Tại Hội thảo "Thực trạng và Đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm", bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) - cho biết các quy định trong Nghị định 09 yêu cầu bổ sung vi chất vào thực phẩm đã và đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, làm tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Nghị định này thiếu hiệu quả, không phù hợp với quốc tế. Bởi khi áp dụng, một số loại thực phẩm như sản phẩm như thủy sản, rau củ quả sấy khô, sản phẩm ăn liền... nếu bổ sung i-ốt vào thực phẩm dễ dàng có phản ứng, do tính chất oxy hóa mạnh, sẽ làm các sản phẩm bị biến mùi, biến vị, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm", bà Chi nhìn nhận.
Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu không chấp nhận sản phẩm có muối i-ốt khiến doanh nghiệp tốn kém khi phải điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Bên cạnh đó, khi thực hiện quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt và kẽm, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu. Vì Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì, trong khi đó, ở các nước xuất khẩu không có quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột mì. Do đó khi doanh nghiệp Việt yêu cầu bổ sung thì không được chấp nhận", bà nói.
Doanh nghiệp sản xuất mì gói gặp nhiều khó khăn vì quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết việc thiếu và thừa i-ốt đều có tác động xấu đến chức năng tuyến giáp. Việc tiêu thụ quá i-ốt có thể dẫn đến các biến chứng như cường giáp hoặc suy giáp, ở một số trường hợp. Trong khi Nghị định 09 lại yêu cầu bổ sung muối i-ốt vào trong muối.
"Hơn nữa, các sản phẩm của ngành thủy sản đã có sẵn lượng muối i-ốt do đó quy định phải dùng muối i-ốt chế biến các sản phẩm thủy sản là khiên cưỡng, thiếu khoa học", ông nói.
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam - cũng cho biết trong quá trình thực hiện Nghị định 09, doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng trong việc nhập nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Phải bổ sung i-ốt vào muối, sắt kẽm vào bột mì trong các sản phẩm nội địa trong khi phần lớn thị trường xuất khẩu không chấp nhận điều này khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để tránh nhiễm chéo.
Điển hình nhất là câu chuyện xuất khẩu sang Nhật Bản, vì nước này không chấp nhận các sản phẩm có i-ốt, sắt, kẽm nên hiện nay Acecook phải sản xuất riêng mì ăn liền, phở ăn liền để phục vụ khoảng 400.000 người Việt sống tại Nhật và người tiêu dùng Nhật Bản.
"Chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ bị các đơn vị trong nước tự ý xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong thời gian gần đây, một số sản phẩm của công ty nội địa khác cũng bị tự ý xuất khẩu sang Nhật Bản", ông nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp này đề nghị quy định trên được sửa đổi theo hướng chỉ khuyến khích thay vì bắt buộc doanh nghiệp áp dụng.
Tại hội thảo, bà Lý Kim Chi kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng chỉ khuyến khích, không bắt buộc doanh nghiệp chế biến phải sử dụng muối được tăng cường i-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm như hiện nay.
Nghị định 09 quy định "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" (áp dụng từ 3/2017) và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" (áp dụng từ 3/2018).
Năm 2018, Chính phủ đã có Nghị quyết 19 chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi quy định theo hướng chỉ khuyến khích, không bắt buộc doanh nghiệp chế biến phải sử dụng muối i-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường kẽm, sắt.
Tuy nhiên, tháng 9/2021, Bộ Y tế có văn bản gửi các Hiệp hội và doanh nghiệp thực phẩm yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm quy định Nghị định 09 và đang xây dựng dự thảo kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định này.