Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quảng cáo độc hại, lừa đảo tràn lan Facebook ở Việt Nam

Bất cứ sản phẩm, nội dung nào Facebook cho rằng phù hợp với chính sách của công ty sẽ được chạy quảng cáo mà không hề có bước thẩm định sâu. Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy.

Facebook từng tuyên bố sử dụng trí tuệ nhân tạo cùng với đội ngũ 15.000 nhân viên kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Thế nhưng, ngoài xin lỗi và những lời hứa, Facebook vẫn chưa giải quyết triệt để được quảng cáo độc hại và tin giả.

Dù nhận tiền để đăng quảng cáo mỗi ngày, nhưng Facebook không hề chạm vào bất kỳ sản phẩm nào. Tất cả những gì mạng xã hội này đang làm là đối chiếu hình ảnh sản phẩm, nội dung cần quảng cáo với "tiêu chuẩn cộng đồng" mà mạng xã hội này đặt ra, mà không hề có biện pháp nào sâu hơn để ngăn chặn, can thiệp kịp thời.

Chính kẽ hở này đã khiến nhiều quảng cáo độc hại, lừa đảo nở rộ trên Facebook thời gian qua. "Những mẩu tin gắn nhãn 'được tài trợ' xuất hiện dày đặc trên Facebook. Cứ vài status của bạn bè lại đến một bài quảng cáo", Lê Châu, người dùng Facebook ngụ Tân Bình, TP.HCM than phiền trên trang cá nhân.

Hàng cấm vẫn nhởn nhơ trên Facebook

"Giờ chỉ cần có một tài khoản uy tín và thẻ ngân hàng là có thể chạy quảng cáo được. Sự đơn giản này khiến Facebook như một cái chợ xổm, hàng hóa không hề được kiểm định", Duy Phương, chuyên gia Markerting tại TP.HCM chia sẻ.

Mặc dù đã có chính sách cộng đồng khá chi tiết nhưng Facebook vẫn bị qua mặt bởi các nhà quảng cáo.

Trả lời Zing.vn, Facebook cho rằng tất cả quảng cáo đều được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi tiếp cận người dùng. “Để duy trì một cộng đồng an toàn và tôn trọng lẫn nhau trên Facebook, chúng tôi có Chính sách quảng cáo toàn cầu mô tả những quảng cáo nào được phép và không được phép trên Facebook. Sau khi được đăng ký, quảng cáo sẽ trải qua quá trình xét duyệt sâu rộng. Nếu quảng cáo đó vi phạm các chính sách này sẽ bị nhóm của chúng tôi từ chối", người phát ngôn của Facebook cho biết.

Quang cao Facebook khong con dang tin anh 1
Bình xịt hơi cay được rao bán công khai trên Facebook bằng cách mua quảng cáo. Mặt hàng được người bán giới thiệu sẽ gây "bất động" cho nạn nhân lập tức.

Thế nhưng thực tế, Facebook vẫn đang "bất lực" trước các mặt hàng vi phạm chính sách của mạng xã hội này. Từ các "khóa học làm giàu", thuốc Đông y, cờ bạc bịp, thuốc kích dục đến vũ khí... "giới chạy ads" (cụm từ chỉ những người làm quảng cáo trên Facebook) đều có cách lách luật, vượt qua lớp kiểm duyệt của mạng xã hội này.

Một số sản phẩm khác như tiền giả, đao kiếm, cần sa... tuy không thể mua quảng cáo nhưng vẫn xuất hiện công khai.

“Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết tại buổi họp báo về các hoạt động vi phạm pháp luật của Facebook tại Việt Nam.

Quang cao Facebook khong con dang tin anh 2
Những mặt hàng nhạy cảm chưa được kiểm định, cấp phép vẫn công khai mua quảng cáo trên Facebook.

Theo Facebook, mạng xã hội này đã sử dụng cả máy học và người để kiểm duyệt nội dung. Tuy vậy, những nỗ lực này chưa thật sự đem lại kết quả. Những mặt hàng cấm vẫn được rao bán tràn lan theo nhiều cách khác nhau.

Theo ông Lê Minh Hiệp, người làm lâu năm trong lĩnh vực quảng cáo đa nền tảng, những mặt hàng như nước hoa kích dục, thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng đều vi phạm chính sách quảng cáo của Facebook. "Trên lý thuyết là vậy, nhưng giới "cao thủ chạy ads" vẫn có những chiêu trò để né được sự kiểm duyệt này", ông Hiệp nói.

"Đa phần những từ khóa nhạy cảm sẽ được diễn đạt dưới dạng ẩn ý, không tập trung vào mặt hàng, dùng tiếng lóng... Đồng thời những từ khóa này sẽ được tùy biến lại bằng những ký tự đặc biệt của bộ mã Unicode", ông Hiệp nói thêm.

Vì bộ mã Unicode đủ sức qua mặt các bộ lọc quảng cáo tự động của Facebook, mạng xã hội này bổ sung vào quy định chính sách quảng cáo mục.

Cụ thể, chính sách quảng cáo Facebook không chấp nhận nội dung "sử dụng biểu tượng hoặc ký tự Unicode trong văn bản quảng cáo nhằm mục đích che giấu các từ hoặc cụm từ", "cách diễn đạt khiếm nhã, bao gồm lời lẽ tục tĩu được làm mờ một phần bằng dấu sao hoặc biểu tượng", "quá nhiều biểu tượng, ký tự hoặc dấu câu". 

Tuy vậy, Facebook vẫn nhận tiền để những mẫu quảng cáo đầy "chấm, phẩy" xuất hiện.

“Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan”

Lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử

“Dưới góc độ kinh doanh, không có lý do gì một doanh nghiệp khi vào Việt Nam kinh doanh, kiếm vài trăm triệu USD mà không tuân thủ pháp luật. Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó", lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết.

Quang cao Facebook khong con dang tin anh 3
Tắc trách trong kinh doanh khiến 40% người dùng mất lòng tin vào Facebook.

Zing.vn đã gửi câu hỏi đến Facebook để làm rõ việc mạng xã hội này có đủ năng lực để kiểm soát triệt để tất cả những mặt hàng trái quy định được quảng cáo trên nền tảng của mình hay không. Tuy vậy phía Facebook chỉ trả lời bằng việc nêu lại những chính sách, cơ chế để kiểm soát nội dung xấu, nhưng không có động thái cụ thể để xử lý dứt điểm.

Chính sự tắc trách này khiến Facebook dần không còn là một kênh quảng bá thương hiệu uy tín. "Từ một shop áo quần, cửa hàng điện thoại, nhãn hàng lớn đến những nơi buôn bán hàng gian, hàng giả đều bình đẳng mua quảng cáo trên Facebook mà không cần kiểm định sản phẩm. Chính điều này khiến độ tin tưởng của khách hàng ngày càng giảm sút", ông Phương nói thêm.

Facebook để lọt quảng cáo giả mạo đài truyền hình

Chính sự mất lòng tin và những lỏng lẻo trong chính sách kiểm duyệt của Facebook, loại hình quảng cáo núp bóng thời sự đã xuất hiện.

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên Facbook tại Việt Nam xuất hiện những video quảng cáo cho doanh nghiệp, được làm trông giống bản tin thời sự, nhưng thực chất là giả mạo. Những video này được đóng logo của các đài truyền hình uy tín như VTV, HTV, THVL... thậm chí có cả "biên tập viên" đứng hiện dẫn như thật.

Quang cao Facebook khong con dang tin anh 4
Nhiều nhà quảng cáo lợi dụng hình ảnh của các nhà đài để tăng uy tín cho sản phẩm. Đây thực chất là sản phẩm cắt ghép giả mạo thời sự, và các đài truyền hình đang là nạn nhân.

"Đó là lỗ hổng rất lớn để những sản phẩm giả mạo lấy được lòng tin từ người dùng"

Thanh Hùng, Thạc sĩ chuyên ngành Digital Marketing của Đại học South Wales , Anh.

Không chỉ tạo ra các bản tin giả để tự nói tốt sản phẩm, một số trang Facebook còn dùng những bản tin thời sự có nội dung cảnh báo sản phẩm , cắt ghép lại để mua quảng cáo trên Facebook.

"Việc mua quảng cáo các video truyền hình nói về doanh nghiệp là việc làm chính đáng của thương hiệu. Tuy vậy, đó cũng là lỗ hổng rất lớn để những sản phẩm khác làm giả nhằm lấy lòng tin từ người dùng", Thanh Hùng, Thạc sĩ chuyên ngành Digital Marketing của Đại học South Wales nói với Zing.vn.

Ngoài video, các "nhà quảng cáo" lừa đảo còn ghép logo VTV vào hình ảnh sản phẩm và dùng tiêu đề giật gân để câu khách.

"Điều đơn giản là AI hay nhân sự của Facebook không đủ năng lực để nhận ra đâu là nội dung thời sự giả, đâu là nội dung thời sự thật", ông Hùng nói thêm.

"Mua hàng trên Facebook là cầm dao đằng lưỡi"

Ở một số nước, các ứng dụng đánh bạc đổi tiền là hợp pháp. Nhưng luật pháp ở Việt Nam hiện vẫn nghiêm cấm việc làm này. Chính điều này dẫn tới việc các ứng dụng đánh bạc chỉ có thể quảng cáo trên nền tảng của Facebook.

"Chỉ cần không nói đến yếu tố rút tiền mặt thì ứng dụng đánh bạc ăn tiền có thể núp bóng quảng cáo game online", Trọng Nhân, một nhà quảng cáo trên Facebook ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết.

Tương tự như vậy, súng ống sẽ "núp bóng" đồ chơi thể thao, mô hình thu nhỏ, thuốc kích dục sẽ "núp bóng" nước hoa... để đánh lừa bộ máy kiểm duyệt của Facebook.

Quang cao Facebook khong con dang tin anh 5
Cờ bạc online núp bóng game, ứng dụng tự do mua quảng cáo trên Facebook.

"Dù là hàng thật, hàng giả, hay hàng cấm, người dùng đều không được bảo vệ khi mua qua Facebook. Chỉ cần một địa chỉ, số điện thoại giả, chủ cửa hàng có thể xóa đi ngay sau khi bán hàng và từ chối tất cả trách nhiệm. Người dùng mua hàng trên Facebook là cầm dao đằng lưỡi. Khi xảy ra tranh chấp, người dùng chỉ biết tự ôm tức vào lòng", ông Nhân nói thêm.

Cũng theo ông Nhân, mua hàng trên Facebook đồng nghĩa với việc người dùng đang mua một bài học cho chính mình. Người dùng sẽ phải tự rút ra những bài học khi mua hàng để biết trang nào bán hàng uy tín, trang nào không. Facebook hoàn toàn không chịu trách nhiệm hay chính sách bảo vệ người dùng mua hàng hóa được quảng bá trên nền tảng của mình.

Bên cạnh đó, hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc cũng được bán vô tư vì Facebook chưa từng chạm vào bất kỳ món hàng nào để hiểu đâu là sản phẩm tốt.

Dung túng cạnh tranh bẩn, ảnh hưởng thương hiệu

Nhiều khách hàng cho rằng có thể dựa vào lượt đánh giá sao, nội dung bình luận, số lượt thích của trang bán hàng để đánh giá uy tín. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố trên đều có thể dàn xếp và mua được bằng tiền.

Từ lượt thích, bình luận đến nội dung đánh giá đều được các shop đầu tư bài bản. Ngoài tự nói tốt bản thân, những nhà quảng cáo còn sử dụng những công cụ có sẵn trên Facebook để đi tấn công đối thủ.

"Trước đây tôi bị chơi xấu. Đối thủ đưa hàng trăm bình luận tiêu cực vào phần đánh giá khiến trang của tôi từ 5 sao chỉ còn 2 sao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cửa hàng", Hoàng Quân, chủ cửa hàng điện thoại ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM bức xúc.

Quang cao Facebook khong con dang tin anh 6
Ngoài quảng cáo sản phẩm, Facebook cũng nhận tiền để quảng cáo nội dung bếu xấu cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Ngoài dựa vào tính năng bình luận, đánh giá để bêu xấu đối thủ, những bên cạnh tranh không lành mạnh còn có nhiều chiêu trò để cướp khách hàng.

"Họ có thể quét toàn bộ những người theo dõi trang của tôi. Sau đó tạo một trang gần giống và tư vấn cho khách hàng", ông Quân nói thêm.

Cũng theo ông Quân, mỗi tháng ông chi từ 10-20 triệu đồng để mua quảng cáo Facebook, nhưng mỗi lần khách hàng vào bình luận hỏi mua lại có một tài khoản giả mạo liên hệ và tư vấn nhằm cướp khách.

Chính vì vậy, ông Quân phải sử dụng một số dịch vụ bên thứ ba để ẩn tất cả bình luận có trên trang để đối phó tình trạng cướp khách này. 

Ngoài những chiêu trò miễn phí trên, nhiều kẻ xấu còn tạo những trang dạng "bóc phốt" sau đó mua quảng cáo Facebook để nói xấu công ty, tổ chức, cá nhân khác. Với cách sử dụng từ đồng nghĩa, các ký tự đặc biệt, những nội dung này dễ dàng đánh lừa công cụ kiểm duyệt máy móc của Facebook.

'Facebook đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam'

“Tất cả sản phẩm mà nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan”, lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT cho biết.





Trọng Hưng

Bạn có thể quan tâm