Ngày 8/12 là hạn chót để Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật chi tiêu mới nhằm tránh cho chính phủ phải ngừng hoạt động. Ngày 7/12, Hạ viện và Thượng viện đã kịp thời thông qua một dự luật gia hạn ngân sách liên bang để duy trì hoạt động của chính phủ đến ngày 22/12.
Theo Reuters, sau khi được thông qua tại Hạ viện với số phiếu 235-193, dự luật này nhanh chóng được chuyển tới Thượng viện và được thông qua với số phiếu 81-14. Tổng thống Donald Trump sẽ ký để phê chuẩn thành luật.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP. |
Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận về một thỏa thuận tiếp theo nhằm đảm bảo ngân sách hoạt động cho chính phủ Mỹ đến tháng 1 năm sau, trước khi đạt được một thỏa thuận cho cả năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2018.
Mặc dù đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, việc giành được 52 phiếu của toàn bộ thượng nghị sĩ Cộng hòa không phải dễ dàng. Phe Cộng hòa đã liên tục thất bại trong việc bãi bỏ luật Obamacare dù coi đây là ưu tiên. Sự ủng hộ của phe Dân chủ vì vậy được coi là cần thiết trong trường hợp này.
Vấn đề người nhập cư đang là khác biệt lớn nhất giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Phe Dân chủ yêu cầu hỗ trợ cho những người nhập cư vị thành niên bất hợp pháp, được gọi là "Dreamers", đối tượng được bảo vệ theo Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ (DACA). Đây là điều kiện để họ ủng hộ thông qua đạo luật về ngân sách.
Trong tình trạng chính phủ đóng cửa một phần, các dịch vụ công quan trọng vẫn được duy trì, nhưng hàng loạt chương trình sẽ bị gián đoạn, từ hoạt động của các công viên quốc gia, tới các chương trình giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Hồi tháng 10/2013, chính phủ Mỹ từng phải đóng cửa trong 17 ngày, với hoạt động của hàng loạt cơ quan liên bang bị gián đoạn. Nguyên nhân là do đảng Cộng hòa và Dân chủ bất đồng sâu sắc về đạo luật y tế Obamacare dẫn đến không thể thông qua đạo luật chi tiêu.
Cuối năm là thời điểm Quốc hội Mỹ thường căng thẳng vì vấn đề thông qua đạo luật ngân sách. Năm nay, lẽ ra hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải đạt thỏa thuận từ 9 tuần trước, nhưng cuộc tranh cãi đến nay vẫn tiếp diễn.