Đây là hoạt động được khởi xướng bởi quỹ VinFuture với mong muốn lan tỏa giá trị cộng đồng của khoa học công nghệ, truyền cảm hứng đến các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời phổ cập kiến thức theo cách gần gũi, thú vị đến công chúng.
Chuỗi hội thảo trực tuyến InnovaTalk bao gồm 6 hội thảo, được tổ chức trên nền tảng Zoom từ nay đến hết tháng 11, gồm các chủ đề: “Nông nghiệp công nghệ cao - Biến đổi gene trong chăn nuôi”, “Công nghệ chẩn đoán và điều trị ung thư chính xác”, “Trí tuệ nhân tạo”, “Vật liệu tiên tiến” và “Môi trường bền vững”.
Các diễn giả tham dự buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề "Nông nghiệp công nghệ cao - Biến đổi gene trong chăn nuôi". Ảnh chụp từ fanpage. |
Mỗi chương trình hội thảo sẽ được dẫn dắt bởi chủ tọa là một nhà khoa học thành viên các hội đồng hoặc chủ nhân Giải thưởng VinFuture. Diễn giả khách mời dự kiến là các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, giáo sư đến từ những trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới: Đại học California (Mỹ), Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Đại học Oxford, Đại học Stanford, Đại học Quốc gia Singapore...
Điểm nhấn của chuỗi hội thảo là sự góp mặt của cộng đồng khoa học Việt Nam, với các nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và chuyên gia đến từ nhiều viện công nghệ, viện hàn lâm, đại diện những doanh nghiệp, tổ chức, bộ, ban, ngành. Thông qua những nội dung thảo luận và hoạt động tương tác, VinFuture kỳ vọng khắc họa được vai trò và những đóng góp của cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ về chuỗi hoạt động, TS Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture - cho biết: “Thông qua InnovaTalk 2022, VinFuture mong muốn chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mỗi hội thảo mở ra một cơ hội để kết nối các cộng đồng khoa học công nghệ, tăng cường trao đổi và hợp tác, giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp, hướng tới một xã hội hiện đại, tốt đẹp, bền vững cho nhân loại sau đại dịch Covid-19, phù hợp định hướng ‘Tái thiết và hồi sinh’ của mùa giải VinFuture 2022”.
InnovaTalk gồm 6 hội thảo được tổ chức trên nền tảng Zoom từ nay đến hết tháng 11. Ảnh chụp từ fanpage. |
Buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề “Nông nghiệp công nghệ cao - Biến đổi gene trong chăn nuôi” diễn ra thành công vào ngày 29/6. Hội thảo InnovaTalk số 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 26/7 với chủ đề “Công nghệ chẩn đoán và điều trị ung thư chính xác”. Độc giả đăng ký tại đây để trực tiếp theo dõi các phần chia sẻ của diễn giả, cũng như tham gia thảo luận và tương tác.
Chủ tọa hội thảo là GS Đặng Văn Chí - thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Khoa học của Viện nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ). Nội dung chính của hội thảo là phần diễn thuyết về những phương pháp và kỹ thuật giúp phát triển công nghệ chẩn đoán ung thư chính xác đến từ GS Brian T. Cunningham - Trưởng khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán mầm bệnh, Đại học Illinois Urbana-Champaign.
Thông qua chuỗi hội thảo, VinFuture hứa hẹn đóng vai trò cầu nối giúp hơn 2.000 khán giả tiếp cận khoa học và giao lưu, trò chuyện với các nhà khoa học, học giả về những vấn đề bức thiết trên toàn cầu.
VinFuture là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập. Tầm nhìn và sứ mệnh của quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã và đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Ngoài ra, quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEM.
Hệ thống giải thưởng gồm: Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD; 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ những nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu nhiều lĩnh vực mới.
Các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2021:
- Giải thưởng chính: TS Katalin Karikó, GS Drew Weissman (Mỹ) và GS Pieter Cullis (Canada) với nghiên cứu đột phá về vaccine mRNA.
- Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ: GS Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt.
- Giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển: GS Salim S. Abdool Karim và GS Quarraisha Abdool Karim (Nam Phi) với công trình nghiên cứu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus.
- Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới: GS Omar Yaghi (Mỹ) với phát minh vật liệu khung cơ-kim (MOFs).