nước thoát khỏi danh sách thu nhập thấp, vì các ngành sử dụng lao động thô sơ sẽ dần được thay thế bởi các ngành công nghiệp tri thức chuyên sâu. Giáo dục phải mở đường cho sự "lột xác" đó.
Bộ trưởng Hang Chuon Naron quyết tâm cải cách giáo dục thông qua chương trình hành động gồm 8 điểm. Đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, tăng cường đội ngũ quản lý, thắt chặt mọi kỳ thi, cải cách giáo dục cấp cao hơn, phát triển các kỹ năng mềm và kỹ thuật cho người trẻ tuổi, cải cách mạnh mẽ quản lý tài chính công, cải cách giáo dục và thể thao và thiết lập ngân hàng chất xám cho ngành giáo dục.
Tất cả bắt đầu từ một nguyên lý đơn giản không thi nghiêm, học sinh sẽ lười học. Bộ trưởng chủ trương kiểm soát gắt gao các kỳ thi, đặc biệt là ở cấp trung học. Công tác coi thi được thực hiện nghiêm minh nhằm đưa chất lượng học tập về thực chất, từ đó cải thiện kiến thức và kỹ năng cho người học.
Tiếp đó, Bộ trưởng Chuon Naron bắt tay cải cách chương trình giảng dạy. Các ủy ban chuyên gia được thành lập nhằm liên tục chỉnh sửa và đổi mới chương trình giảng dạy ở mọi cấp học. Sách giáo khoa được cải biên theo hướng cho phép học sinh tham gia tích cực hơn.
Đối với đội ngũ giảng dạy, họ được đào tạo bài bản hơn để nâng cao trình độ. Lương giáo viên cũng được tăng cao nhằm khuyến khích họ giảng dạy tốt hơn và tự nâng cao trình độ. Tính đến tháng 4/2019, mức lương tối thiểu đạt 300 USD/tháng, gấp đôi so với trước năm 2013.
Trả lời phỏng vấn tờ Southeast Asia Globe tháng 10/2017, Bộ trưởng Hang Chuon Naron chia sẻ: "Chúng tôi nhận ra vấn đề nằm ở đội ngũ giáo viên. Trong chế độ Khmer Đỏ, 80% giáo viên đã bị sát hại, vì vậy chúng tôi đã phải tuyển dụng một lượng đông đảo những người không đủ điều kiện làm giáo viên".
Khẳng định trình độ của giáo viên là vấn đề quan trọng nhất, chủ trương mới của Bộ trưởng Chuon Naron có mục đích khuyến khích họ tham gia một chương trình đào tạo bồi dưỡng từ 1-2 năm, với mục tiêu "phải đáp ứng được tiêu chuẩn".
Về nhân lực giáo dục, ông chỉ thị cho các trường công lập phải giám sát chặt chẽ nhân viên của mình, xử phạt những người đi muộn, về sớm hoặc bỏ tiết.
Lập luận mà ông đưa ra là những hành vi này ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình giảng dạy, làm tăng khối lượng công việc cho đồng nghiệp, giảm thời gian học tập của học sinh, kéo theo tác động xấu tới toàn bộ xã hội.
Trong một bài giảng cho các giáo viên thực tập tại Viện Giáo dục quốc gia hồi tháng 1/2020 được báo Phnom Penh Post đăng tải, Bộ trưởng Chuon Naron nói: "Cải tiến chương trình giảng dạy sẽ thúc đẩy thành tích học tập của sinh viên. Campuchia phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực có học lực vượt trội hơn vì chúng ta từng bị bao vây bởi chiến tranh trong hơn 3 thập niên và phải xây dựng lại hệ thống giáo dục từ đầu".
Kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi. Ảnh: Phnom Penh Post. |
Giáo dục thời đại 4.0
Ông nhấn mạnh, một phần của cải cách là nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của thời đại kỹ thuật số.
"Học sinh chuẩn bị vào đại học phải được dạy bằng các phương pháp hiện đại này. Nếu không, họ sẽ không thể bắt kịp xu thế chung và các môn học ở trường đại học", ông nói.
Vị tiến sĩ triết học khẳng định nhân lực vẫn là nhân tố quyết định, vì các khoản đầu tư cho giáo dục như chi tiêu cho giáo viên, cho sách giáo khoa và các nguồn lực sẽ không thể nào phát huy hiệu quả nếu học sinh không chịu học tập.
Một trọng điểm nữa mà Campuchia đang theo đuổi là cải cách hệ thống các trường đại học. Mục tiêu đặt ra là sinh viên tốt nghiệp phải có đủ kỹ năng để làm việc tốt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Với tốc độ số hóa nhanh chóng, thị trường việc làm cũng trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi trình độ kỹ năng và năng lực cao.
"Sự thiếu hụt kỹ năng là một rào cản cho phát triển kinh tế, cho tăng trưởng, nhằm thu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư tìm kiếm lao động có tay nghề cao nhưng chúng tôi không có đủ, đồng thời có nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm", Bộ trưởng Naron trả lời báo chí hồi năm 2015.
Theo ông, tiến trình cải cách giáo dục ở Campuchia sẽ mất từ 10-15 năm.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Southeast Asia Globe năm 2017, ông bày tỏ: "Tôi nghĩ thế giới sẽ chia thành hai nửa. Sẽ có những người được đào tạo tốt và bắt kịp các xu hướng, số còn lại sẽ tụt lùi phía sau".
"Nhưng điều chỉnh tỷ lệ này như thế nào mới là điều quan trọng, nên chúng tôi có cách tiếp cận hai chiều trong giáo dục. Chúng tôi muốn cải thiện hoạt động dạy và học, cùng lúc tập trung đầu tư để bắt kịp thật nhanh, vì chúng tôi cần người ngay bây giờ chứ không thể đợi", ông nhấn mạnh.
Giáo dục Campuchia "thay áo mới"
Những quyết sách táo bạo của TS Hang Chuon Naron đã cho những kết quả ban đầu tốt đẹp. Gian lận thi cử và tham nhũng giáo dục dần biến mất. Chất lượng giáo dục được đưa về thực chất và tăng trưởng ổn định.
Tỷ lệ lệ trẻ em đi học tăng cao, số học sinh học tiếp lên các bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng ngày một đông. Tỷ lệ học đại học chưa đầy 1% dân số hồi năm 2000 hiện nay đã vọt lên 15%. Số học sinh và sinh viên tham gia các kỳ thi quốc tế ngày một nhiều thêm.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến hồi tháng 3/2016, Hang Chuon Naron là bộ trưởng nổi tiếng nhất Campuchia. Có tới 72% số người tham gia khảo sát bày tỏ sự yêu quý dành cho ông.
Năm 2018, ông được bầu làm thành viên Quốc hội nhưng từ chức 13 ngày sau đó để tập trung nhiệm vụ của Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao. Thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga, ông rất tích cực tham gia các diễn đàn giáo dục toàn cầu để tìm đường hướng thuận lợi phát triển giáo dục Campuchia.
Trước những thành tích đạt được, Thủ tướng Hun Sen, trong bài phát biểu hồi tháng 2/2020, thừa nhận ngành giáo dục của Campuchia đã chứng kiến rất nhiều tiến bộ trong một thập niên qua, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục coi ngành này là ưu tiên số 1 trong phát triển đất nước.
"Chúng ta phải tiếp tục cố gắng để xử lý tất cả các vấn đề đang ở phía trước. Thời đại của nền kinh tế số và công nghệ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực", Thủ tướng Campuchia khẳng định.
* UNICEF: Campuchia nổi tiếng thế giới như một câu chuyện thành công về chuyển đổi và cải cách giáo dục. Dưới thời Khmer Đỏ những năm 1970, phần lớn hệ thống giáo dục bị phá huỷ. Campuchia đã đạt được sự tiến bộ to lớn, mở rộng sự tiếp cận của trẻ em với giáo dục.
Ngày nay, số trẻ em được đến trường nhiều hơn bao giờ hết, tăng từ 82% năm 1997 lên gần 98% trong năm học 2017-2018.
* Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2019 ghi nhận mức độ tiến bộ của Campuchia ở nhiều chỉ số liên quan đến giáo dục - đào tạo.
Trong tổng số 141 quốc gia, kỹ năng của học sinh, sinh viên Campuchia tốt nghiệp đứng thứ 104 (Việt Nam đứng thứ 116); kỹ năng số của người dân: 112 (Việt Nam: 97); tư duy phản biện trong giảng dạy: 76 (Việt Nam: 106); tỷ lệ học sinh/giáo viên ở bậc tiểu học: 124 (Việt Nam: 75); Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề: 123 (Việt Nam: 96)...