Sáng 18/12, kỳ họp thứ 9, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến cho biết trận mưa lớn vừa qua khiến Đà Nẵng ngập nặng. Nhiều tuyến phố ở trung tâm ngập chìm trong nước. Hàng nghìn ha lúa và hoa màu ở huyện Hòa Vang bị hư hỏng. Theo ông, đây là đợt ngập lớn nhất trong vòng 20 năm qua.
Ông Nguyễn Nho Trung chủ trì kỳ họp. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đại biểu này nói thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền để cải thiện hệ thống thoát nước nhưng vẫn xảy ra ngập úng trên địa bàn là điều không thể chấp nhận.
"Thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan nhưng hệ thống thoát nước của thành phố đã lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu", đại biểu Tiến nói.
Vị này cho rằng trong thời gian qua Đà Nẵng phát triển quá nóng. Quy hoạch đô thị đã lạc hậu. Mật độ xây dựng lớn khiến hồ điều tiết từ con số 42 giảm chỉ còn 30 hồ.
Bên cạnh đó, ý thức người dân chưa cao, tình trạng xả thải ra hệ thống thoát nước vẫn diễn ra nên khi mưa lớn, nước không thoát kịp gây tràn vào nhà dân.
Đại biểu Tô Văn Hùng cho biết hiện nay bình quân mỗi ngày người dân thành phố xả thải 900-1.000 tấn rác. Riêng 2 ngày 9 và 10/12, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra mưa lớn dẫn đến ngập úng sâu, cục bộ, ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tác động đến đời sống cộng đồng, gây hư hỏng tài sản người dân.
Qua thống kê thiệt hại sơ bộ, hơn 50 khu vực dân cư bị ngập úng, 10 công trình thu gom, thoát nước trong đô thị và cửa xả ven biển bị hư hỏng nặng. Nhiều vị trí ở khu vực Sơn Trà, các bãi biển bị sạt lở.
Đại biểu Hùng cảnh báo nếu Đà Nẵng không có giải pháp căn cơ để ứng phó thì thời gian đến địa phương này sẽ bị ngập nặng như TP.HCM. Đại biểu Hùng kiến nghị mỗi người dân cần xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
Đối với UBND TP và các đơn vị liên quan phải khai thác nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường. Tăng cường phân loại rác tại nguồn, xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đề nghị lãnh đạo UBND TP và các đơn vị liên quan thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc và các nguyên nhân gây ngập úng để có giải pháp xử lý triệt để.
Theo ông, ngay khi ngập úng xảy ra, ông trực tiếp khảo sát, nhận thấy nhiều nơi có máy bơm thì không có nước và những nơi ngập úng lại không có máy bơm.
Đơn cử như khu vực cầu Thuận Phước có 4 máy bơm được lắp đặt nhưng khu vực này lại khá cao, không bị ngập úng. Trong khi đó, ở các khu vực như đường Trương Chí Cương hay phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nước ngập rất nặng nhưng không có máy bơm nào.
“Điều này cho thấy việc đầu tư của chúng ta chưa đồng bộ và hợp lý”, vị này nói và nhìn nhận trên địa bàn có tình trạng “mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công công trình”.
Trận mưa vừa qua đã khiến các tuyến đường Đà Nẵng bị ngập sâu. Ảnh: Tiến Đạt. |
"Đây là điều khó có thể chấp nhận. Bởi mùa mưa, nếu đường sá bị đào xới thì việc nước mưa xuống, ngập ứ là điều khó tránh khỏi và tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân", ông Trung nói.
Vị này cho biết thêm năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đầu tư 85 tỷ đồng để nạo vét kênh, mương, cống… Tuy nhiên, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra là điều đáng bàn. “Tiền đầu tư lớn như thế nhưng có nạo vét thật không? UBND TP cần làm rõ điều này”, ông Trung nói.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết có tình trạng người dân dùng bao nylon bịt hố ga khi có mùi hôi thối bốc lên. “Mưa xuống, hố ga bị bịt như thế thì nước không thể thoát được, gây ngập là điều dễ hiểu”, ông nhận định.