“Chúng tôi vừa làm việc với một số khách hàng là các nhà nhập khẩu Nhật Bản, cũng như có đặt vấn đề với nhà bán lẻ lớn nhất nước này về việc bán quả xoài Việt Nam vào Nhật. Tín hiệu mừng là các đối tác rất thiện chí, sẵn sàng tiếp nhận loại trái cây của mình”, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết.
Theo ông Dũng, hiện trái xoài Việt Nam đã được đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng hai bên còn nhiều việc phải làm như xây dựng các khâu kiểm tra thông số kỹ thuật mặt xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, dư lượng thuốc, tiêu chuẩn... Việc đồng ý về nguyên tắc sẽ giúp hai bên tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật đối với trái xoài Việt Nam.
Sau khi thống nhất, đoàn khảo sát doanh nghiệp của nước này đến thực tế các vườn cây ăn trái tại Việt Nam, hai bên cùng bàn thảo các quy định cụ thể, tiêu chuẩn... mới biết được trái xoài Việt Nam có vào được Nhật Bản hay không.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, dù đã vào được những thị trường khó tính nhưng để tạo được sự lan tỏa lớn, trái cây Việt Nam cần được quảng bá đúng cách. Điều quan trọng hiện hay là sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho công tác quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản, không nên chờ đợi đến khi ký kết mới bắt tay.
Xoài cát Hòa Lộc của Việt Nam. |
Ông Dũng cho biết suốt một thời gian dài Việt Nam chỉ mới có thanh long ruột trắng được xuất khẩu sang thị trường Nhật. Việc cần nhất hiện nay là làm sao quảng bá trái cây Việt Nam hiệu quả để người tiêu dùng không chỉ biết đến loại trái cây mới của Việt Nam mà còn cách ăn như thế nào, chế biến ra sao, món gì...
Với những loại trái cây mới, việc hướng dẫn cách ăn vô cùng quan trọng. Khi mới vào thị trường, việc quảng bá hiệu quả nhất vẫn là cho người tiêu dùng dùng thử tại điểm bán nên doanh nghiệp cần có tính toán chi phí.
Doanh nghiệp có thể đề xuất với cơ quan xúc tiến thương mại để đưa chương trình quảng bá vào kế hoạch, được hỗ trợ kinh phí thực hiện. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần đặt vấn đề cụ thể với địa phương nơi xuất loại nông sản đó để có cách quảng bá hiệu quả, bởi chương trình quảng bá còn giúp mở rộng thị trường khó tính về cả số lượng và chất lượng. “Và dù quảng bá cách nào thì tập quán ăn truyền thống cần được giữ lại”, ông Dũng nói.
Trước đó, trái vải tươi Việt Nam lần đầu tiên vào Australia đã được doanh nghiệp, nhà bán lẻ ở đây triển khai nhiều hoạt động quảng bá đến người tiêu dùng dù thời điểm được cấp phép nhập khẩu rất sát với thời điểm thu hoạch, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá có phần khó khăn.
Ông Trần Bá Phúc, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Australia, cho biết thành công của chương trình mà điểm nhấn là Ngày vải thiều Việt Nam tại Australia là giúp mọi người biết đến quả vải Việt Nam lần đầu tiên có mặt ở Australia, được nếm thử, mua với giá khuyến mãi...
Và họ đều biết để một loại trái cây thâm nhập thị trường này là không dễ. “Điều thuận lợi nhất là sự tham gia tích cực của Bộ Ngoại giao, thương vụ, đích thân các nhà nhập khẩu phối hợp cùng siêu thị tổ chức chương trình quảng bá để tạo sự chú ý cho người dân địa phương, mỗi bên chia sẻ một ít lợi nhuận để cùng làm chương trình”, ông Phúc nói.