Ngày 28/12, tại TP Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020. Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, địa phương; các cơ quan quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí...
Môi trường Internet và mạng xã hội sạch hơn
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá thông tin trên báo đã góp phần tạo sự nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy niềm tin, động lực tinh thần để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019. Báo chí là lực lượng tiên phong trong thực hiện phương châm "đi trước mở đường" của ngành tuyên giáo, qua đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sớm đi vào đời sống xã hội.
Việc xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Môi trường Internet và mạng xã hội năm 2019 đã sạch hơn. Để đạt được kết quả này, vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan phối hợp trong công tác quản lý báo chí, quản lý thông tin trên Internet và mạng xã hội là đáng ghi nhận.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, một số trường hợp, việc chậm cung cấp thông tin khiến báo chí chạy theo mạng xã hội, sử dụng thông tin từ mạng xã hội thiếu kiểm chứng hoặc kiểm chứng chưa chặt chẽ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh những kết quả, thành tích, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm năm 2019. Trong đó, công tác chỉ đạo, định hướng báo chí có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có thời điểm còn chậm trong phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí.
Dẫn chứng các vụ việc nóng như vụ 39 người chết trong container ở Anh; ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, TP.HCM hay vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Võ Văn Thưởng cho rằng việc cung cấp thông tin có sự chậm trễ, thông điệp không rõ ràng thậm chí còn né tránh. Đây là hạn chế nhiều lần được đề cập nhưng khắc phục chưa hiệu quả.
Cán bộ chần chừ quy hoạch là vi phạm kỷ luật Đảng
Nêu nhiệm vụ 2020, Võ Văn Thưởng yêu cầu đưa tin đậm nét về các ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước. Đặc biệt, báo chí cần đưa tin tỉnh táo, kiểm chứng thông tin khi đưa về đại hội đảng các cấp, tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, ông Thưởng yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí, khẩn trương thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp thực tiễn.
Ông Võ Văn Thưởng cùng một số đại biểu dự hội nghị báo chí toàn quốc ngày 28/12. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhắc đến thời hạn cuối để thực hiện Quy hoạch báo chí trong năm 2019, ông Võ Văn Thưởng đề nghị làm đúng nguyên tắc đề ra: Cơ quan chủ quản nào không xây dựng, không trình phương án sắp xếp để cấp lại giấy phép hoạt động cơ quan báo chí trực thuộc thì kiên quyết đình bản tạm thời. Sau đó nếu tiếp tục không thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước tước giấy phép hoạt động.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục làm việc với cơ quan chủ quản thuộc diện sắp xếp để đôn đốc, hướng dẫn đúng tiến độ, thực chất, tránh hình thức.
"Lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải quán triệt nhận thức Quy hoạch để báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng. Đây là việc phải làm, phải triển khai, làm bây giờ đã là rất chậm. Cán bộ, đảng viên nào chần chừ, níu kéo làm giảm tiến độ là vi phạm kỷ luật của Đảng", ông Thưởng nói và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện khẩn trương, nghiêm túc về vấn đề này.
Phân biệt báo điện tử và tạp chí điện tử
Trong bài phát biểu, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc xây dựng quy định để phân biệt báo điện tử và tạp chí điện tử để khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí - hành vi theo ông thực chất là vi phạm pháp luật.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng tạp chí phải trở về với đúng bản chất: Là thông tin định kỳ, chuyên sâu với các bài viết có tính học thuật, là nơi công bố, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách.
"Tạp chí không được thực hiện việc tổng hợp, sản xuất tin bài thời sự chính trị, kinh tế xã hội; không được đăng, phát tin tức hàng ngày, hàng giờ như các cơ quan báo điện tử, không được thực hiện các thể loại không phù hợp với tính chất của tạp chí như điều tra, phóng sự thời sự, nội dung thông tin có tính chất quảng cáo", ông Thưởng nêu định hướng.
Theo ông, nếu không xây dựng được tiêu chí cụ thể về tạp chí, mục tiêu Quy hoạch sẽ không đạt được cũng như niềm tin của công chúng đối với báo chí sẽ bị giảm sút.
"Tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải sớm có quy định cụ thể về nội dung này. Các cơ quan báo chí cũng phải vào cuộc lên án mạnh mẽ tình trạng này để bảo vệ uy tín của báo chí, để gia tăng niềm tin của người dân đối với báo chí và những người làm báo chân chính", ông Thưởng nói.
Chính sách tầm xa để lợi ích kinh tế của báo chí không bị xâm lấn
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ những thách thức rất lớn của báo giới hiện nay. Đó là yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời, có tính định hướng nhưng cũng phải bảo đảm hình thức phù hợp với sự đòi hỏi của người dân, của hoàn cảnh mới.
Theo ông, phần lớn cơ quan báo chí đang phải tự lo một phần hoặc hoàn toàn về kinh tế, phải cạnh tranh với các phương tiện thông tin khác vốn không được coi là báo chí. Cùng với đó, việc sắp xếp, quy hoạch lại báo chí nhưng phải bảo đảm thông tin lan toả tới mọi ngõ ngách của đời sống nhưng đòi hỏi tính định hướng, tính chính thống không hề giảm, thậm chí cao hơn. Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ bằng hành động cụ thể sẽ đề cao hơn nữa báo chí, nhất là vai trò “tiếng nói của nhân dân tới chính quyền”.
“Tiếng nói ấy khi là góp ý phải được trân trọng, phải được phản hồi. Tiếng nói ấy khi là phê bình, nhắc nhở thì phải biết tiếp thu và tỏ lòng biết ơn”, Phó thủ tướng chia sẻ và đề nghị các cơ quan chủ quản dành sự quan tâm, lãnh đạo về thời gian, nguồn lực cho báo chí.
Ông nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ của báo chí là phổ biến, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, các biện pháp chính để phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, cơ quan Nhà nước thì các cơ quan này phải dành nguồn lực con người, thời gian, kinh phí cho việc tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, phải có chính sách ở tầm xa hơn để những lợi ích kinh tế của báo chí không bị xâm lấn một cách không phù hợp, không đúng pháp luật bởi các dạng thông tin khác đang cạnh tranh quảng cáo với báo chí.