Với nhận định có những sai phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, Bí thư Hải Dương đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng. Bộ Chính trị đồng thời trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, đã có hai trường hợp ủy viên Trung ương đương nhiệm sai phạm nghiêm trọng đến mức phải đưa ra Trung ương kỷ luật, là ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Mức kỷ luật có thể nặng hơn cảnh cáo
Quy định 80 của Trung ương ban hành ngày 18/8 mới đây về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đề cập đến trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, trong đó có nêu rõ Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ để kỷ luật cán bộ và những vấn đề về công tác này, thuộc thẩm quyền của Trung ương.
Trước đó, Quy định 22 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định nguyên tắc tất cả đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.
Ông Phạm Xuân Thăng tại Đại hội Đảng XIII, diễn ra hồi đầu năm 2021. Ảnh: Vietnamnet. |
4 hình thức kỷ luật Đảng đối với đảng viên chính thức được đề cập trong Quy định 22 gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
Theo quy định này, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
“Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư”, Quy định 22 nêu rõ.
Xét theo quy định này, mức kỷ luật dành cho ông Phạm Xuân Thăng có thể sẽ nặng hơn mức cảnh cáo, nên phải chờ Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định (dự kiến tại Hội nghị Trung ương 6 diễn ra vào tháng 10 tới).
Quy định 22 cũng nêu rõ trình tự, thủ tục, cách thức bỏ phiếu thi hành kỷ luật bằng phiếu kín. Theo đó, quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với đảng viên; khiển trách, cảnh cáo đối với tổ chức đảng phải được biểu quyết với sự đồng ý của trên một nửa số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó.
Trường hợp khai trừ đảng viên phải được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị và được sự nhất trí của trên một nửa số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
Bí thư Hải Dương và loạt lãnh đạo tỉnh cùng dính sai phạm
Những vi phạm, khuyết điểm của Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng loạt lãnh đạo tỉnh này được Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận rõ trong cuộc họp ngày 16/9, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành nhiều văn bản kết luận có nội dung trái quy định; để UBND tỉnh và nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong phòng chống dịch.
Công tác xử lý các mẫu xét nghiệm Covid-19 trong Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh Hải Dương hồi đầu năm 2021. Ảnh: Thạch Thảo. |
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, là người phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cấp phó của ông Thăng là ông Triệu Thế Hùng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, cũng phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu khi thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân sai phạm phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Dương Thái (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh) và ông Lương Văn Cầu (nguyên Phó chủ tịch tỉnh), cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân khi sai phạm trong thực hiện chức trách.
Những sai phạm nêu trên còn liên quan tới ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương và ông Nguyễn Trọng Hưng (nguyên Giám đốc Sở Tài chính).
Nhận định những sai phạm của các tập thể, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn nên Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ông Phạm Xuân Thăng.
Ban Bí thư quyết định khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021-2026 và các cá nhân là ông Triệu Thế Hùng, Lương Văn Cầu; cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021; cách chức Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trọng Hưng; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Dương Thái; khai trừ Đảng đối với ông Phạm Mạnh Cường.
Trong thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Nếu không tự nguyện xin từ chức, cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.