Theo Korea Times, Quốc hội Triều Tiên hôm 29/8 đã sửa đổi, bổ sung một số điểm trong hiến pháp, chính thức giúp nhà lãnh đạo Kim Jong Un trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên kể từ thời cố chủ tịch Kim Nhật Thành và trao cho nhà lãnh đạo thêm nhiều quyền lực hơn.
Quốc hội Triều Tiên đã bầu ông Kim Jong Un vào vị trí chủ tịch Ủy ban Nhà nước, cơ quan quyền lực cao nhất tại nước này. Trên cương vị này, ông Kim Jong Un có quyền ban hành các sắc lệnh của quốc hội Triều Tiên, các quyết định lớn của Ủy ban Nhà nước Triều Tiên, bổ nhiệm hoặc triệu hồi các phái đoàn đại diện ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài.
Phiên họp của Quốc hội Triều Tiên hôm 29/8. Ảnh: KCNA. |
Ngoài ra, vị trí chủ tịch Ủy ban Nhà nước cũng sẽ không còn tự động được bầu làm phó chủ tịch Quốc hội, vì trên thực tế, Ủy ban Nhà nước là cơ quan có quyền lực lớn hơn so với Quốc hội trong hệ thống chính trị Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định quyền lực của ông Kim Jong Un đã được mở rộng hơn, bởi nay ông đứng đầu cả hai nhánh hành pháp và lập pháp tại Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Kim Jong Un cũng có quyền bổ nhiệm các đại sứ Triều Tiên ở nước ngoài, thẩm quyền trước đây thuộc về chủ tịch Quốc hội Triều Tiên.
Theo nguồn tin của Korea Times, ông Kim Jong Un đã không tham dự cuộc họp của Quốc hội Triều Tiên hôm 29/8. Ông Kim chỉ tham dự các cuộc họp của Quốc hội khi cơ quan này công bố thay đổi lớn trong các đạo luật hay chính sách.
Dù không gửi đi thông điệp trực tiếp nào tới Washington trước thềm các cuộc gặp cấp làm việc về vấn đề phi hạt nhân hóa, cuộc họp của Quốc hội Triều Tiên cho thấy nước này sẽ "cương quyết" tìm hướng đi riêng, tiếp tục củng cố quyền lực của đảng Lao động Triều Tiên và sẽ không nhượng bộ Mỹ.