Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quỹ ngoại 'chốt deal' rót 250 triệu USD vào Masan

Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới đã đồng ý nâng khoản đầu tư vốn cổ phần vào Masan Group từ 200 triệu USD lên 250 triệu USD, tương đương giá mua 85.000 đồng/cp.

Quỹ đầu tư Bain Capital sẽ rót tổng cộng 250 triệu USD vào Masan thay vì mức 200 triệu USD như cam kết ban đầu. Ảnh: MSN.

Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa công bố thông tin liên quan việc Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới - đã đồng ý gia tăng thêm 50 triệu USD vào khoản đầu tư vốn cổ phần của Masan Group. Số tiền này đã nâng tổng mức đầu tư lên 250 triệu USD so với mức 200 triệu USD đã công bố vào tháng 10/2023.

Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Số tiền thu được từ giao dịch vốn cổ phần này sẽ được dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan.

Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (Convertible Dividend Preference Share hoặc CDPS) được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.

Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm.

Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong vài tháng tới và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, để gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5x.

Theo Masan, trong 9 tháng đầu năm, mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ của tập đoàn đã ghi nhận lợi nhuận hoạt động tăng 45,5% so với cùng kỳ. Dòng tiền tự do (FCF) cho thấy sự cải thiện liên tục, với FCF quý III đạt 2.202 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỷ đồng cùng kỳ năm trước nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả.

Theo số liệu từ Kantar Worldpanel, trong quý III, tại Việt Nam, thị trường FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 6% tại 4 thành phố trọng điểm và 7% ở khu vực nông thôn so với cùng kỳ.

Dù vậy, quý III, trên cơ sở LFL, doanh thu của Masan Consumer Holdings vẫn tăng 9% và EBITDA tăng 20% so với cùng kỳ. Nhờ đó, ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận hoạt động kinh doanh của Masan Consumer Holdings sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong quý cuối năm.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm