Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp cuối

Kỳ họp Quốc hội thứ 11 diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới sẽ bầu, phê chuẩn chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước. Các lãnh đạo cấp cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Tại phiên họp 53 diễn ra sáng 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 24/3 và bế mạc ngày 7/4, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc hội cũng chuẩn bị phương án dự phòng trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến xấu.

Theo dự kiến, chương trình nghị sự tập trung vào công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng. Trong số 11 ngày làm việc trực tiếp, Quốc hội sẽ dành 6,5 ngày cho công tác nhân sự.

kien toan chuc danh lanh dao Nha nuoc anh 1

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp 11 dự kiến khai mạc ngày 24/3 và bế mạc ngày 7/4. Ảnh: quochoi.vn.

Trước đề xuất bổ sung một số dự án luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên để lại cho Quốc hội khóa sau tiếp tục xem xét, để trong kỳ họp cuối cùng, Quốc hội tập trung kiện toàn bộ máy Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Chủ tịch Quốc hội đã giao chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác chuyển giao nhiệm vụ, kiện toàn các chức danh của bộ máy Nhà nước sau Đại hội Đảng toàn quốc”.

Bà nhấn mạnh công tác chuẩn bị cho việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo phải rất cẩn thận, từ in phiếu phải bảo đảm chính xác, an toàn đến việc kê khai tài sản của người được giới thiệu ứng cử.

Các cơ quan như Ban Công tác đại biểu, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phải cùng phối hợp phục vụ tốt cho công tác nhân sự tại kỳ họp này.

Về phía Quốc hội, bà cho biết các lãnh đạo Quốc hội (bao gồm Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội) sẽ nghỉ theo quy định. Vì vậy, phải kiện toàn trước các chức danh lãnh đạo, sau đó kiện toàn đến các vị trí khác, nhằm đảm bảo tính liên tục, kế thừa trong hoạt động của Quốc hội.

kien toan chuc danh lanh dao Nha nuoc anh 2

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các lãnh đạo không vào Trung ương khóa này thì phải kiện toàn, có người thay. Riêng hai vị trí là Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt, 2 nhân sự được chuẩn bị để dự kiến thay thế chưa là đại biểu Quốc hội.

Do đó, phải đợi đến Quốc hội nhiệm kỳ mới, khi các nhân sự này trúng cử làm đại biểu Quốc hội khóa XV thì mới thực hiện việc bầu được.

Nhấn mạnh nội dung sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước trong kỳ họp Quốc hội cuối cùng của khóa XIV sắp diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết những chức danh cụ thể được kiện toàn sẽ được Đảng đoàn Quốc hội họp, bàn cụ thể để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.

“Bộ máy Nhà nước hoạt động liên tục, những lãnh đạo được bầu rồi thì tuyên thệ và điều hành ngay. Với những người được miễn nhiệm, không giữ chức danh nữa nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội thì phải nghiêm túc làm nhiệm vụ của đại biểu cho đến ngày cuối cùng theo quy định”, bà Ngân nhấn mạnh.

Theo tiền lệ đã thực hiện tại kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIII 5 năm trước, Quốc hội thực hiện việc kiện toàn sớm các chức danh trong bộ máy Nhà nước do Quốc hội bầu và phê chuẩn, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc.

Theo đó, trong kỳ họp cuối cùng của khóa XIII, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao và tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức với những chức danh này.

Quốc hội khi đó cũng bầu các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm với các thành viên Chính phủ do Thủ tướng trình vào thời điểm đó (bao gồm các phó thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

12-14 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng tham gia Quốc hội khóa mới

Theo dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, có 95 đại biểu là ủy viên Trung ương, trong đó có 12-14 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm