Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Thủ Đức kiểm tra 7 công trình không phép liên quan đến ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, và người thân.
Cụm 7 công trình này được xây dựng từ năm 2012, nhiều nhà xưởng đã có quyết định cưỡng chế nhưng chưa thực hiện khiến dư luận bức xúc. Điều ngạc nhiên là trong danh sách 163 công trình xây dựng sai phép ở phường Hiệp Bình Chánh do Thanh tra quận Thủ Đức liệt kê, những công trình này không hề xuất hiện.
Lọt 5 công trình của người nhà Phó chủ tịch HĐND quận
Tháng 2/2019, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức ký quyết định thanh tra công tác thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm ở phường Hiệp Bình Chánh. Đoàn thanh tra gồm 16 thành viên do bà Phạm Thị Phương Mai, Phó chánh thanh tra quận làm trưởng đoàn, thời kỳ thanh tra từ tháng 1/2016 đến tháng 2/2019.
Nhà xưởng không phép của người nhà Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây dựng trên đất dự trữ ga Bình Triệu. Ảnh: Sỹ Đông. |
Đồng thời, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức giao ông Lê Ngọc Quí, Chánh thanh tra quận giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Điều đáng nói là ông Quí đã để vợ xây nhà không phép cạnh căn biệt thự của gia đình trên đường Kha Vạn Cân. Căn nhà này bị lập biên bản vi phạm hành chính năm 2017, tức nằm trong thời kỳ thanh tra.
Ngoài ra, ông Quí là em ruột ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận, người liên quan đến 7 công trình không phép ở hẻm 419/14 đường số 48. Do đó, một số cán bộ phường Hiệp Bình Chánh cho rằng Chánh thanh tra để người thân xây nhà không phép mà lại giám sát hoạt động của đoàn thanh tra thì kết quả sẽ không khách quan.
Điều này phần nào được thể hiện trong bản kết luận thanh tra dài 72 trang cùng 18 phụ lục đính kèm do Chủ tịch UBND quận Thủ Đức ban hành ngày 3/6. Từ những hồ sơ mà phường cung cấp, đoàn thanh tra thống kê có 163 công trình không phép xây dựng trong thời kỳ 2016-2018. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng phát hiện thêm hàng chục công trình không phép khác ở các khu phố 5, 6, 7, 8 xây dựng trong thời gian này.
Điều bất thường là danh sách 163 công trình không phép trong kết luận thanh tra lại vắng bóng 5 nhà xưởng xây lụi của Phó chủ tịch HĐND quận trong hẻm 419/14 đường số 48.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn vì sao 5 công trình không phép của lãnh đạo quận lại "vắng bóng" trong kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh cho biết sẽ rà soát lại và thông tin cho báo chí. Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc ngày 22/10, quận đang tiến hành kiểm điểm nội bộ, báo cáo thành phố.
Nhà dân bị đập, nhà quan vẫn còn
Từ đầu hẻm 419/14 đường số 48 (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đi vào, người dân dễ dàng nhìn thấy một căn nhà chỉ còn trơ khung sắt, tường gạch vỡ nát. Đây là công trình không phép của người dân bị UBND phường Hiệp Bình Chánh yêu cầu tháo dỡ do vi phạm trật tự xây dựng.
Điều này hoàn toàn đối nghịch với những nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông nằm liền kề nhau của gia đình Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức được tồn tại từ nhiều năm qua.
Nhà không phép của người dân trong hẻm 419/14 đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh bị tháo dỡ. Ảnh: Sỹ Đông. |
Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức cho biết 7 công trình này nằm trên khu đất ở ông Lê Văn Lớn (cha ruột ông Thành) xây dựng trên đất dự trữ ga Bình Triệu.
Công trình không phép đầu tiên được ông Thành xây dựng vào năm 2012, hiện là xưởng giấy kết cấu cột sắt, kèo sắt vách tôn, mái tôn. Ba năm sau, một xưởng giấy khác mọc lên trên đất dự trữ ga Bình Triệu do ông Lê Ngọc Dương (em ruột ông Thành) xây dựng không phép. Hai công trình này đều bị lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không thực hiện.
Trong các năm 2016-2018, 5 công trình không phép khác được người nhà ông Lê Hữu Thành xây dựng, những người này gồm Lê Thị Ngọc Phụng, Lê Ngọc Dương, Lê Thị Tuyết, Lê Hùng Sơn và Lê Thị Kim Linh.
Tại buổi làm việc với quận Thủ Đức ngày 22/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định công trình vi phạm đã 7 năm mà chưa tháo dỡ là chưa nghiêm túc.
Ngoài sự thiếu gương mẫu của Phó chủ tịch HĐND quận, người đứng đầu thành phố còn cho rằng có sự nể nang, thông cảm cho nhau trong tập thể Ban Thường vụ quận Thủ Đức. Theo ông, sai phạm là phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cán bộ có chức vụ càng cao thì càng không được phép vi phạm pháp luật.
“Rõ ràng là đảng viên không gương mẫu. Trước đây là Chủ tịch UBMTTQ, giờ là Phó chủ tịch HĐND quận, đều là cơ quan giám sát nhưng mình sai thì đi giám sát ai”, Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi.
Về việc xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể, ông Nhân yêu cầu cán bộ vi phạm phải tự kiểm điểm, Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức phải kiểm điểm và có chính kiến, chậm nhất đến đầu tuần sau phải báo cáo thành phố.