Tập cuối cùng của Về nhà đi con vừa khép lại vào tối 12/8. Trải qua 85 tập phát sóng, Về nhà đi con trở thành bộ phim quốc dân của màn ảnh Việt năm 2019. Sở hữu một kịch bản chắc tay, các tuyến nhân vật được xây dựng đầy đặn và dàn diễn viên giỏi nghề, bộ phim của đạo diễn Danh Dũng đã tạo nên làn sóng yêu thích với khán giả cả hai miền.
Sự thành công của bộ phim còn giúp tên tuổi các diễn viên trẻ tỏa sáng, trong đó có Quốc Trường. Diễn viên quê Cần Thơ hiện được các đạo diễn, nhãn hàng cả nước săn đón. Anh đã có những chia sẻ chân thành với Zing.vn về bộ phim, thời gian làm phim đáng nhớ.
Tôi mất sự tự do, riêng tư sau khi phim phát sóng
Đóng hơn 40 bộ phim trong 10 năm qua nhưng tôi vẫn chỉ là diễn viên bình thường, đi sự kiện nhiều người không biết tên. Nhờ vai Vũ, phim Về nhà đi con, tôi được khán giả khắp cả nước biết đến.
Cuộc sống của Quốc Trường thay đổi nhiều sau Về nhà đi con. |
Không chỉ có số lượng người theo dõi trang cá nhân tăng đột biến, tôi cũng nhận được nhiều lời mời quảng cáo, dự án phim ảnh. Ở đây, tôi không muốn nhắc đến tiền bạc mà quan trọng nhất là tình cảm khán giả dành cho mình. Có thể nói bộ phim là cột mốc đáng nhớ của cuộc đời tôi bên cạnh giải nhất Ngôi sao ngày mai vào năm 2009 và mở nhà hàng.
Trong hơn 4 tháng phim phát sóng, cuộc sống tôi sôi động như ngày hội bởi lúc nào cũng tương tác với khán giả, báo chí. Nghe, đọc bình luận của khán giả về vai diễn, tình tiết trong phim đã trở thành thói quen của tôi. Bây giờ, phim kết thúc, tôi cảm thấy buồn, hụt hẫng. Phim khép lại, đôi khi tôi tự hỏi không biết những ngày tới của mình sẽ thế nào.
Thời gian qua, tôi sống trong sự bận rộn và vui sướng. Tôi được mọi người yêu thương, ủng hộ. Nhưng cũng vì tình cảm đó, tôi không còn sự tự do, thoải mái như trước. Bây giờ, tôi không ra đường ăn uống mà chủ yếu hẹn hò mọi người ở nhà hoặc những chỗ kín đáo. Có lần, ăn một tô bún nhưng tôi đành bỏ dở vì khán giả xin chụp hình quá nhiều.
Dịp quay quảng cáo tại một khu nghỉ dưỡng ở Hà Nội, tôi đã tìm một chỗ vắng vẻ, để có không gian riêng nghỉ ngơi sau một cảnh quay. Tuy nhiên, một khán giả vô tình phát hiện đã kéo cả đoàn tới chụp ảnh, trò chuyện. Mọi người hỏi tôi như phỏng vấn vậy. Họ kéo ghế và ngồi xung quanh tôi như người thân gia đình. Do đó, tôi không còn thời gian để nghỉ ngơi nữa.
Tôi nghĩ khi mình nổi tiếng hơn, bản thân phải chấp nhận cả những mặt trái. Sự yêu thương của khán giả đôi khi làm mình mệt nhưng tôi trân trọng và biết ơn tình cảm đó.
Diễn ăn ý nhất với Bảo Thanh
Nhắc về đoàn phim, tôi luôn nhớ những ngày tháng cả ê-kíp làm việc chuyên tâm, không biết mệt mỏi. Đối với tôi, dàn diễn viên của Về nhà đi con ai cũng giỏi, đáng cho mình học hỏi.
Quốc Trường cho biết diễn ăn ý nhất với Bảo Thanh. |
Riêng Bảo Thanh là người hợp với tôi nhất. Trước khi đóng chung, chúng tôi kẻ Nam người Bắc, chưa từng trò chuyện. Ấy vậy, ngay lần đầu tiên ở phim trường, chúng tôi đã phối hợp rất ăn ý. Cô ấy là diễn viên giỏi, biết đẩy cảm xúc cho bạn diễn. Vai Vũ của tôi được ủng hộ như thế, một phần cũng nhờ Bảo Thanh.
Trong 85 tập phim, cảnh khiến tôi mệt nhất không hẳn là phân cảnh tâm lý mà là đoạn đóng cảnh hôn với Quỳnh Nga. Mỗi lần quay cảnh hôn, son bám đầy vào mặt, cổ tôi. Để hoàn thành cảnh đó, tôi phải đi tẩy trang, rửa mặt tới 5-7 lần.
Quay lại nhiều đồng nghĩa với việc phải tẩy trang, rửa mặt nhiều nên tôi bị mệt và sợ. Đây là phim tôi phải hôn nhiều nhất trong 10 năm làm nghề. Sau này, chắc cũng không có vai nào hôn nhiều như Vũ đâu.
Để có được vai Vũ ấn tượng, trong thời gian quay phim, tôi đã tập trung tâm sức lực cho vai diễn. Tôi nghĩ diễn viên muốn đóng tốt không có cách nào khác ngoài sự tập trung. Khi tập trung, mình mới dành 100% khả năng diễn xuất cho vai diễn. Nếu chạy show, có thể kiếm được tiền nhiều hơn nhưng sẽ khó có được vai diễn tốt.
Nam diễn viên hiện chưa nhận phim mới vì chưa có kịch bản nào thuyết phục được anh. |
Sau khi quay Về nhà đi con, tôi nghiệm ra giọng nói của diễn viên vô cùng quan trọng. Nhiều người quan điểm chỉ cần diễn tốt, giọng nói có thể cứu được nhờ lồng tiếng. Tuy nhiên, tôi thấy thu tiếng trực tiếp đem lại hiệu quả tốt hơn. Không ai hỗ trợ được cảm xúc cho nhân vật bằng mình được. Niềm vui hay nỗi buồn của nhân vật không chỉ thể hiện bằng ánh mắt, gương mặt mà cả tiếng nói (đài từ) thì sẽ chạm được đến trái tim khán giả.
Thời gian qua, tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng chưa dám nhận. Đọc một số kịch bản mà chưa có cái nào cảm xúc đầy đặn như Vũ. Mà chưa có cảm xúc thì tôi chưa dám nhận.