Sáng 24/6, với 459/464 Đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trước khi Quốc hội thông qua luật, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, vấn đề đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án và xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội.
Phương án 1 là giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện; Phương án 2 là đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.
Kết quả có 194/487 Đại biểu Quốc hội tán thành phương án 1 (tỷ lệ 39,84%); 170/487 Đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2 (tỷ lệ 34,91%).
"Không có phương án nào đạt quá một nửa tổng số Đại biểu Quốc hội tán thành. Sau khi xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, TAND Tối cao và Thường trực Ủy ban Tư pháp thống nhất đề nghị tiếp thu ý kiến đa số Đại biểu Quốc hội, tiếp tục giữ nguyên quy định TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện như luật hiện hành", bà Lê Thị Nga cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu. Ảnh: Quốc hội |
Về nội dung tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, phiên họp và hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.
Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, nhất là thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,… Các thông tin, chứng cứ này cần được hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.
Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý: "Cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định".
Việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định.
Đồng thời, trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết.
Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án, bà Lê Thị Nga cho biết, Nghị quyết số 27 yêu cầu: “Nghiên cứu làm rõ... những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.
Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật. Ảnh: Quốc hội |
Thể chế hóa Nghị quyết số 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta, dự thảo Luật quy định 7 khoản. Tòa án thực hiện nhiệm vụ nào thì quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Theo đó, tòa án hướng dẫn; tòa án yêu cầu; tòa án hỗ trợ; tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ; tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Trong đó, thông qua việc tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ thì tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Đồng thời, thông qua việc tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp thì tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.
Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp các bên (trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và vụ việc khác theo quy định của pháp luật) đã thực hiện các biện pháp cần thiết, nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và có đề nghị thì tòa án hỗ trợ thu thập.
Vì vậy, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh, quy định như dự thảo Luật là phù hợp và đã thể hiện được ý kiến Đại biểu Quốc hội.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.