Theo Al Jazeera, quốc hội Anh vào ngày 29/1 đã bỏ phiếu không chấp nhận việc nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào, yêu cầu Thủ tướng Theresa May quay lại Brussels để thảo luận các sửa đổi về vấn đề "chốt chặn cuối" (backstop) ở khu bực biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland.
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, chính xác là 6 phút sau đó, các lãnh đạo EU tái khẳng định lập trường không viết lại thỏa thuận đã đàm phán trước đó. Thỏa thuận này đã bị quốc hội Anh bác bỏ với số phiếu chống áp đảo hồi đầu tháng 1.
"Thỏa thuận rời đi sẽ không được đàm phán lại", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu vào ngày 30/1. "Ngày hôm qua chúng tôi đã biết điều nước Anh không muốn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết điều họ muốn là gì".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Trưởng đàm phán Brexit của EU Michel Barnier trong cuộc họp nghị viện châu Âu mới đây. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức khác của EU, bao gồm trưởng đại diện đàm phán Brexit Michel Barnier, nhấn mạnh rằng 27 nước thành viên còn lại đều đoàn kết và quyết tâm không nhượng bộ về vấn đề "chốt chặn cuối", điều khoản mà họ cho rằng sẽ mang tính quyết định để giữ hòa bình và ổn định ở khu vực ranh giới giữa EU và Vương quốc Anh hậu Brexit.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker cũng có bài phát biểu trước nghị viện châu Âu, khẳng định rằng thỏa thuận Brexit sẽ không được đàm phán lại. Ông Juncker cũng cảnh báo rằng, nước Anh đang "làm gia tăng nguy cơ rời đi một cách thiếu trật tự", và khả năng Bắc Ireland sẽ "trượt về một quá khứ đen tối".
Dân biểu nghị viện EU đến từ Bỉ, ông Philippe Lamberts, một trong những thành viên trong nhóm đàm phán Brexit, nhận xét: "Nói rằng bạn phản đối chốt chặn cuối cũng giống như nói rằng bạn phản đối thời tiết vậy. Bạn có thể không thích nó, nhưng bạn không thể thay đổi được nó đâu".
Trang bìa tờ Independent cho thấy EU từ chối đề nghị của phía Anh chỉ sau 6 phút. Ảnh: Independent. |
Điều khoản "chốt chặn cuối" là một chính sách bảo hiểm nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng được đặt ra chia cách CH Ireland và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán 1 thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.
Lần gần nhất đường biên giới cứng được dựng lên ở khu vực này đã dẫn tới một trong những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến 2, hòa bình mới chỉ được lập lại cách đây 20 năm.
Theo các điều khoản của thỏa thuận này, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở trong một liên minh thuế quan với EU, trong khi Bắc Ireland sẽ phải tuân thủ một số quy tắc của thị trường chung châu Âu, dẫn đến một sự phân biệt giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh.
Một số nhà lập pháp Anh kịch liệt phản đối điều này, cho rằng nó đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh mãi mãi "mắc kẹt" trong một liên minh thuế quan với EU.