"Nam Phi là quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, đứng đầu trong số 164 quốc gia", AFP dẫn báo cáo có tên "Bất bình đẳng ở Nam Phi" của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.
Gần 30 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc, "chủng tộc vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng cao ở Nam Phi", theo báo cáo.
Cũng theo đó, "tác động của chủng tộc vào việc bất bình đẳng thu nhập lên tới 41%, trong khi tác động của nó vào giáo dục là 30%", gây ra tình trạng chênh lệch thu nhập tại quốc gia này.
"Di sản của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tiếp tục gia tăng và củng cố sự bất bình đẳng", theo Ngân hàng Thế giới.
Nam Phi được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là quốc gia bất bình đẳng nhất trong số 164 quốc gia trên thế giới. Ảnh: AFP. |
Không chỉ Nam Phi, các nước láng giềng tạo nên phần còn lại của Liên minh thuế quan Nam Phi - Botswana, Eswatini, Lesotho và Namibia - đều xếp thứ hạng cao trong danh sách các quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra giới tính đóng một vai trò quan trọng gây ra sự bất bình đẳng tại Nam Phi.
Trong cùng khu vực, phụ nữ có thu nhập trung bình thấp hơn 30% so với nam giới có cùng trình độ học vấn. Tại Namibia và Nam Phi, khoảng cách lương giữa nam và nữ lên tới 38%.
Việc phân bổ đất nông nghiệp không đồng đều cũng là một nhân tố dẫn đến bất bình đẳng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Ngân hàng Thế giới cho hay tại Namibia, 70% trong số 39,7 triệu ha đất nông nghiệp thương mại "vẫn thuộc về người Namibia gốc châu Âu".
Báo cáo này được thực hiện trước đại dịch Covid-19. Các tác giả nghiên cứu sử dụng chỉ số Gini để xếp hạng các quốc gia. Theo đó, chỉ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một nước.