Quang Tuấn khẳng định nếu vợ anh - cựu ca sĩ, MC Linh Phi - muốn trở lại sân khấu, nam diễn viên sẽ hạn chế dần công việc và lui về làm hậu phương.
Trong sân khấu chính kịch miền Nam, Quang Tuấn là gương mặt nổi bật, được giới trong nghề đánh giá cao cả về diễn xuất lẫn đài từ. Với truyền hình, anh cũng là diễn viên nam duy nhất đến nay giành được 2 giải Cánh diều vàng ở hạng mục Nam chính xuất sắc, cho Bình – Thuyền giấy và Quân – Khúc hát mặt trời, đủ điều kiện về giải thưởng để xét danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nhưng phải đến năm 2019, diễn viên sinh năm 1985 mới chạm ngõ điện ảnh với vai thầy Huỳnh trong Thất sơn tâm linh. Mới đây, anh có vai thứ hai trên màn ảnh rộng với bác sĩ Lê phản diện trong Bằng chứng vô hình. Có lời khen cho diễn xuất thực lực nhưng cũng có lời chê anh đóng quá cường điệu, nặng về kịch.
Zing có cuộc trò chuyện với Quang Tuấn. Nam diễn viên đến điểm hẹn cùng với vợ - cựu ca sĩ, MC Linh Phi.
- Sau khi “Bằng chứng vô hình” ra rạp, có hai luồng ý kiến về vai bác sĩ Lê biến thái, lập dị của anh. Một bên cho rằng Quang Tuấn đã có một vai tốt, không phải ai cũng đảm đương được, bên kia nhận định anh diễn quá cường điệu, nhiều biểu cảm gồng không cần thiết. Góc nhìn của anh thế nào?
- Trước hết, ở khía cạnh cá nhân, tôi nghĩ đó là một vai tốt. Những ý kiến xung quanh cũng phần nào chứng minh cho nỗ lực của tôi. Nhưng, đúng là tôi còn phải cố gắng nhiều. Vì, với tôi, điện ảnh vẫn là con đường phía trước thênh thang, không phải đã có nhiều vốn liếng.
Còn về ý kiến cho rằng tôi gồng hay cường điệu quá thì tôi luôn cởi mở tiếp thu. Dù vậy, cũng phải nói thêm rằng, tôi đã hoàn thành vai diễn của mình, và đã cố gắng để nhân vật của mình được chân thực nhất.
Những biểu cảm mà đôi khi chính tôi xem lại cũng thấy... gồng, nhưng cái gồng ấy là nhân vật cần, chứ không phải Quang Tuấn cần. Sau cùng, tôi ghi nhận tất cả ý kiến để hoàn thiện bản thân hơn. Xin cảm ơn tất cả!
- Nhưng sự cường điệu có thể xuất phát từ việc anh nặng lối diễn sân khấu, mà đôi khi chính anh cũng không nhận ra?
- Mỗi bộ môn nghệ thuật lại có những đặc thù riêng. Phim truyền hình hay điện ảnh đắt giá ở khoảnh khắc, cảm xúc để chinh phục khán giả trong từng góc máy khác nhau, bối cảnh khác nhau.
Trong khi kịch là đứng với bạn diễn trên sân khấu, 2-3 tiếng liên tiếp, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Tâm lý lúc nào cũng phải giữ vững vì mất tâm lý, coi như "gãy" cả vở diễn. Đôi khi phải diễn hơi thái quá một chút, khán giả ngồi xa mới cảm nhận được.
Điện ảnh thì tự nhiên hơn nhiều, tôi cũng luôn xác định khi làm phim, mình phải tiết chế đi, không như kịch được. Nhưng không có nghĩa là điện ảnh và sân khấu mâu thuẫn với nhau đâu, nếu để ý, hai bộ môn lại bổ trợ cho nhau rất nhiều. Miễn sao mình cân đong được, để đời thường nhất có thể mà vẫn đảm bảo được yêu cầu diễn xuất.
- Nhiều người nhận định anh không bị ảnh hưởng bởi vai gốc trong “Blind” của Hàn Quốc, là do anh không xem?
- Đúng, tôi không xem phim gốc thật. Một phần vì cũng sợ mình sẽ bị ảnh hưởng từ vai gốc. Phần khác tôi lựa chọn như vậy để dễ Việt hóa vai của mình, cho nhân vật nội tâm và đa dạng hơn. Vì không xem, tôi không biết khác như nào, nhưng mọi người cũng phản hồi là tôi đã không diễn giống phim gốc.
- Không xem, anh lấy chất liệu ở đâu để đóng một vai biến thái, lập dị và nặng tâm lý, nhất là khi ngoài đời, nhiều người nhận xét anh... “hiền như đất”?
- Tôi chủ yếu đọc sách về tâm lý tội phạm, giúp bản thân mở ra nhiều góc nhìn. Nhưng mình cũng phải quan sát thêm, tôi có vào phòng thẩm mỹ để xem các bác sĩ thẩm mỹ làm việc như thế nào, cách người ta dùng các dụng cụ ra sao.
Dù vậy, quan trọng hơn vẫn phải là bám sát kịch bản để thể hiện vai diễn, tránh làm sai ý đồ. Ví như nhân vật bác sĩ Lê thuận tay trái, tôi cũng phải cố cầm nắm mọi thứ bằng tay trái, đeo đồng hồ tay phải trước và trong suốt thời gian đóng phim.
- Ở góc nhìn trung lập, giới bình luận nhận định vai diễn khó, anh làm không tệ nhưng lặp lại nhân vật Huỳnh trong “Thất sơn tâm linh” năm 2019?
- Tôi không đồng ý vì mỗi nhân vật lại có số phận riêng. Lê trong Bằng chứng vô hình hoàn toàn khác về biểu cảm, ánh mắt, giọng nói với Huỳnh của Thất sơn tâm linh. Tôi luôn xác định rõ điều ấy vì ngoài đời, mỗi người là một tính cách, không ai giống ai thì nhân vật cũng không thể làm giống nhau.
Mọi người hay nghĩ cứ phản diện, biến thái là một màu như vậy, xem dễ thấy giống nhau, biểu cảm giống nhau. Nhưng tôi hiểu mỗi nhân vật lại có tính cách riêng, số phận riêng. Tôi không bao giờ cho phép mình được lặp lại, trong bất kỳ vai diễn nào.
- Nhưng tại sao khi đã có “Thất sơn tâm linh”, anh vẫn casting “Bằng chứng vô hình”, hai phim điện ảnh cách nhau không quá xa mà dạng hai nhân vật thì không thể phủ nhận là có những điểm chung về tâm lý phản diện?
- Điện ảnh bao giờ cũng là những cơ duyên. Như phim Thất sơn tâm linh năm ngoái, tôi vốn không định đóng nhưng đạo diễn Hàm Trần rất quyết liệt, 3 lần gọi điện thuyết phục, chứ lúc đó tôi chỉ quen sân khấu và rất e dè với điện ảnh.
Anh Hàm Trần bảo: “Tuấn, em là người thực lực, anh tin em và em cũng phải tin anh, rằng em làm được”. Và tôi nhận lời. Bằng chứng vô hình tôi cũng đi casting trong tâm thế mình sẽ làm được và làm khác dù biết đó cũng là thử thách rất lớn.
- Anh có sợ mình sẽ chết vai ở dạng nhân vật biến thái, ác độc, phản diện sau “Thất sơn tâm linh” và “Bằng chứng vô hình”?
- Chết vai đôi khi còn phụ thuộc vào mục đích của mỗi diễn viên. Nhưng tôi cố gắng không để mình chết vai như vậy. Thực ra, tôi cũng có một vài dự án phim với dạng nhân vật “đoan trang”, lịch hiệp, chính diện nhưng vì chưa ra mắt nên tôi chưa tiết lộ được.
- Đóng những vai phản diện, anh ghét nhân vật của mình không?
- Tôi không yêu cũng không ghét những nhân vật như vậy. Nhân vật có hay hay không, tôi nghĩ mới là điều quan trọng với một diễn viên. Thay vào đó, tôi nghĩ nhiều sau mỗi vai diễn, sẽ đọng lại điều gì, có bài học gì không.
Nhân vật bác sĩ Lê là phản diện, đáng ghét. Nhưng từ nhân vật ấy mình cũng học được cách tránh những hậu quả khôn lường trong cuộc sống.
Câu chuyện của nhân vật này có thể đến từ bài học sau những app hẹn hò vốn đang rất phổ biến. Chính các app hẹn hò có thể làm xa rời cuộc sống thực và sinh ra hệ quả rất khó lường. Mỗi nhân vật, dù xấu xa đến đâu đều nên gửi gắm thông điệp xã hội, tôi nghĩ vậy.
- Cảnh nào trong phim này làm khó anh nhất?
- Khó nhất là trường đoạn cuối phim, tôi và Phương Anh Đào phải quay trong 3 ngày liên tục, từ 17h hôm trước đến 7h sáng hôm sau, rồi lại lặp lại như vậy. Tôi dầm trong nước mưa nhân tạo mười mấy tiếng đồng hồ đến khi cơ thể không chấp nhận cho đứng ngoài mưa nữa mới được thôi.
Ê-kíp thậm chí đã dùng hết nước ở bồn và phải hút nước ở hồ bơi bên cạnh để làm mưa. Người tôi sau đó tự phản kháng vì quá lạnh, không thể đóng thêm được nữa. Nhiều cảnh xem tưởng đơn giản nhưng quay lại rất khó.
Nhưng, quan trọng là cả đạo diễn và diễn viên đều cầu toàn nên không ai than gì (cười).
- Cảnh khó lại không phải là những cảnh nóng mà nhiều người xem cho rằng quá gai góc, đáng sợ, hay vì anh đã "quen" từ "Thất sơn tâm linh"?
- Ở phim trường, tôi hay ngồi một góc và cách xa mọi người để tập trung nghĩ về nhân vật. Trước mỗi cảnh nóng, tôi cũng thường ít tương tác với mọi người, cố gắng suy nghĩ, làm nhanh nhất có thể và gây ám ảnh nhất có thể, không cần phải quay đi quay lại.
- Anh có bao giờ ám ảnh với chính nhân vật của mình khi mà hai vai gần đây đều có những cảnh nóng chẳng những không đẹp mà còn hơi... ghê?
- Tôi sợ mình không làm tốt hơn là nỗi lo ám ảnh. Sợ nhất là đóng cảnh nóng mà bị sượng, bị giả quá, nghĩa là mình đã không làm tốt về mặt diễn xuất.
Vợ tôi cũng là một người rất khó, diễn gượng gạo là tôi bị mắng ngay. Như phim Thất sơn tâm linh, vợ tôi chê là cảnh nóng đó đóng không đạt, đơ quá. Nhưng Bằng chứng vô hình thì chưa thấy cô ấy chê tương tự (cười).
- Nhưng có bao giờ vì thật quá mà tạo ra những cảnh nóng quá đà?
- Người diễn viên cần phân định rõ mình và nhân vật, trong mọi cảnh quay. Đóng thật nhất nhưng là nhân vật, chứ không phải mình. Còn đóng những vai phản diện mà không phân định được thì dễ làm tổn thương cho bạn diễn. Cảnh nóng trong phim nên là những cảnh nóng cần thiết.
- Giữa những nhận xét trái chiều, có một điểm được ghi nhận là sự đối xứng, xung đột của anh và Phương Anh Đào trong diễn xuất đôi mắt. Anh có thể nói gì?
- Tôi nghĩ đó là điểm nhấn thú vị, một người nhìn thấy, một người không, một người phải diễn bằng đôi mắt, một người lại không được diễn bằng mắt. Tôi và Phương Anh Đào cũng nói chuyện và chia sẻ nhiều, để thống nhất cho ăn ý.
- Trên sân khấu và truyền hình, anh là gương mặt được đánh giá cao, thực lực, giành được nhiều giải thưởng. Nhưng ở điện ảnh, anh chưa thể là diễn viên có vị trí, tại sao?
- Đúng là ở sân khấu và truyền hình, tôi đã được nhiều giải thường. Một phần là do may mắn, phần khác là tôi cũng được đào tạo, được các cô chú, anh chị đi trước yêu thương, như chú Sáu Bảo Quốc, chú Hữu Châu…
Các cô chú, anh chị cũng luôn kỳ vọng tôi có thể gặt hái được nhiều thành công hơn, có vị trí hơn. Tôi cũng chỉ biết cố gắng từng ngày. Với điện ảnh, tôi chỉ mới chạm ngõ 1-2 phim nên càng cần cố gắng hơn.
- Lời chê và lời khen nào của giới trong nghề mà anh nhớ nhất?
- Ngày xưa tôi bị chê giọng nói vì tôi là người Quảng Trị, đặc trưng của người miền Trung là nói rất nhanh nên khi vào nghệ thuật, mình phải sửa. Các cô chú đi trước bảo nếu tôi muốn làm nghề thì phải hòa nhập được ngôn ngữ.
Sau đó, tôi đi tập hát cải lương để học giọng nói có âm hưởng miền Nam. Tiếng nói của tôi giờ khác xưa nhiều, người cũ lâu ngày không gặp còn bảo không nhận ra.
- Đài từ quan trọng như nào với diễn viên, theo anh?
- Đài từ đối với diễn viên rất quan trọng. Đài từ tốt là khả năng có thể ứng biến tùy dạng vai, tùy góc độ của nhân vật.
- Đài từ yếu là thực tế của nhiều diễn viên Việt. Theo anh một diễn viên có đài từ không tốt có thể cải thiện được không?
- Được chứ. Tôi chính là dẫn chứng, nghĩa là đài từ hoàn toàn có thể cải thiện được.
- Tại sao anh đến với điện ảnh muộn?
- Trước đây tôi rất sợ tham gia điện ảnh, mình quen ở sân khấu thôi, điện ảnh đối với tôi là cái gì đó ghê gớm, chỉn chu lắm, phim mà "mì ăn liền" thì mình không đóng được.
- Anh có tiếc nuối, vì sân khấu khó mang danh tiếng, tiền bạc như điện ảnh, game show?
- Tôi chưa bao giờ áp lực về tiền bạc, cái gì cũng thế, mình thích mình mới làm được. Thứ quan trọng là phải có đam mê, sau đến cảm xúc. Nếu làm vì tiền thì tôi nghĩ khó bền lắm.
- Vợ anh hài lòng hay có bao giờ mong muốn chồng kiếm được nhiều tiền hơn, mà cũng là mong muốn thường thấy và chính đáng thôi?
- Vợ tôi là người chịu hy sinh. Trước đây cô ấy cũng là ca sĩ, MC nhưng cuối cùng gác lại đam mê để làm hậu trường cho tôi, sinh con, chăm lo cho chồng. Bây giờ, cô ấy cũng kiêm luôn vai trò quản lý cho tôi.
Tôi cảm thấy rất may mắn khi có một người vợ như vậy, không bao giờ đòi hỏi chồng mình phải kiếm nhiều tiền, phải là trụ cột kinh tế này kia. Nhưng càng như vậy, mình lại càng phải có trách nhiệm hơn.
- Trong quyết định từ bỏ đam mê để trở thành hậu phương, anh có bao giờ nhận ra vợ mình cũng có tiếc nuối, nỗi nhớ sân khấu?
- Đôi khi tôi cảm thấy trong ánh mắt cô ấy có rất nhiều chất chứa. Nhưng tôi cũng luôn bảo vợ mình rằng bất cứ khi nào muốn quay, tôi đều ủng hộ.
Ai cũng có quyền được sống với đam mê, cuộc đời này chỉ sống một lần nên không bao giờ tôi ép buộc lựa chọn của vợ mình. Nếu bà xã muốn quay lại showbiz, tôi sẵn sàng làm hậu phương và giảm bớt công việc để lui về lo cho gia đình.
- Anh nghĩ mình đang thiếu gì?
- Khả năng giao tiếp.
- Tại sao?
- Tôi không giỏi ăn nói, mà chuyện ăn nói trong xã hội bây giờ lại rất quan trọng. Do vậy, tôi muốn cải thiện, đồng thời cũng muốn nâng cao về diễn xuất, và trở thành người cha, người chồng tốt.
- Cảm ơn anh, chúc anh hoàn thiện được điều mình còn thiếu.