Thoạt nhìn, Thanh xuân có bạn 3 không khác mấy so với những game show cách đây một thập kỷ. Chương trình có 4 cố vấn hướng dẫn các thần tượng thông qua nhiều thử thách. Sau mỗi vòng, các thí sinh bị loại dần. Đến khi còn lại 9 thí sinh, họ ra mắt trong vai trò thành viên nhóm nhạc nam mới nhất.
Chỉ có điều, cố vấn của Thanh xuân có bạn 3 không có quyền loại thí sinh. Người hâm mộ mới có thể làm điều đó. Chương trình đại diện cho nền văn hóa người hâm mộ siêu dân túy, siêu thương mại hóa của Trung Quốc. Tại đây, các tập đoàn lớn thao túng khán giả với chiêu bài trao quyền cho người hâm mộ.
"Càng xem, tôi càng khó chịu. Người hâm mộ bị làm tiền đến mức khó chấp nhận", chuyên gia Zheng Jiawen lên tiếng.
Khán giả bị làm tiền dưới hình thức trao quyền
Kể từ khi xuất hiện vào đầu những năm 2000, yếu tố hấp dẫn nhất của các chương trình tài năng là tìm ra người chiến thắng. Có điều, cố vấn là người quyết định chính. Khán giả cũng được tham gia vào phần bỏ phiếu, nhưng quyền lực không quá lớn.
Năm 2004, chương trình Super Girl của đài Hồ Nam (format tương tự American Idol) cho phép người hâm mộ quyền chọn ai là ngôi sao chiến thắng cuối cùng. Trong 17 năm qua, các chuyên gia truyền thông cho rằng đây là nền "giải trí dân chủ".
Tuy nhiên, điều này dần trở nên biến chất. Ở các game show, người hâm mộ nắm toàn quyền với kết quả cuộc thi. Huấn luyện viên và chuyên gia xuất hiện chủ yếu "làm đẹp" sân khấu.
Thanh xuân có bạn là game show điển hình của trào lưu này tại Trung Quốc. Khán giả dần trở thành nhà sản xuất của chương trình. Bởi, họ có quyền can thiệp đến mọi thứ dưới hình thức bình chọn.
Lelush - thí sinh người Nga được khán giả quyết định vận mệnh trong Sáng tạo doanh. |
Điều đó xảy ra vấn đề rằng những bình chọn của khán giả không liên quan nhiều đến tài năng thực sự của thí sinh. Nhiều người có khả năng bị loại oan chỉ vì phiếu bầu thấp. Trong khi những thí sinh khác tài năng có hạn, nhưng chiếm được cảm tình của khán giả bởi sự đẹp mã, tính cách... thì được vào sâu.
Những người cố vấn, giám khảo - trước đây vốn là những người quyền lực - luôn bất ngờ, thậm chí bất lực khi những thành viên xuất sắc có thể bị loại bất cứ lúc nào.
Điều này khác biệt rõ rệt so với thời Super Girl. Ngày trước, cố vấn và người hâm mộ san sẻ quyền quyết định. Điều này có thể đảm bảo những thí sinh tài năng nhất được giữ lại.
Tuy nhiên, trong Thanh xuân có bạn, không có vấn đề gì nếu các thí sinh lười biếng hoặc hoàn toàn thiếu kỹ năng. Họ sẽ sống sót đến cuối cùng trong show sống còn nếu chiếm được cảm tình của khán giả.
Điều này đã xảy ra ở chương trình Sáng tạo doanh 2021.
Lelush tham gia chương trình với tâm thế bất cần. Anh ngày càng tiến sâu dù thực tế không muốn tiếp tục thi thố. Lelush sống sót trong chương trình chỉ vì chiếm được cảm tình khán giả, dù anh dùng mọi cách để bản thân bị loại.
Nhìn bên ngoài, khán giả dễ tự huyễn hoặc rằng họ hoàn toàn nắm quyền lực ở show sống còn. Khi phân tích sâu hơn, khán giả dần bị dẫn dụ, trở thành nguồn thu tiền chính của nhà sản xuất chương trình.
Cuối cùng, show sống còn không còn là cuộc cạnh tranh giữa các thực tập tập sinh thần tượng. Đó là cuộc chiến của những người hâm mộ lắm tiền.
Thanh xuân có bạn có hai cổng bình chọn. Người xem trên iQiyi có thể nhận được một phiếu bầu/ngày, điều này miễn phí. Nếu có trả phí, người hâm mộ có được hai phiếu.
Song, văn hóa người hâm mộ ở Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh. Họ sẵn sàng dùng số tiền lớn để bình chọn cho người hâm mộ. Ở Thanh xuân có bạn, người mua sữa từ nhà tài trợ Mengniu có thể quét mã QR đính kèm để bỏ phiếu cho người hâm mộ.
Khi nhà tài trợ ngày càng tham lam
Trong thế giới truyền hình thực tế, không có gì lạ khi nhà tài trợ can thiệp vào game show. Trước đây, Mengniu từng tài trợ cho Super Girl và đạt hiệu quả cao.
Nghiên cứu từ Tadf cho thấy Mengniu chi 40 triệu NDT tài trợ cho Super Girl, sau đó một năm doanh thu của công ty tăng từ 800 triệu NDT lên đến 2,7 tỷ NDT. Điều đó chứng tỏ sức hút của các chương trình thực tế.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, đội ngũ marketing của Mengniu không hài lòng với cách tài trợ, kiếm tiền truyền thống. Họ thỏa thuận cùng đội ngũ sản xuất Thanh xuân có bạn 3, cho phép công ty kiếm thêm doanh thu bán sữa bằng cách bán phiếu bầu.
Người hâm mộ của La Nhất Châu huy động số tiền lớn để bình chọn cho thần tượng. |
Mô hình mới này thu hút người hâm mộ lao vào cuộc chiến lấy phiếu bầu. Trên mạng xã hội dần xuất hiện những nhóm người hâm mộ đấu với nhau để xem thần tượng của ai chiếm ưu thế hơn. Họ thường tập trung thành từng nhóm, kêu vốn trên mạng xã hội chỉ để ủng hộ thần tượng.
Theo Sina, những cuộc kêu gọi này có thể thu về hơn 1 triệu NDT chỉ sau một đêm. Đầu tháng 5, nhóm người hâm mộ của thí sinh đứng đầu Thanh xuân có bạn 3 là La Nhất Châu đã quyên góp được hơn 18 triệu NDT để mua "vé sữa" cho thần tượng.
Theo chuyên gia Zheng Jiawen, anh không phải người đầu tiên phản đối mô hình này. Các nhà phê bình cho rằng điều đó là vô lý, thậm chí thiếu công bằng với những thí sinh đủ tiêu chuẩn, có tiềm năng hơn.
Mặt khác, môi trường sống hiện trong quá trình ô nhiễm nặng nề. Việc phung phí tiền, mua sữa nhưng không uống, thậm chí đổ bỏ chỉ để lấy mã QR làm dấy lên sự phẫn nộ từ công chúng và chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, người hâm mộ cho rằng điều đó là bình thường. Thậm chí, một trong những khẩu hiệu phổ biến nhất của một bộ phận fan là "Hãy tôn trọng đồng tiền". Nghĩa là, dù thần tượng có thành tích kém đến mấy, miễn người hâm mộ có tiền, họ sẽ sống sót trong cuộc thi.
Hơn 10 năm trước, người hâm mộ có thể bình chọn thí sinh thông qua việc nhắn tin đến chương trình. Thời điểm đó, việc bình chọn quá nhiều cho thí sinh thậm chí bị cho là hành vi gian lận, đáng lên án.
Sau nhiều năm, hình thức ủng hộ thần tượng đã khác. Ý tưởng trả tiền mua chiến thắng cho thí sinh game show được chấp nhận. Một số khán giả, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chế giễu hình thức này, gọi những người hâm mộ là "nạn nhân nhỏ tuổi" thay vì biệt danh "nhà sản xuất trẻ" mà một số người tự nhận.
Mãi đến đầu tháng 5, chính phủ Trung Quốc quyết định vào cuộc, sau khi một đoạn video quay cảnh người hâm mộ mở chai, đổ sữa xuống cống chỉ để lấy mã QR ủng hộ thần tượng lan truyền trên mạng.
Ngày 4/5, Cục phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh yêu cầu iQiyi tạm dừng phát sóng chương trình, sau khi khán giả phản đối dữ dội sự việc.
"Tôi có nhiều cảm xúc khi nhìn toàn bộ sự việc. Một mặt, tôi thấy nhẹ nhõm vì mọi chuyện đã kết thúc. Tuy nhiên, tôi không thể tránh khỏi sự thất vọng với tình trạng lãng phí thức ăn của một bộ phận giới trẻ. Tôi không biết họ nghĩ gì, nhưng liệu việc mua chiến thắng cho thần tượng của người hâm mộ có thể dừng lại hay không thì không ai có thể đoán trước được", chuyên gia Zheng Jiawen nói.