12 nữ nhân viên công sở chia sẻ câu chuyện của chính mình về những lần đối diện với lời nói, cử chỉ, hành vi đủ để coi là quấy rối, gạ tình. Trong bối cảnh lằn ranh giữa quấy rối và “đùa vui” vẫn còn nhạt nhòa tại Việt Nam, vấn nạn này dường như đang rình rập bất kỳ ai.
P
hạm Anh Khoa xin rút lại phát biểu “ở showbiz, vỗ mông cũng là một cách chào hỏi” và xin lỗi đích danh những người đã đứng ra tố cáo hành vi quấy rối, gạ tình của anh.
Tuy nhiên, giới giải trí không phải là nơi duy nhất chứng kiến các hành vi quấy rối, gạ tình. Càng không phải là nơi duy nhất mà những lời nói, hành vi suồng sã bị hiểu lệch thành chỉ để “vui thôi mà”.
Zing.vn phỏng vấn 30 nữ nhân viên công sở để ghi lại 12 câu chuyện tiêu biểu nhất về những lần họ bị đẩy vào thế đối diện với lời nói, cử chỉ hành vi đủ để coi là quấy rối, gạ tình nếu chiếu theo định nghĩa của các tổ chức quốc tế. Tất cả đều đồng ý cung cấp tên tuổi và nghề nghiệp thật.
Có những người may mắn vượt qua những thời khắc đó bằng thái độ dứt khoát, rõ ràng, mạnh mẽ. Nhưng cũng có những người phải chịu sang chấn tâm lý cho tới tận hôm nay vì thiếu khả năng tự vệ, vì tiếng nói của mình không được lắng nghe, hay vì những nếp nghĩ ăn sâu chi phối hành vi của người quấy rối.
Công ty tôi làm về mảng giải trí, môi trường nhìn chung khá thoải mái. Những chủ đề “nhạy cảm” được đem ra bàn bạc thường xuyên, như chuyện anh này "ngủ" với ai, cô kia cặp với người nào, thậm chí cả chuyện đùa cợt về giới tính.
Rồi một ngày nọ, nhân có anh chàng người mẫu tự “show hàng” trên mạng xã hội, tôi đến công ty thì đã thấy một tấm hình chụp “cái đó” được để trên bàn. Tôi giật bắn người. Mọi người xung quanh cười phá lên. Rồi một đồng nghiệp thừa nhận do anh ta làm. Công ty thoải mái mà, tôi phản ứng thái quá sẽ rất kỳ cục. Đành cười cho qua.
Khi đã làm ở môi trường giải trí bạn phải xác định những câu chuyện nhạy cảm sẽ được nói bất kỳ nơi nào. Tôi không hào hứng lắm nên thường né tránh. Nhưng nếu tỏ ra khó chịu thì sẽ bị cô lập ngay.
Nhiều người khi nghe đến công việc “thư ký” là mặc định ai cũng xinh đẹp và dễ dàng, “thoải mái”. Tôi cũng phải tự xác định luôn phải thận trọng vì có những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát.
Sếp tôi khá tử tế. Tuy nhiên, trong một lần đi gặp một khách hàng quan trọng, người này có vẻ để ý tôi nên sếp cũng nói khéo để tôi biết ý cười nhiều, vui vẻ khi trò chuyện.
Trong bữa cơm trưa, đang ngồi ăn thì sếp nói những câu với ý: “Nếu muốn tìm hiểu cô Trang thì tôi sẽ tạo điều kiện”. Kèm theo những câu “Trang sexy nhất công ty tôi”, ‘Trang mặc bikini là đẹp nhất”. Họ nói rồi cười. Tôi cũng cười đáp lại.
Sau hôm đó, tôi có nói riêng với sếp là tôi có bạn trai rồi, nên mong anh ấy lần sau đừng chơi trò mai mối nữa.
Tôi là giáo viên Văn của một ngôi trường cấp 3 khá có tiếng ở Hà Nội. Nhìn vào môi trường làm việc này, phần lớn đều nghĩ tôi có đời sống công sở lành mạnh, nơi hầu hết là các trí thức, hiền lành, hiếu biết. Tôi cũng từng nghĩ như thế.
Trước khi vào giảng dạy, tôi được nghe đồng nghiệp kể về thầy trưởng bộ môn rất giỏi và nghiêm khắc. Vậy mà khoảng 1 năm gần đây, tôi luôn phải cảnh giác, chống lại các kiểu nửa đùa nửa thật, tranh thủ khoác vai, vuốt tóc, thậm chí vuốt mông của ông ta. Có 1 lần cuối buổi họp chuyên môn, khi các thầy cô khác ra hết khỏi phòng, ông ta tiến đến gần vuốt má, sờ đùi, và nói “Tối anh qua nhà nhé”.
Nhiều khi, trước đám đông, ông ta luôn nói với tôi những câu như “Cho anh xin thằng cu”, “Em nhìn ngon quá”, “Cho anh làm tí"...
Hiện tại, dù khá trẻ nhưng tôi phụ trách bộ môn Văn của 3 lớp chuyên. Các đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ tôi “đi đêm” với ông ta để đạt được vị trí này. Khi tôi nói lên vấn đề mình gặp phải với người đàn ông kia và khẳng định đang cố gắng bằng thực lực, nhiều cô giáo lớn tuổi cho rằng tôi tưởng tượng, làm quá.
“Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, họ nói như vậy, và coi chuyện ông ta sàm sỡ là thú vui thường tình, chẳng liên quan gì tới đạo đức. Có cô giáo còn nói: Cứ tiến tới, nếu thấy không ngon lành thì bỏ, chẳng chết gì.
Liên Hợp Quốc định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể.
Theo định nghĩa, nhiều hành động được liệt kê sau đây có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng: nhìn chằm chằm hoặc thể hiện cử chỉ mà người đó không muốn; gửi thư, tin nhắn, gọi điện tán tỉnh, quấy rối, đùa giỡn, đặt câu hỏi hoặc bình luận về tình dục khiến đối tượng khó chịu; gọi một người lớn là “gái”, “khoai to”, “em yêu”; huýt sáo trêu ghẹo; hay khi thảo luận công việc lại chuyển qua nói chủ đề tình dục.
Định nghĩa này nhấn mạnh yếu tố “không mong muốn" của hành động. Nạn nhân bị quấy rối tình dục bề ngoài vẫn có thể chấp nhận để hành vi đó diễn ra ở mức độ nào đó, nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và gây khó chịu.
Tôi đã lập gia đình, có con trai 2 tuổi. Tại nơi làm việc, các đồng nghiệp và sếp nam thường xuyên có những hành vi mời chào công khai như dùng ánh mắt nhìn thẳng vào đùi, ngực, mông các đồng nghiệp nữ độc thân. Tôi nghĩ vì mình đã có chồng, nên việc này sẽ không xảy ra với mình. Nhưng hóa ra không phải.
Khoảng 2 tháng gần đây, có 1 đồng nghiệp liên tục rủ tôi đi cà phê hoặc ăn uống. Anh ta luôn gửi những tin nhắn như “ra đây uống, anh đang đợi”, “hôm nay em rất sexy”, “hình xăm của em trông quyến rũ quá”, “em mặc chiếc váy này tôn chân rất đẹp”.
Tôi không dám nói với chồng mà chỉ lén lút xóa những tin nhắn này đi trong sự bực bội. Khi tôi tỏ thái độ, anh ta giải thích chính tôi đã tạo ra sự kích thích ấy khi mặc những bộ quần áo hở hang, thiếu vải, mặc dù sự thật là tôi luôn mặc quần áo đồng phục văn phòng, giống như tất cả những đồng nghiệp nữ khác.
Tôi bị trầm cảm từ 2 năm trước khi bị sếp cũ ở công ty quấy rối. Ông ta thường xuyên gửi link sex qua Messenger, sờ soạng tôi trong công ty, đòi quan hệ trong một lần văn phòng đi team building. Tôi chưa từng kể với ai, ngay cả với bác sĩ tâm lý của mình.
Sau thời gian đó, tôi nghỉ việc, thất nghiệp một thời gian dài. Từ niềm tự hào của cha mẹ, có thể tự lập và có một công việc lương cao, tôi trở nên lặng lẽ, ăn bám gia đình, và thường xuyên khóc.
Thời gian gần đây, tôi ổn định hơn và vừa trở thành biên tập của một nhà xuất bản. Cơn ác mộng lại quay lại. Mỗi lần đi gặp khách hàng, biên tập viên trưởng lại đòi đi cùng tôi, lợi dụng vỗ mông, véo má, rồi hỏi tôi vì sao xinh đẹp thế này mà vẫn cô đơn.
Sợ hãi, tôi xin làm cộng tác viên tại nhà, vậy là lâu lâu anh ta lại tới quấy rầy phòng trọ của tôi. Tôi không biết có cách nào để xử lý khôn khéo vì sợ rằng mình lại phải trải qua khủng hoảng. Tôi cũng sợ mình mất việc và khiến gia đình thất vọng thêm lần nữa.
Từ nhỏ, tôi đã thường xuyên bị chú ý vì vòng 1 lớn. Tôi biết vậy nên thường ăn mặc thật kín đáo, dù mùa hè cũng phải chịu nóng để mặc thêm 1 áo khoác mỏng.
Cách đây vài tháng, tôi đi làm ngày thứ 7 và chỉ có một mình ở văn phòng nên đã quyết định cởi áo khoác ra, nhưng không hề biết có một đồng nghiệp nam ở đó.
Sau hôm ấy, tôi luôn nhận được những ánh mắt nhìn thẳng vào ngực mình từ những người đàn ông cùng công ty. Mỗi lần tôi xuất hiện, dù đang nói chuyện gì, họ cũng ngừng lại, lướt ánh mắt khắp cơ thể tôi, rồi thì thầm bàn tán.
Rồi người đồng nghiệp kia lúc nào cũng cố tình tìm thời gian để ở riêng bên cạnh tôi. Khi chạm tay, khi áp chân, khi đặt tay vào hông. Mỗi lần như vậy, anh ta đều nói “Xin lỗi, tại em đẹp quá”. Anh ta đã có vợ và con.
Một lần, một chị đồng nghiệp còn nói "Sao ngực mày to thế? Ăn gì mà ngực to vậy?" ngay giữa đám đông. Lúc đó tôi cảm thấy mình thật thấp hèn, thật bẩn.
Mắt tôi khá sắc. Có những lúc chỉ nhìn người ta hoặc ngước lên bình thường cũng bị nói liếc trai, mắt lẳng lơ, lúng liếng. Vài đồng nghiệp nữ thì thầm: “Mắt này dễ cướp chồng người”. Họ nói vậy mà không biết đã bị nghe hết.
Tôi thấy mình cứ như 1 tội đồ đang đeo gông vậy. Lúc nào cũng bị kìm nén, đè ép mãi.
Trong các nghiên cứu gần đây của ActionAid tại Việt Nam thì có từ 67% (số liệu năm 2016) - 87% (số liệu năm 2014) phụ nữ và trẻ em gái đã ít nhất bị một lần quấy rối ở nơi công cộng. Quan trọng hơn là 2/3 những người chứng kiến (67%) sự việc không làm gì cả.
Theo bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phần lớn những người chứng kiến cho rằng chỉ khi có hiếp dâm thì mới là quấy rối hoặc là con gái/phụ nữ thì chắc chắn là phải vui vì có người “trêu”.
Bà Thảo nhận định với Zing.vn: “Các quan điểm sai lệch về việc ‘làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu’ hay quan điểm về việc ‘sức mạnh của đàn ông đích thực được thể hiện qua khả năng tình dục của người đó’ còn rất phổ biến trong nhiều gia đình, nhiều tầng lớp trong xã hội làm cho khái niệm ‘quấy rối tình dục’ trở nên khá xa vời.”
Bà Thảo đúc kết: “Những hành vi quấy rối tình dục không bị xã hội lên án, không có hình phạt thích đáng cho kẻ quấy rối, người lên tiếng bị kỳ thị, gia đình họ bị áp lực của xã hội là những nguyên nhân chính làm cho tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ngày càng trở nên ‘bình thường’ trong xã hội chúng ta”.
Tôi có cơ thể khá nhỏ nhắn, thường xuyên mặc quần áo rộng rãi vì đặc thù công việc làm trong ngành kiến trúc. Mọi người nghĩ phái nữ ở trong ngành này bình đẳng với đàn ông, nhưng không, tôi vẫn bị quấy rối tình dục.
Tôi đã 2 lần bị một đồng nghiệp khóa cửa trong phòng riêng để sờ đùi, sờ ngực, và 1 lần áp sát vào tường cưỡng hôn. Tôi không phải là người hiền lành, cam chịu, nên đã báo cáo việc này với cấp trên, cũng như nói với bạn bè của mình.
Thời gian trôi qua, người này vẫn ở đó, không bị ảnh hưởng gì, còn tôi thì luôn sống trong lo sợ. Thế nhưng điều tức tối nhất là khi tôi nói việc mình bị quấy rối, có người còn hỏi lại: “Mày có chi mà sờ?”.
Hóa ra việc cơ thể không nảy nở đồng nghĩa với không đáng được quấy rối tình dục? Ngực nhỏ thì không có quyền bảo vệ thân thể? Độ lớn vòng 1 ảnh hưởng tới quyền bất khả xâm phạm? Vậy có nghĩa là một người có vòng 1 lớn thì đáng bị quấy rối, và phải bị nghe những câu “ngực lớn bị vậy là đúng rồi?”
Tôi hiện là giám đốc bộ phận buồng phòng của 1 chuỗi khách sạn. Nghề nghiệp này khá nhạy cảm, thường xuyên gặp sự quấy rối của khách hàng, phần nhiều là những người trông có vẻ rất lịch sự, hiểu biết. Tuy nhiên với những trường hợp đó, tôi đều giải quyết êm đẹp, nhưng lại không biết phải làm sao với sự quấy rối đến từ đồng nghiệp.
Giám đốc bộ phân nhân sự bên tôi là một người khá trẻ, ngoại hình bắt mắt, và việc anh ta đạt được vị trí này tại một khách sạn 5 sao thật sự rất ấn tượng.
Nhưng mọi sự ngưỡng mộ của tôi dành cho người này dần thay thế bằng sự ghê tởm, khi anh ta thường xuyên gửi vào các nhóm chat những câu chuyện kích dục, hình ảnh tục tĩu.
Đến một ngày, anh ta bắt đầu gửi thẳng vào Facebook, email của tôi những đoạn phim sex, những hình ảnh lõa thể của phụ nữ, hoặc chụp bộ phận sinh dục. Anh ta đặt riêng chuông điện thoại của tôi là tiếng rên la trong các bộ phim Nhật Bản.
Ban đầu, tôi chọn im lặng, nhưng càng im lặng, anh ta càng lấn tới. Một lần, trước mặt các đồng nghiệp, cấp dưới, anh ta hỏi “Em đã xem đoạn clip của diễn viên X mà anh gửi chưa?”. Tất cả mọi người đều cười cợt, bắt đầu bàn tán về cô diễn viên này, và các tư thế làm tình trước sự kinh hoàng của tôi. Khi tôi phản ứng, anh ta trả lời đơn giản rằng “chỉ là đùa thôi".
Có 1 người đồng nghiệp ròng rã mấy tháng trời cứ nửa đêm nhắn tin, gọi điện, đậu xe trước nhà tôi, đòi tôi xuống gặp. Trước mặt đồng nghiệp, anh ta thường xuyên gợi ý tôi mời đến nhà chơi, hoặc tạo cho mọi người ấn tượng rằng tôi và anh ta có mối quan hệ riêng tư.
Tôi không nghĩ gì nhiều, coi đó là sự tán tỉnh thường tình, và còn quên những chuyện đó ngay lập tức.
Cho tới vài ngày trước, anh ta cứ liên tục chạm chân vào chân tôi, sờ vào tay tôi, cố tình ngồi gần để áp cơ thể vào người tôi. Một cô bạn thấy vậy đã kéo tôi ra một góc và nói: Đó là quấy rối.
Với văn hóa Việt Nam, có thể nhiều người nghĩ đây chưa phải là hành động quấy rối tình dục. Và chính tôi cũng không biết nếu như không được bạn mình cảnh báo. Nhưng nếu tôi làm lớn sẽ bị cho rằng đang chuyện bé xé ra to.
Theo bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, một trong những khía cạnh thách thức nhất của việc chống quấy rối tình dục ở Việt Nam là nhận thức và thói quen trong ứng xử.
Bà Dung cũng chỉ ra, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân còn rất phổ biến. Qua một số vụ việc nổi cộm gần đây, rất nhiều người ngay lập tức đổ lỗi cho người bị hại thay vì xem xét trách nhiệm của người quấy rối và các bên liên quan khác. Yếu tố thứ 2 quan trọng không kém là ở cơ chế khiếu nại và xử lý: người bị quấy rối không biết tìm đến ai để chia sẻ, khiếu nại; hoặc nếu có biết thì họ không có niềm tin là vụ việc của mình sẽ được xử lý thoả đáng và mình sẽ được bảo đảm danh tính, sự an toàn…
Theo một khảo sát năm 2017 về cách hệ thống pháp lý phản ứng với những vụ án hiếp dâm tại Thái Lan và Việt Nam của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), sự kỳ thị giới tính là một rào cản lớn khiến nạn nhân không thể tìm lại được công bằng.
Báo cáo chỉ ra: Những nạn nhân là nữ giới này đôi lúc buộc phải từ bỏ ý định tìm lại sự công bằng vì họ “bị đối xử không tôn trọng và không nhạy cảm, bị buộc phải kể lại câu chuyện nhiều lần, khi trình báo bị từ chối, trình báo không được điều tra hoặc bị trì hoãn”.
Tôi không biết mình có quá nhạy cảm hay không, nhưng tôi đang bị một đồng nghiệp nam đụng chạm vào cơ thể một cách rất hữu ý. Anh ta thường chạm vào tay, vỗ vai, dựa vào người tôi mỗi khi đi thang máy. Khi tôi phản ứng, anh ta thường chối là anh có làm gì đâu, hoặc em nói anh làm gì, là làm gì?
Lần đỉnh điểm là anh ta chạm vào người tôi, tôi phản ứng rất mạnh, hét lên giữa văn phòng, thì anh ta chối bằng cách chạy đi và sờ vào người một chị khác, và nói: Anh chỉ vuốt nhẹ như thế này thôi mà.
Tôi kể chuyện này với đồng nghiệp, họ đều nói có gì đâu, sờ vào ngực, vào đùi mới ghê chứ. Tôi có ý định nói với phòng nhân sự, nhưng lại nghĩ chuyện ầm ĩ lên có khi mình bị ảnh hưởng, rồi người ta nhìn mình cũng khác. Không ai ý thức được người bị quấy rối phải chịu đựng gì, ảnh hưởng tâm lý ra sao.
Tôi đành tự giải quyết bằng cách né tránh anh ta. Khi ngồi đối diện, tôi dùng màn hình máy tính che mặt mình. Khi đi ra ngoài, nếu có anh ta thì tôi xin về trước. Vậy là thành ra tôi mới là kẻ lập dị, tách biệt, không hòa đồng với đồng nghiệp. Có lẽ tôi nên nghỉ việc ở đây.
Tại nhà hàng tôi làm việc, trừ chị bếp trưởng đã có 2 con thì tôi là nhân viên nữ duy nhất. Có 1 người theo đuổi tôi. Dù tôi tỏ thái độ từ chối rất rõ, nhưng anh ta vẫn bám riết, nhắn tin, gọi điện cho tôi mỗi ngày. Anh ta nói với đồng nghiệp, giám đốc về việc đang theo đuổi tôi, và họ gán ghép tôi với anh ta. Điều này khiến tôi khó chịu và áp lực.
Một lần, trong giờ ăn trưa, mọi người nói bóng gió về việc anh ta đi tìm gái mại dâm, hay còn gọi là “đào”, thì anh ta nói cần gì phải đi tìm nữa, “đào” ở ngay trước mặt. Anh ta ví tôi như gái mại dâm.
Mỗi khi nhà hàng phục vụ hải sản, anh ta lại bảo sẽ ăn nhiều hàu, tôm, cua để về “phục vụ” tôi.
Một lần khác, trong khi tôi cúi người lấy đồ, anh ta nhìn chằm chằm vào mông tôi, rồi bàn tán về cơ thể tôi với một vài đồng nghiệp khác.
Trong một ngày toàn bộ nhân viên phải mặc váy đồng phục, anh ta liên tục nhắn tin vào nhóm chat công việc, nói tôi chụp ảnh mặc váy gửi cho anh ta xem. Tôi càng im lặng, anh ta càng lấn tới, và ám chỉ hay chân tôi đẹp, nhưng đầu gối lại thâm, do quỳ nhiều.
Không chỉ bằng lời nói, dạo gần đây, anh ta còn cố tình đụng chạm, tận dụng bất cứ lúc nào để tiếp xúc vào cơ thể tôi. Tôi đứng ở chậu rửa, anh ta vòng tay quanh tôi, rồi đột ngột đặt tay 2 bên eo, khiến tôi rùng mình. Khi tôi dọn dẹp bàn ăn, anh ta đi theo véo má, sờ tay, vuốt tóc, chạm vào hông tôi.
Tôi từng rất khá mũm mĩm những đã sụt 6 cân do áp lực anh ta gây ra. Tôi kể với 1 vài người đồng nghiệp, họ hỏi tôi có tạo ra tín hiệu gì khơi gợi không. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình mới là kẻ có lỗi, khiến tôi sợ hãi và buồn nôn vô cùng. Có phải tôi đã quá nhạy cảm không? Tôi đã mất rất lâu để khóc và suy nghĩ trước khi dám nói ra. Tôi thấy mình dơ bẩn.
Người này là cháu của giám đốc tại công ty tôi, ở đây, ai cũng né anh ta, để anh ta tự ngang tàng, quậy phá, miễn là không động tới mình. Hôm đó, tôi đi thang máy, vừa vào thì gặp anh ta.
Chỉ vài giây ngắn ngủi, anh ta đã thò tay bóp ngực tôi rất mạnh. Tôi đau đớn và ngã dúi xuống, đập đầu vào tường. Còn hắn thì đứng đó cưới hô hố, rồi tiến lại gần hơn. Sợ hãi, tôi thét lên thì thang máy đã đến nơi, hắn ta bỏ đi để tôi ngồi lại đó trong ánh nhìn nghi hoặc của mọi người.
Sau đó, tôi tố cáo hắn với công ty, đòi trích xuất camera nhưng được nói rằng camera hôm đó không hoạt động, gia đình anh ta tới gặp tôi mong tôi không làm lớn chuyện, còn hắn thì chuyển đi nơi khác một thời gian. Sau đó, khắp công ty bắt đầu đồn đại những câu chuyện như tôi chuyên đi dụ trai, hay cặp kè với các công tử, được bao nuôi,…
Một thời gian sau, anh ta quay về, lại nghênh ngang như trước, và còn lên chức. Một hôm, khi vô tình giáp mặt, hắn dí tôi và tường và xé áo, còn nói: “Mày đòi kiện tao, giờ tao về rồi mày kiện tao nữa đi”.
Tôi òa khóc và vùng chạy. Tôi nghỉ việc ngay hôm sau, và chưa dám đi làm thêm ở một nơi nào khác. Kể từ hôm đó, tôi luôn có suy nghĩ là giết hắn, thậm chí còn thủ dao sẵn ở nhà. Tôi biết mình đã gặp vấn đề tâm lý nhưng không thể quên đi chuyện đó. Những giấc ngủ của tôi luôn ám ảnh gương mặt, nụ cười của hắn, cùng những cách mà hắn đã tấn công tôi.
Tôi không dám nói với ai, không có bằng chứng, không ai đứng về phía mình. Cha tôi nóng tính, còn mẹ lại hay lo lắng. Tôi cảm thấy mình bất lực và không còn xứng đáng được yêu thương.