Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn về việc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên. Công văn nêu rõ 4 nội dung về việc tập trung nguồn nhân lực cho các cơ sở cách ly, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 và quyền lợi của F0 khỏi bệnh khi tham gia chống dịch.
F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch cần được ký hợp đồng
Về sử dụng tình nguyện viên là người nhiễm SARS-Cov-2 đã khỏi bệnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia. Những người này sẽ đảm nhiệm công tác chăm sóc bệnh nhân, hành chính, hậu cần tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly F0 nhằm giảm tải cho nhân viên y tế.
TP.HCM đã có kế hoạch sử dụng số các tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh để tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế cũng đã hướng dẫn kế hoạch này cho các cơ sở thực hiện tại văn bản số 6362/SYT-TCCB ban hành ngày 6/9.
Bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly F0 khi tiếp nhận tình nguyện viên là F0 khỏi bệnh cần làm xét nghiệm kháng thể (test nhanh). Những người này cần có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi được bố trí công việc hỗ trợ F0 khác.
Các đơn vị trên cũng có trách nhiệm ký hợp đồng thỏa thuận với tình nguyện viên là F0 tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19 và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ với họ theo quy định.
Anh Trần Đình Mẫn (sinh năm 1989) và em trai Trần Hữu Long Vũ (sinh năm 1997) đăng ký tham gia đội phun khử khuẩn của TP.HCM sau khi chiến thắng Covid-19. Ảnh: NVCC. |
Theo phụ lục của công văn, bản hợp đồng nêu rõ những người này được hưởng chế độ bồi dưỡng chống dịch và chế độ hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện theo quy định tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/9 của Chính phủ.
Chế độ bồi dưỡng theo quy định cho F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch là 300.000 đồng/người/ngày (khi thực hiện nhiệm vụ theo Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2) hoặc 200.000 đồng/người/ngày (khi thực hiện nhiệm vụ theo Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2). Hình thức chi trả là tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Các F0 sẽ được tranh bị vật dụng bảo hộ để đảm bảo an toàn khi tham gia chống dịch, kèm theo chế độ nghỉ ngơi (nếu có).
Ngoài ra, đơn vị cần tập huấn công tác chuyên môn hoặc hướng dẫn người tình nguyện, phân công tình nguyện viên là người F0 khỏi bệnh phù hợp với năng lực cho hoạt động hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Không bố trí nhân viên y tế làm việc hành chính
Theo công văn, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị đã rút nhân viên khỏi bệnh viện dã chiến lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh tạo áp lực công việc lên những nhân viên còn lại. Các đơn vị có trách nhiệm đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để lực lượng này làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào các vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, Sở Y tế đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.
Ngành y tế TP.HCM cũng yêu cầu các bệnh viện, khu cách ly cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền cho lực lượng tham gia chống dịch. Các trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày; không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.
Lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong khu điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của những người này.
Một F0 hỗ trợ đưa cụ bà 72 tuổi khó thở xuống phòng cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về chăm lo đời sống cho nhân viên y tế, Sở Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, giám đốc bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly F0 quan tâm, giám sát chặt chẽ về chất lượng suất ăn hàng ngày của các nhà cung ứng, đảm bảo đủ chất, đủ lượng cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly F0 có trách nhiệm làm việc với nhà cung cấp suất ăn dùng nguồn thực phẩm tươi, ngon làm nguồn nguyên liệu cho suất ăn của nhân viên y tế, trong trường hợp nhà cung ứng không có chuyển biến tốt, suất ăn không đảm bảo đề nghị đơn vị có văn bản phản ảnh gửi về Sở Y tế (Văn Phòng Sở Y tế tiếp nhận thông tin).
Sở Y tế đã tham mưu trình UBND TP điều chỉnh chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế khi tham gia chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố tại Tờ trình số 5887/TTr-SYT ngày 21/8/2021 của Sở Y tế. Do đó, cơ quan này đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện ngay sau khi có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM.
Về đảm bảo nhân lực tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đề nghị thực hiện phân công, bố trí nhân lực chia theo ca kíp trực phù hợp tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly F0 có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe lao động cho nhân viên y tế, không phân công thêm công tác hành chính, cho lực lượng Bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác trực tiếp chăm sóc, điều trị F0 sau khi hết ca trực.
Sở Y tế yêu cầu hạn chế tối thiểu trong việc rút nhân sự đang tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP.HCM của các đoàn đang hỗ trợ thành phố, chỉ thực hiện rút nhận sự trong tình huống thật sự cấp bách và có ý kiến chấp thuận của Bộ Y tế (đối với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế), Sở Y tế (đối với đơn vị trực thuộc Sở Y tế). Trước khi rút nhân sự hỗ trợ, các đơn vị cần lập tức bổ sung ngay nhân sự thay thế luân phiên đảm bảo đầy đủ quân số đã hỗ trợ trước đó và có thời gian bàn giao hướng dẫn cho đoàn tiếp nhận công việc mới ít nhất một tuần trước khi rút đoàn.
Sở Y tế khẳng định sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế huy động nhân lực chuyên môn y tế tham gia hỗ trợ tại các Bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 của TP.HCM, đặc biệt là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng cấp cứu, hồi sức để phân bổ cho các đơn vị.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.