"Quảng cáo chính trị" là một một thuật ngữ mới đang tạo ra mối nguy hại rất lớn. Tại Mỹ, 2 thượng nghị sĩ đã trình dự thảo cấm quảng cáo chính trị. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông đã yêu cầu Facebook không cho cá nhân tổ chức mua quảng cáo nói xấu cá nhân, tổ chức, chính trị.
Tuy nhiên, Facebook trả lời mập mờ rằng sẽ nghiên cứu và trả lời sau. Theo đánh giá của Bộ, quảng cáo chính trị không chỉ tác động đến cá nhân, tổ chức mà còn tác động đến an ninh quốc gia.
Facebook vẫn tự do bán quảng cáo chính trị hướng tới người Việt Nam
Sau câu trả lời mập mờ rằng sẽ "nghiên cứu và trả lời sau", Facebook tiếp tục bán những quảng cáo có nội dung sai lệch liên quan đến những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trên Thư viện quảng cáo của Facebook, với từ khóa "Việt Nam", người dùng dễ dàng thấy được hàng trăm quảng cáo với nội dung ảnh hưởng đến chính trị Việt Nam.
Facebook cho phép chạy quảng cáo những nội dung chính trị, bôi nhọ người khác và hướng nội dung đến người dùng Việt Nam. Nghệ sĩ Xuân Bắc trở thành nạn nhân của các hành vi sai trái. |
Theo quy định của Facebook, toàn bộ quảng cáo chính trị sẽ được bảo lưu tại Thư viện quảng cáo. Tại thư viện quảng cáo, các thông tin như nội dung quảng cáo, người mua, số tiền, lượt tiếp cận, vị trí mục tiêu, độ tuổi người xem quảng cáo... sẽ được lưu lại trong vòng 7 năm để dễ truy cứu.
Thư viện quảng cáo này chỉ lưu lại những mẩu tin được mua từ Mỹ, Vương quốc Anh và Brazil. Tuy vậy, có rất nhiều mẫu quảng cáo hướng đối tượng đến những địa điểm trong nước như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai...
Tại Mỹ, bang Washington nghiêm cấm Facebook hướng mục tiêu quảng cáo đến người dân của bang này. Một số quốc gia khác còn cấm Facebook quảng cáo chính trị hướng mục tiêu.
Khác với Facebook, Google áp dụng chính sách quảng cáo chính trị riêng cho thị trường Việt Nam. Cụ thể, Google nghiêm cấm quảng cáo nội dung liên quan đến các ứng cử viên chính trị và các đảng phái chính trị.
Tại mỗi quốc gia, Google đều dựa trên những đặc thù riêng để áp dụng chính sách quảng cáo cho phù hợp. Trong khi đó, Facebook chỉ áp dụng chính sách quảng cáo riêng với những quốc gia từng trừng phạt mạng xã hội này.
Quảng cáo chính trị tại các quốc gia khác như thế nào?
Theo quy định của mạng xã hội này, cá nhân, tổ chức muốn mua quảng cáo chính trị cần được xác nhận ủy quyền và Facebook được miễn trừ trách nhiệm với những nội dung này.
Cụ thể, người mua quảng cáo chính trị cần nộp giấy phép lái xe, thẻ căn cước và hộ chiếu để Facebook xác nhận thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, thay vì hiển thị dạng "được tài trợ", quảng cáo chính trị sẽ đi kèm cụm từ "tài trợ bởi" kèm tên người trả tiền đằng sau.
Thế nhưng, những chính sách chặt chẽ này chỉ được áp dụng tại ba nước là Mỹ, Brazil, Vương quốc Anh - nơi Facebook có trụ sở đại diện và chính phủ mạnh tay với mạng xã hội này.
Các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Brazil yêu cầu Facebook cung cấp thông tin của người chạy quảng cáo chính trị. |
Quy trình quản lý nội dung chính trị chặt chẽ này chỉ được đưa ra sau khi Facebook vướng vào hàng loạt bê bối về chính trị. Từ lộ thông tin người dùng cho mục đích quảng cáo chính trị Cambridge Analytica, can thiệp kết quả bầu cử Mỹ của Nga đến các thỏa thuận Brexit đã khiến chính phủ các quốc gia mạnh tay hơn với Facebook.
Facebook từng tiết lộ từ tháng 5-10/2018, mạng xã hội này thu về tổng cộng 256 triệu USD từ việc phân phối khoảng 1,6 triệu mẩu quảng cáo chính trị trên Facebook.
Trong đó ứng cử viên Beto O'Rourke đã bỏ ra 5 triệu USD để chạy 6.000 quảng cáo trên Facebook để tranh cử vị trí đại diện bang Texas tại Thượng viện. Trong khi đó, chiến dịch quảng cáo tranh cử giữa kỳ của đương kim Tổng thống Donald Trump đứng thứ 2 với chi phí 1,9 triệu USD.
Trong năm 2018, có gần 2 tỷ USD chi cho các mẩu quảng cáo chính trị, các chiến dịch tranh cử rầm rộ trên mạng xã hội và nền tảng số. Cứ 1 USD dành cho việc quảng cáo thì có tới 60 cent rót vào túi Facebook, Twitter, YouTube, Snapchat và Instagram.
Giảm năng lực quản lý vì không có văn phòng đại diện tại Việt Nam
Ngoài Mỹ, Brazil và Vương quốc Anh, Facebook dự định áp dụng chính sách kiểm duyệt danh tính người chạy quảng cáo chính trị tại Ấn Độ, đất nước sẽ diễn ra tổng tuyển cử vào năm 2019.
Mạng xã hội này đã bắt đầu gửi thông báo qua email cho các nhà quảng cáo về việc họ yêu cầu cung cấp bản sao địa chỉ, giấy tờ tùy thân nếu người dùng muốn mua quảng cáo chính trị.
Đáng nói, những giấy tờ này được nộp trực tiếp tại văn phòng đại diện của Facebook tại Ấn Độ. Trong khi đó, tại Việt Nam, Facebook chưa có bất kỳ văn phòng đại diện nào. Các giấy tờ được người dùng nộp cho Facebook qua hình thức ảnh chụp, rất dễ bị làm giả như vụ giả giấy chứng tử để xét tài khoản tưởng nhớ.
Năm 2019, Facebook dự định áp dụng chính sách buộc nhà quảng cáo phải đến trụ sở Facebook để nộp giấy tờ xác minh cá nhân trước khi mua quảng cáo chính trị tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Người phát ngôn Facebook nói trên The Times, họ cam kết duy trì tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và công ty rất nghiêm túc với vấn đề này. "Các biện pháp đề phòng và dự trù các tình huống đã được tăng cường để ngăn chặn can thiệp cuộc bầu cử", đại diện Facebook nói.
Trước đây, Facebook thông báo sẽ tăng cường 20.000 nhân viên, đồng thời thành lập một văn phòng đặc biệt với tên gọi "War Room" (Phòng Chiến sự) tại Silicon Valley nhằm ngăn chặn lạm dụng mạng xã hội để tung tin giả mạo, can thiệp các cuộc bầu cử.
Tuy vậy, những nỗ lực này chưa từng được Facebook thông báo tại Việt Nam - quốc gia xếp hạng 7 về số người dùng Facebook với 58 triệu tài khoản.
Ngoài ra, mạng xã hội này cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Thế nhưng, ngoài xin lỗi và những lời hứa, Facebook vẫn chưa giải quyết được những quảng cáo tin giả.
"Với mỗi quốc gia, hệ ngôn ngữ, tình hình chính trị và cách diễn đạt vấn đề là đặc thù. Facebook cần có đội ngũ nhân viên bản xứ mới có thể đọc hiểu những nội dung này. Ngoài ra, cần phối hợp với cơ quan chức năng mới có thể rút ngắn thời gian nhận ra tin giả, tránh ảnh hưởng lớn", Nhật Nguyễn, quản trị viên một trang Facebook lớn với 8 triệu theo dõi cho biết.
Chậm trễ trong giải quyết thông tin kích động
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, ngoài những nội dung mua quảng cáo, Facebook còn không đáp ứng tốt việc tháo gỡ những nội dung có hoạt động kích động chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Cụ thể, Facebook không bóc gỡ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động được Bộ Công an liệt kê trong danh sách, những tài khoản, fanpage nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là chưa kể đến những trang phái sinh, chia sẻ lại bài viết để lan truyền các thông tin chống phá trực diện. Với các tài khoản nói xấu, Facebook có tiến hành gỡ bỏ nhưng rất hạn chế.
Facebook có tiến hành gỡ bỏ nhưng rất hạn chế, chậm trễ các thông tin kích động, nói xấu Nhà nước. |
“Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết.
Facebook chỉ ngăn chặn quảng cáo trái phép khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu.
Lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử
“Việc ngăn chặn các quảng cáo trái phép hoàn toàn nằm trong khả năng của Facebook nhưng họ chỉ làm khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc Facebook sống nhờ quảng cáo nên họ đang gián tiếp tiếp tay cho những hoạt động sai trái này”, lãnh đạo Cục cho hay.
“Dưới góc độ kinh doanh, không có lý do gì một doanh nghiệp khi vào Việt Nam kinh doanh, kiếm vài trăm triệu USD mà không tuân thủ pháp luật. Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó", vị này khẳng định.