Câu chuyện về tình bạn, tình yêu của những người trẻ được thể hiện sinh động. Dàn diễn viên trẻ, thời trang, cảnh quay đẹp, có yếu tố “ngoại” cũng là những điểm cộng cho phim.
Chuyện tình tay ba trong phim Tuổi thanh xuân. |
Sau một thời gian sống và học tập ở Hàn Quốc, có được tình yêu đẹp với ca sĩ Junsu sống cùng nhà, Linh đã về nước để làm việc sau biến cố gia đình. Năm năm trôi qua, giờ đây họ đã trưởng thành và chuẩn bị gặp lại nhau tại Việt Nam. Chuyện tình tay ba giữa Linh, Junsu và Khánh đang bước vào giai đoạn căng thẳng. Cái kết cuối của mỗi tập phim đều dừng lại ở đoạn cao trào nhất khiến khán giả khó lòng bỏ qua tập tiếp theo.
Tuy nhiên, đã có nhiều lời than thở của khán giả sau khi xem những tập gần đây của Tuổi thanh xuân. Lý do là có quá nhiều sản phẩm quảng cáo lồng ghép lộ liễu, gây phản cảm vào nội dung phim.
Không chỉ gần đây, ngay từ những tập đầu, khi bối cảnh phim diễn ra ở Hàn Quốc, một chiếc tivi rõ to đặt ngay phòng khách của nhà Junsu - bối cảnh chính của phim - đã làm người xem choáng. Cứ mỗi lần gia đình Junsu có mặt nơi này là chiếc tivi được đưa vào màn hình. Trong một tập khác, một loại máy chụp ảnh được xuất hiện liên tục khi lớp học của Junsu và Linh có tiết học dã ngoại. Tên một tiệm bánh cũng luôn xuất hiện khi Linh trở về Việt Nam làm việc ở đó...
Đỉnh điểm nhất cho sự “lạm phát” quảng cáo là trong tập 22 phát sóng tối 5-3, một loạt sản phẩm được đưa vào nội dung phim.
Trong một cảnh quay ở Hàn Quốc, nhân vật Jiyong móc ngay chiếc điện thoại có nhãn hiệu hẳn hoi để chụp ảnh rồi anh nói về công dụng và cách sử dụng điện thoại này với khách hàng rất tự nhiên. Ở Việt Nam, khi Khánh đến nhà Linh chơi đã tặng ba mẹ Linh vài hộp thuốc bổ. Anh đọc tên và công dụng của hai loại thuốc ấy vanh vách như học sinh trả bài...
Trên trang fanpage Tuổi thanh xuân, nhiều ý kiến phản đối tình tiết này. Khán giả có nickname Nam béo nhận xét: “Phim quảng cáo cho sản phẩm tài trợ lộ liễu quá. Xem buồn cười đau cả bụng, nhất là đoạn Khánh tặng thuốc cho ba mẹ Linh”. Thủy Thanh bày tỏ: “Quảng cáo nhiều sản phẩm thấy hơi vô duyên! Ngân hàng, thuốc, cà phê... Còn gì nữa đây?”. Hoài Su viết: “Việt Nam quảng cáo thuốc, chẳng sợ người xem la ó”. Thủy Hoàng cho rằng: “Quảng cáo đủ để ngất. Lộ liễu quá”.
Thật ra, quảng cáo lồng vào nội dung phim đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” trong quy trình sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam. Cách làm này giúp nhà sản xuất có thêm được phần nào kinh phí sản xuất phim vốn còn eo hẹp. Tuổi thanh xuân có những bối cảnh quay ở Hàn Quốc đòi hỏi kinh phí càng lớn, áp lực về tài chính lại càng cao.
Tuy nhiên, điều quan trọng là những người viết kịch bản, nhà sản xuất phải cài cắm thật tự nhiên những quảng cáo ấy vào các chi tiết phim cho thật khéo léo để khán giả khi xem không cảm thấy quá “phô”. Chứ kiểu đọc vanh vách công dụng thuốc như nhân vật Khánh thể hiện, Tuổi thanh xuân sẽ mất dần đi nét “thanh xuân” trong mắt khán giả mà trở thành công cụ trả ơn cho các đơn vị tài trợ phim.