Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc Vượng, Văn Quyến 'thảm' nhất trong nhóm cầu thủ bán độ

Trong khi Quốc Anh mới giành Quả bóng vàng, Hải Lâm, Phước Vĩnh và Văn Trương được trở lại ĐTQG thì Quốc Vượng phải giải nghệ, bốc vác mưu sinh còn Văn Quyến sống lay lắt ở V.Ninh Bình nhờ tình thương của bầu Trường.

Văn Quyến: Lay lắt sống cùng trái bóng

Khi vụ bán độ tại SEA Games 23 vỡ lở, nhiều người cho rằng cầu thủ Việt nghèo nên làm liều. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng với trường hợp Văn Quyến. Khi sang Philippines dự SEA Games năm 2005, Văn Quyến đã là tỷ phú. Thời điểm đó, thần đồng bóng đá xứ Nghệ nổi danh tiêu tiền không tiếc tay. Ở thành Vinh giới ăn chơi còn phải nể anh với câu nói: "Chơi thế này bao giờ mới hết tiền". Bán độ ở trận gặp Myanmar, Văn Quyết nhận được vỏn vẹn 20 triệu đồng. Con số này chưa bằng tiền cho một buổi ăn chơi của chân sút người xứ Nghệ. Có lẽ, chỉ có thể lý giải cho hành động của Văn Quyến bằng lý do "chung tay đấu sức với anh em".

Vụ bán độ tại SEA Games 23 đã khiến sự nghiệp của Văn Quyến rẽ sang một chương mới đầy đen tối. Cuối năm 2009, khi thời hạn 2 năm án treo kết thúc, "Cậu bé vàng" của bóng đá Việt Nam được VFF cho trở lại thi đấu. Tuy nhiên, những màn trình diễn ấn tượng của chân sút người xứ Nghệ đã hoàn toàn biến mất. 2 năm ngồi không đã giết chết tài năng của "Cậu bé vàng", để rồi khi trở lại anh chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Văn Quyến đang sống lay lắt ở V.Ninh Bình.

SLNA đã hết lòng giúp đỡ và kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của Văn Quyến nhưng không thành, để rồi cuối năm 2012 phải ra quyết định thanh lý hợp đồng. Cũng may cho "Thằng béo", ngay sau đó anh được bầu Trường của V.Ninh Bình đón về, cho hưởng mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Mùa giải vừa qua, Văn Quyến có 3 bàn thắng ở Cup QG, góp công không nhỏ giúp V.Ninh Bình giành chức vô địch. Tuy nhiên, đó chỉ là những phút lóe sáng hiếm hoi, xét tổng thể "Thằng béo" vẫn là bản hợp đồng hớ của đội bóng cố đô. Việc bầu Trường vừa gia hạn hợp đồng thêm một năm với Văn Quyến thực tế là vì tình cảm nhiều hơn là vì chuyên môn.

Quốc Vượng: Giã từ sân cỏ, bốc vác mưu sinh


Quốc Vượng là người đứng đầu trong vụ bán độ tại SEA Games 23. Tiền vệ được mệnh danh là "lá phổi" của U23 Việt Nam đứng ra giao dịch với trùm cá độ và rủ rê 6 đồng đội khác dàn xếp để chỉ thắng Myanmar với tỷ số 1-0. Chính vì vậy trong phiên tòa xử vụ án sau này, Quốc Vượng nhận án phạt nặng nhất 4 năm tù giam (được giảm án từ 6 năm xuống 4 năm trong phiên phúc thẩm).

Không chỉ nhận án phạt nặng nhất, Quốc Vượng còn là người có hành trình trở lại với bóng đá khó khăn nhất trong nhóm các tuyển thủ Việt bán độ trên đất Philippines. Sau khi được đặc xá vào năm 2009, Quốc Vượng được phép ra sân thi đấu nhờ nhiều chữ kí bảo lãnh của các lãnh đạo cấp tướng ở Thể Công Viettel và sự ưu ái của VFF. Tuy nhiên, ngay trận đầu đá lại cho Thể Công, tiền vệ người xứ Nghệ đã dính chấn thương, phải nghỉ thi đấu dài hạn. Chưa kịp trở lại, Quốc Vượng lại phải nhận tin sét đánh: Thể Công chuyển giao cho Lam Sơn Thanh Hóa.

Quốc Vượng hiện tại phải bốc vác mưu sinh.

Khi đang bơ vơ, Quốc Vượng bất ngờ được bầu Thụy - ông bầu mới nổi của bóng đá Việt Nam - chiêu mộ với bản hợp đồng có giá lên tới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, niềm vui với tiền vệ người xứ Nghệ ngắn chẳng tày gang, anh bị kẹt trong thế không được ra sân mà cũng không thể đi đâu khi bầu Thụy bỏ đội bóng ở Hà Tĩnh, chuyển vào TP.HCM xây dựng CLB mới.

Năn nỉ, kiện cáo đủ kiểu cuối năm 2011 Quốc Vượng mới có thể thoát được bầu Thụy để về thi đấu cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, mới chỉ chơi được nửa mùa giải 2012, tiền vệ người xứ Nghệ đã bị bầu Đệ gạt khỏi danh sách thi đấu với lý do "thể lực yếu, đầu có vấn đề".

Rời Thanh Hóa, Quốc Vượng được SLNA cưu mang nhờ sự tác động của HLV Hữu Thắng. Tuy nhiên, vào phút chót, anh không thể ký hợp đồng với đội bóng quê hương bởi bầu Đệ đòi nợ 400 triệu tiền lót tay đã ứng trước, kiên quyết không cấp phép để đầu quân cho đội bóng khác.

Kinh tế gia đình khó khăn, Quốc Vượng không thể kiếm đâu ra 400 triệu để thanh toán cho Thanh Hóa nên đành phải bỏ lỡ cơ hội đầu quân cho SLNA. Trong thế đường cùng, tiền vệ lừng danh một thời quyết định bỏ bóng đá chuyên nghiệp, về đầu quân cho doanh nghiệp Văn Minh, vừa đá bóng phong trào, vừa bốc vác đồ lấy tiền nuôi con.

Quốc Anh: Sự trở lại kỳ diệu

Quốc Anh sinh ngày 10/5/1985 tại Trà My, Quảng Nam. Năm 2002, chàng trai họ Huỳnh được SHB Đà Nẵng đưa về đội U21 và từng được coi như là phát hiện mới của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đúng lúc sự nghiệp bắt đầu khởi sắc thì Quốc Anh dính vụ bán độ tại SEA Games 23. Sự cố trên đất Philippines đã khiến sự nghiệp của cầu thủ người xứ Quảng bị dìm xuống bùn đen. Rất may, cú vấp ngã ấy đã không khiến Quốc Anh quỵ hẳn, chàng trai tài hoa sinh năm 1985 kịp tỉnh ngộ và sửa sai để trở lại với nghiệp quần đùi áo số.

Quốc Anh hạnh phúc khi giành Quả bóng vàng VN năm 2012.
Cuối mùa giải 2008, Quốc Anh trở lại sân bóng trong màu áo SHB Đà Nẵng. Ngay mùa giải sau đó, tiền vệ này đã cùng đội bóng sông Hàn giành chức VĐQG sau gần hai thập kỷ. Đặc biệt, tháng 6/2012, tiền vệ hào hoa xứ Quảng được HLV Phan Thanh Hùng triệu tập vào ĐTQG để chuẩn bị cho trận giao hữu với Mozambique. 7 năm sau sự cố dính chàm, Quốc Anh mới lại được vinh dự khoác lên mình chiếc áo tuyển.

Trong số những cầu thủ dính vào vụ bán độ trên đất Philippines, Quốc Anh là cầu thủ có sự trở lại thành công nhất. Danh hiệu Quả bóng vàng năm 2012 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của tiền vệ người xứ Quảng.

Bật Hiếu, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh: Vẫn kịp trở lại khoác áo tuyển

7 tháng trong trại giam trả giá cho vụ bán độ tại SEA Games 23, Bật Hiếu tính bỏ bóng đá. Nhưng vì người mẹ già, vì muốn trả ân tình với Hải Phòng, cầu thủ xứ Thanh đã gắng gượng trở lại. Ở V.League 2008, Bật Hiếu được xoá án treo giò, tập luyện và thi đấu như con thiêu thân, góp công lớn vào chiếc HCĐ của đội bóng đất Cảng.

Đáng tiếc, đầu năm 2012, V.Hải Phòng có nhiều biến đổi, kết cục Bật Hiếu phải ra đi dù anh vẫn được đánh giá là trung vệ số một của đội. Biết chuyên môn của Bật Hiếu ổn, Thanh Hóa đã giang tay đón đứa con xa quê hương. Đặc biệt, bầu Đệ còn quyết định giao cho Bật Hiếu tấm băng đội trưởng.

Cuối tháng 5/2012, Bật Hiếu đã được HLV Phan Thanh Hùng triệu tập vào ĐTQG để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2012. “Tôi không ngờ mình lại được triệu tập vào ĐTQG, đó thực sự là giấc mơ trở thành sự thực, còn gì hạnh phúc hơn! Chỉ tiếc mẹ tôi đã không còn để được chứng kiến ngày hôm nay”, Bật Hiếu gần như bật khóc khi nhận được giấy triệu tập và nhớ về người mẹ đã từng nén chịu nỗi đau của bệnh ung thư để đi hàng chục cây số lên thăm anh khi còn ở trong trại giam.

Hết mùa giải 2013, bầu Đệ thay máu hàng thủ, Bật Hiếu không còn được trọng dụng. Tuy nhiên, cầu thủ sinh ra tại vùng quê nghèo Triệu Sơn đã nhanh chóng tìm được cho mình bến đỗ mới: Than Quảng Ninh, tân binh của V.League 2014.

Bật Hiếu (áo vàng) vẫn đang sống khỏe cùng quả bóng.

So với Bật Hiếu, Văn Trương hạnh phúc hơn khi được trở lại ĐTQG sớm hơn 2 năm. Sau scandal SEA Games 23, HAGL cưu mang Văn Trương, ngoài việc chi trả các khoản nợ giúp, đội bóng phố núi còn ưu ái dành cho anh một khoản lương 10 triệu đồng/tháng dù cầu thủ này vẫn đang trong thời gian thụ án. Năm 2009, Văn Trương được VFF xóa án kỷ luật sau 3 năm treo giò. Nhưng 1 năm sau, Văn Trương mới đánh dấu sự trở lại của mình với màn trình diễn ấn tượng tại V.League 2010. Và phần thưởng cho nỗ lực ấy là Văn Trương đã được HLV Calisto gọi lên tập trung  ĐTQG chuẩn bị cho giải bóng đá mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đáng tiếc, sang năm 2013, Văn Trương thi đấu xuống dốc và có sinh hoạt bất thường khiến ban huấn luyện HAGL không hài lòng. Kết cục vào tháng 10 vừa qua, đội bóng phố núi đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng với hậu vệ có cái chân trái rất dẻo này.

Trong số 7 cầu thủ dính chàm tại SEA Games 23, Hải Lâm và Phước Vĩnh là những cầu thủ được trở lại với ĐTQG muộn nhất (năm 2013). Tuy nhiên, bộ đội này tiến chậm nhưng chắc, họ đang có vị trí rất ổn định trong màu áo SHB Đà Nẵng.

Trưa 24/11/2005, sau khi họp kỹ thuật trước trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar, tại phòng nghỉ số 214 ở một khách sạn tại Philippines, Quốc Vượng hỏi Hải Lâm: "Nếu VN chấp cao thì mình ăn 1-0 có được không?". Hải Lâm nói: "Thế thì để gọi bọn nó sang bàn luôn."

Vượng gọi điện cho Lê Văn Trương, Trương gọi Quyến cùng đi, khi qua phòng Vượng đã thấy Vượng, Lâm, Bật Hiếu. Vượng đặt lại vấn đề như đã nói với Lâm, đồng thời cho biết nếu dàn xếp được thì sẽ có người cho mỗi cầu thủ 20 đến 30 triệu đồng. Vượng gợi ý mỗi cầu thủ cá độ thêm 20 đến 30 triệu đồng, ai có tiền thì đánh, nếu không thì Vượng sẽ nhờ đánh giùm.

Ăn cơm trưa xong, cả 5 lại tập trung ở phòng Quốc Vượng. Vượng gọi thêm Phước Vĩnh và Lê Tấn Tài, Văn Trương gọi thêm Phan Văn Tài Em. Khi các cầu thủ có mặt đầy đủ thì Văn Trương "phổ biến" lại vấn đề mà Vượng đã đề cập trước đó. Tài Em từ chối thẳng và bỏ về, Tấn Tài thì nói: "Em giúp các anh đá thắng chứ chuyện tiền nong em không dính vào". Còn lại nhóm cầu thủ trên đều đồng ý với Lê Quốc Vượng về việc dàn xếp thắng Myanmar cách biệt 1 bàn để lấy tiền. Riêng việc cá cược thì chưa ai nhờ Quốc Vượng đánh hộ nhưng cũng không ai từ chối. Sau đó cả bọn về phòng riêng nghỉ trưa. Buổi chiều cùng ngày, Tài Em đã báo cáo toàn bộ vụ việc này với hai ông Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường.

Sau khi thống nhất việc dàn xếp tỷ số, Quốc Vượng đã trao đổi với một người ở VN là Trương Tấn Hải, thông báo cho Hải biết có 7 - 8 cầu thủ đã đồng ý tham gia dàn xếp tỷ số. Vượng cũng nhờ Hải theo kèo Myanmar với số tiền 250 triệu đồng. Hải tiếp tục trao đổi với đàn anh của mình là Lý Quốc Kỳ (hiện đang bỏ trốn) về những nội dung trên và được Kỳ đồng ý.

Trong trận đấu này Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Hải Lâm đều được tung vào đá chính. Tuy nhiên, theo lời khai của các cầu thủ này, vì hướng đến kết quả thắng cách biệt 1 bàn nên khi vào sân các cầu thủ rất khó đá do nặng về tâm lý, đá dưới sức so với các trận khác. Sau khi Tài Em mở tỷ số, đội U.23 VN có thêm rất nhiều cơ hội nhưng không ghi bàn được. Để giữ khoảng cách 1 bàn này các cầu thủ đã phân phát bóng chậm lại và cố ý giữ bóng bên phần sân của mình.

Tỷ số 1-0 đủ để VN vào bán kết và đủ để các cầu thủ nhận tiền như đã bàn bạc, đồng thời giúp Quốc Vượng thắng độ 250 triệu đồng. Sau trận đấu 1 - 2 ngày, Vượng có nhờ bạn gái là Phạm Thị Cẩm Lai (tiếp viên hàng không) đến gặp Trương Tấn Hải để lấy tiền, bao gồm 25.000 USD và 90 triệu đồng. Trong số này, Kỳ trả công 240 triệu đồng cho 8 cầu thủ (thực ra chỉ có 7) tham gia dàn xếp tỷ số, số còn lại là tiền Vượng thắng độ.

Khi về đến TP.HCM, ngày 5/12, Vượng đã trả công cho Văn Quyến, Bật Hiếu, Quốc Anh mỗi người 20 triệu đồng; gửi Quốc Anh cầm hộ Phước Vĩnh 20 triệu đồng và bỏ túi riêng cho mình gần 410 triệu đồng...

Quỳnh Cao

Bạn có thể quan tâm