Hàng nghìn tỷ đồng này đến từ sự chung tay đóng góp, ủng hộ của 356.137 cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước.
Đến nay, ban quản lý quỹ chỉ còn ghi nhận 21 đơn vị, tổ chức cam kết chi ủng hộ nhưng chưa chuyển tiền hoặc mới chuyển một phần. Tổng số tiền còn thiếu là hơn 174 tỷ đồng.
Tính theo số ban quản lý công bố, tổng số tiền quỹ vaccine phòng chống Covid-19 được cam kết tài trợ, ủng hộ đã là 8.134 tỷ đồng. Như vậy, đã có gần 98% số tiền các cá nhân, tổ chức cam kết tài trợ, ủng hộ quỹ vaccine Covid-19 được chuyển về tài khoản quỹ.
Bên cạnh đó, số đóng góp của các cá nhân qua tin nhắn tổng đài 1408 cũng đã ghi nhận trên 105,6 tỷ đồng, thông qua hơn 2,36 triệu tin nhắn.
Ngày 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Quyết định 1022 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, Chính phủ bổ sung hơn 7.650 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty CP Vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều).
Trong đó, hơn 5.100 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế (từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021) và hơn 2.550 tỷ đồng chi từ nguồn quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam.
Thủ tướng cũng đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507 để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vaccine, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vaccine phòng Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.
Trước đó, theo các tính toán của Bộ Y tế, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm phòng vaccine Covid-19 cho khoảng 75 triệu dân, tương đương 75% dân số. Với việc mỗi người cần 2 liều tiêm vaccine, Bộ Y tế cần khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho nhân dân.
Theo chỉ tiêu này, Bộ Y tế cho biết cần khoảng 25.200 tỷ đồng kinh phí để mua vaccine và tổ chức tiêm miễn phí cho người dân. Trong đó, ngân sách Trung ương bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ.