Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, vị vua trị vì lâu nhất thế giới, đã qua đời ngày 13/10 ở tuổi 88. Trong gần 70 năm trị vì của mình, ông đã chứng kiến 26 đời thủ tướng, 19 bản hiến pháp và gần 20 cuộc đảo chính.
Suốt 7 thập kỷ đầy sóng gió của Thái Lan, đến nỗi các chuyên gia gọi đây là "thời đại đảo chính", địa vị và sức ảnh hưởng của quốc vương Bhumibol có lẽ là điều duy nhất bất di bất dịch. Theo tờ Economist, sau khi ông qua đời, người ta hẳn phải đợi thời gian dài nữa mới được chứng kiến một ảnh hưởng lớn đến vậy.
Quốc vương Bhumibol thường được miêu tả là người không can thiệp trực tiếp vào các biến động trên chính trường Thái Lan, nhưng những động thái của ông thường mang tính quyết định cục diện. Ảnh: Reuters. |
Nhà vua ở đâu, chính danh ở đó
Thái Lan trở thành nước quân chủ lập hiến từ năm 1932. Trên lý thuyết, quốc vương Thái Lan là nguyên thủ quốc gia và đứng ngoài chính trị, chỉ có quyền phủ quyết các dự luật của quốc hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vai trò của nhà vua chính xác là "đứng trên" cả chính phủ, quân đội và các đảng phái. Trong những thời điểm khủng hoảng, sự can thiệp của nhà vua có thể xoay chuyển hoàn toàn cục diện.
Quyết định của quốc vương được người dân xem là vô vị lợi, như người cha luôn biết điều gì là đúng nhất cho đứa con của mình (ở đây là nhân dân Thái). Sự đồng ý của quốc vương có thể đem lại tính chính danh cho một cuộc đảo chính và tránh xung đột giữa các lực lượng trên chính trường.
Tháng 7/1973, khi biểu tình của sinh viên đòi soạn thảo một hiến pháp mới cho Thái Lan dâng cao, chính quyền quân sự điều cảnh sát chống bạo động phun hơi cay và nổ súng vào người biểu tình khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương.
Quốc vương Thái Lan đã lên án các hành động đó. Mất đi sự ủng hộ của Nhà vua, nhà độc tài quân sự Thanom Kittikachorn phải trốn ra nước ngoài sống lưu vong.
Ngược lại, quyền lực của một thủ tướng chính quyền quân sự chỉ được củng cố và mang tính chính danh sau khi quốc vương lên tiếng ủng hộ. Trong cuộc đảo chính tháng 5/2014 lật đổ chính phủ bà Yingluck Shinawatra, tướng Prayuth Chan-ocha đã được bầu làm thủ tướng sau khi được quốc vương chấp thuận.
Tướng Chan-ocha từ lãnh đạo cuộc đảo chính để ngồi vững trên cương vị thủ tướng phải cần đến sự chấp thuận của quốc vương. Ảnh: Reuters |
Quốc vương và các cuộc đảo chính
Về mặt nguyên tắc, quốc vương được xem là người trung lập, nhưng có một số trường hợp đảo chính hoặc diễn biến chính trị có thể diễn ra là nhờ có được cái gật đầu phía sau của quốc vương.
Trong cuốn sách A book, the king and the 2006 coup (tạm dịch: Một quyển sách, Nhà vua và cuộc đảo chính năm 2006), tác giả Kevin Hewison miêu tả việc nhà vua "đặc biệt không thích Thủ tướng Thaksin Shinawatra" khi công khai chỉ trích thủ tướng và đảng của ông. Sự không hài lòng của nhà vua khiến cho cuộc đảo chính tháng 9/2006 lật đổ ông Thaksin chỉ là vấn đề thời gian.
Nhà vua Thái Lan rất ít khi xuất hiện cùng quân đội hay các chính trị gia, những người được xem là đức hạnh lẫn quyền lực đều không thể sánh được với ông.
Trong một lần xuất hiện hiếm hoi năm 1992, giữa đỉnh điểm căng thẳng của chính phủ quân sự và người biểu tình, quốc vương Thái Lan ngồi trên chiếc ghế cao trong khi thủ tướng chính quyền quân sự Suchinda Kraprayoon và thủ lĩnh biểu tình Chamlong Srimuang quỳ ở dưới. Trong khung cảnh đó, cả thủ tướng lẫn thủ lĩnh đối lập được miêu tả như "những cậu học trò vừa nghịch dại bị bắt phạt".
Nhà vua đã quở trách cả hai bên không nghĩ đến lợi ích dân tộc. Sau cuộc gặp được phát sóng trên truyền hình, thủ tướng từ chức và Thái Lan chấm dứt được bạo lực.
Quốc vương Thái Lan ngồi trên chiếc ghế cao, dạy bảo thủ tướng chính quyền quân sự Suchinda Kraprayoon và thủ lĩnh biểu tình Chamlong Srimuang. Ảnh: AFP |
Quân vương và người dân Thái
"Nhà vua đã thể hiện mình như một vị quân vương của nhân dân", The Alantic dẫn nhận định của Paul Handley, một nhà báo đã làm việc tại Thái Lan 13 năm và từng viết sách về quốc vương. Ông nỗ lực để trở thành một người bạn của dân nghèo, đóng góp vào quá trình phát triển nông thôn, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Quyền lực của quốc vương nằm ở sự tôn kính và yêu mến mà người dân dành cho ông. Qua 7 thập kỷ sóng gió với hàng chục lần thay đổi chính quyền của Thái Lan, quốc vương luôn được xem là biểu tượng của đoàn kết dân tộc, trong rất nhiều thời điểm căng thẳng, quốc vương đã sử dụng quyền lực đặc biệt của mình để hòa giải các cuộc đối đầu.
Tuy nhiên, một số người cũng chỉ trích chính vị trí đặc biệt này đã trở thành rào cản cho quá trình dân chủ hóa của Thái Lan.
Nghiêm trị những xúc phạm với hoàng gia
Đạo luật lèse-majesté - hay còn gọi là luật chống xúc phạm hoàng gia - đã dập tắt những cuộc thảo luận về vai trò của quốc vương đối với chính trường nước này. Người Thái ở trong nước hầu như không bao giờ nghe những lời chỉ trích đối với quốc vương họ, cả chuyện xúc phạm con chó cưng của quốc vương cũng có nguy cơ bị bắt giữ.
"Một đất nước nếu cứ theo đuổi câu chuyện cổ tích - rằng quốc vương của họ không bao giờ sai, đứng trên chính trị và bên lề dân chủ - thì chẳng tốt chút nào", Tờ Economist nhận định.
Bản thân Quốc vương Bhumibol từng nói năm 2005 rằng: "Nếu một quốc vương không thể bị chỉ trích, ông ta không còn là con người nữa". Tờ Economist nhận định đạo luật sẽ gây ra bất mãn dưới triều đại của một nhà vua ít được yêu mến hơn quốc vương vừa mất. Sức ảnh hưởng của Thái tử Maha Vajiralongkorn không thể nào sánh được với Quốc vương Bhumibol.
Bất chấp những nghi ngờ và tranh cãi, di sản để lại và quyền lực của Quốc vương Bhumibol là không thể chối cãi. Chỉ cần nhìn biển người Thái khóc òa khi hay tin quốc vương băng hà, có thể biết rằng rất lâu nữa ở Thái Lan mới có một vị vua với quyền lực độc tôn và kéo dài đến như Quốc vương Bhumibol.