Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội dành 12 ngày bàn công tác nhân sự

Dự kiến có hơn 20 ngày làm việc song công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước chiếm quá nửa thời lượng kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.

Sáng 9/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII.

Kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 21/3, bế mạc vào 16/4. Trong 22,5 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành tới 12 ngày cho công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước (diễn ra vào cuối của kỳ họp).

Sau Đại hội Đảng XII, nhiều vị trí lãnh đạo không tái cử Ban chấp hành Trung ương, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, 14 bộ trưởng đương nhiệm...

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo được phân công nhận nhiệm vụ mới như Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng được bầu vào Bộ Chính trị và lần lượt được phân công đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, TP HCM.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thời gian bố trí trong chương trình kỳ họp chưa được chốt. Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, Tổng thư ký sẽ báo cáo nội dung chi tiết. 

Nội dung này từng được dự kiến diễn ra chỉ trong 3 ngày nhưng sau khi xem lại quy trình về miễn nhiệm, bầu các chức danh lãnh đạo và tiếp thu nhiều ý kiến, Văn phòng Quốc hội đã điều chỉnh tăng thời lượng để đáp ứng các thủ tục theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay kỳ họp này được bổ sung 2 nội dung gồm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam - Hoa Kỳ; Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Duơng (TPP) cùng các vấn đề có liên quan.

Các nội dung Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ được rút khỏi nghị trình của kỳ họp lần này, chuẩn bị và trình Quốc hội khóa XIV quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). 

Uy ban Thuong vu Quoc hoi,  Thuong vu Quoc hoi,  kien toan nhan su anh 1
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, việc kiện toàn công tác nhân sự lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội cuối khóa kéo dài hơn 10 ngày. Ảnh: Quochoi.

Tại kỳ họp 11, sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân...

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, TAND tối cao, VKSND tối cao. Các phiên này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi và giám sát.

Quốc hội kỳ này sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).



Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm