Trong số 10 đề cử Phim truyện xuất sắc của giải Oscar lần thứ 94, Don't Look Up là tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất. Bộ phim châm biếm về biến đổi khí hậu do Adam McKay - đạo diễn từng đoạt giải Oscar - chỉ đạo.
Trong đó, hai ngôi sao Leonardo DiCaprio và Jennifer Lawrence đóng vai các nhà thiên văn cố gắng cảnh báo nhân loại đang bị đe dọa bởi một thiên thạch lao vào Trái Đất, gây ra nguy cơ hủy diệt toàn bộ văn minh loài người.
Hiện tại, đây là một trong những bộ phim bị đánh giá thấp nhất thuộc thể loại phim thảm họa. Tác phẩm bị đánh giá là “thối” với 56% điểm số trên Rotten Tomatoes. (Tác phẩm gần nhất bị đánh giá thấp nằm trong danh sách Đề cử phim hay nhất của Oscar là Extremely Loud & Incredibly Close (2011) với 45%).
Tạo hình nhà khoa học thiên văn của Leonardo DiCaprio và Jennifer Lawrence trong Don't Look Up. Ảnh: Netflix. |
Khi nhà làm phim bất bình với chuyên gia
Đạo diễn Adam McKay hoàn toàn không hài lòng với những đánh giá tiêu cực của giới phê bình cho Don't Look Up. Trước đây, McKay từng đoạt giải Oscar với kịch bản The Big Short. Sau khi phim ra mắt, ông bác bỏ luận điểm bộ phim hay hoặc dở phụ thuộc vào ý kiến của một số nhà phê bình.
“Tôi hoàn toàn đón nhận những cuộc tranh luận sôi nổi về bộ phim của mình nhưng không hoàn toàn hài lòng. Nếu có lo lắng về biến đổi khí hậu hay nước Mỹ đang nghiêng ngả, tôi không chắc họ sẽ đánh giá Don’t Look Up không có ý nghĩa. Điều đó cũng giống với việc một con robot xem và đánh giá câu chuyện về tình yêu”, McKay viết trên trang cá nhân.
Nhà báo David Sirota, người từng là cố vấn và viết bài phát biểu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của Bernie Sanders, nói: “Chỉ trích bộ phim chính là nghệ thuật dù bạn có thích điều đó hay không. Khi ai đó phê bình phim của bạn, điều đó chứng tỏ họ quan tâm và muốn bộ phim sâu sắc hơn. Với Don’t Look Up, họ phát điên vì bộ phim đưa ra những câu hỏi khó chịu về ngành công nghiệp truyền thông mà họ đang làm việc”.
Don't Look Up vướng nhiều tranh luận từ khi mới ra mắt. Ảnh: Netflix. |
Theo Hollywood Reporter, việc cho rằng các nhà phê bình phim không thích một bộ phim vì thông điệp của tác phẩm là phiến diện. Điều đó chỉ ra một điều rằng các nhà làm phim không muốn nghe những lời chỉ trích, không chấp nhận những lời bình phẩm, tiếp thu của giới phê bình và cả người hâm mộ.
Nhìn ở mặt tích cực, những lời phê bình góp phần nâng mức độ chuyên nghiệp của các nhà làm phim, đặc biệt là trong mùa giải thưởng dày đặc, nơi chỉ có những bộ phim hay, đi theo trào lưu mới có thể trở thành thương hiệu điện ảnh.
Vai trò của nhà phê bình phim trong môi trường truyền thông ngày nay thường xuyên được tranh luận bởi cộng đồng mạng. Khán giả cùng giới phê bình góp phần đưa ra những ý kiến tích cực hoặc tiêu cực cho tác phẩm.
Những bộ phim nhận được nhiều sự chú ý nhất từ Viện Hàn lâm thường là các tác phẩm nhận nhiều lời khen từ giới phê bình. Sáu ứng cử viên Phim truyện xuất sắc năm nay có điểm Rotten Tomatoes đạt 90% trở lên là CODA (96%), Drive My Car (98%), King Richard (90%), Licorice Pizza (91%), The Power of the Dog (94%) và West Side Story (92%). Ba bộ phim còn lại được đánh giá là "cà chua tươi" gồm Belfast (87%), Dune (81%) và Nightmare Alley (79%).
Nhưng khi Viện Hàn lâm nhận lời chế giễu từ những người gièm pha rằng đề cử giải Oscar chỉ phụ thuộc vào việc làm hài lòng đám đông, ảnh hưởng của các nhà phê bình đối với cuộc đua dường như đã giảm. Đó cũng là lý do Don’t Look Up xuất hiện trong danh sách đề cử Phim truyện xuất sắc.
Quyết định khó đoán của Viện Hàn lâm
Tuy nhiên, Viện Hàn lâm cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi không biết tiêu chí thực sự của họ là gì khi những bộ phim ăn khách tại phòng vé (No Time to Die, Spider-Man: No Way Home) hoàn toàn vắng mặt ở các hạng mục hàng đầu của giải Oscar lần thứ 94.
Drive My Car là bộ phim kén người xem tại phòng vé nhưng lại giành cơn mưa lời khen từ giới phê bình. Đó là lý do chính đưa tác phẩm đến từ Nhật Bản được đánh giá có nhiều cơ hội chiến thắng nhất tại Oscar 2022.
Động lực giành giải Oscar của bộ phim tăng nhanh sau khi các nhóm phê bình trên khắp đất nước - từ Boston, Los Angeles, New York đến Seattle đều chọn Drive My Car là bộ phim hay nhất trong năm.
Điều đó hoàn toàn chứng minh rằng ý kiến của các nhà phê bình có tác động nhất định đến giải thưởng của Viện Hàn lâm. Tác phẩm vượt qua một số ứng cử viên tiềm năng trước đó là The Lost Daughter và Tick, Tick… Boom!.
Drive My Car không phải là tác phẩm thành công về mặt phòng vé nhưng được giới phê bình đánh giá cao. Ảnh: Culture Entertainment. |
So với những bộ phim có doanh thu cao, Drive My Car chỉ kiếm được 4,6 triệu USD trên toàn cầu. Bộ phim không được PR rầm rộ, thậm chí một thành viên của ủy ban đề cử giải SAG nói với Hollywood Reporter rằng họ hoàn toàn không biết về bộ phim, cho đến khi cái tên Drive My Car xuất hiện trong hạng mục đề cử Oscar ngày 9/2.
Dù Drive My Car được hưởng lợi từ sự yêu thích của giới chuyên gia, hiện tại rất khó để khẳng định có hay không việc các nhà phê bình có quyền lực quyết định thành công hay thất bại của một bộ phim. Vì loạt đề cử như Phim truyện xuất sắc, Kịch bản gốc xuất sắc… của Don’t Look Up tại Oscar lần thứ 94 đã chứng minh điều ngược lại.
Trước đó, phim của McKay giành được sáu đề cử tại giải thưởng Sự lựa chọn của Nhà phê bình, trong đó có Phim hay nhất. Tác phẩm cũng giành được giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Phim người Mỹ gốc Phi và Hội đồng Đánh giá Quốc gia, cũng như các nhóm phê bình ở Detroit, Las Vegas, Phoenix và San Diego.
Sự thật là điểm số của các nhà phê bình trên Rotten Tomatoes không phải là biến số duy nhất để đưa một bộ phim vào hạng mục Phim truyện xuất sắc của Oscar. Tuy nhiên, họ là một trong những mắt xích không thể thiếu để giám khảo của Viện Hàn lâm chọn ra tác phẩm mà họ nghĩ là xứng đáng, theo Hollywood Reporter.