54% máu bọ xít có ký sinh trùng
Ngày 15/4 vừa qua, tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng, chị Phạm Thị Thanh Thủy (trú tại số 39/108, đường Hùng Vương, phường Thượng Lý) đã bị bọ xít hút máu đốt 4 vết khiến chị Thủy bị sưng, nhức, ngứa ở bả vai, bụng, cánh tay, bàn chân. Sau đó 5 ngày, ngày 20/4 anh Trần Văn Thái (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phản ánh việc gia đình anh vừa bắt được một cá thể bọ xít tại cửa chính trong nhà.
Theo TS. Phạm Thị Khoa, trưởng khoa Hóa thực nghiệm, viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương, thời điểm này, mùa sinh sản của bọ xít hút máu đã bắt đầu (tháng 5 - tháng 9). Đã có 2 trường hợp tại Hải Phòng và 3 trường hợp tại Hà Nội gọi về viện thông báo về bọ xít. Các cá thể bay vào nhà mà các gia đình bắt được chủ yếu là con trưởng thành. Đây là con cái đi hút máu tạo ổ mới và đẻ trứng rất nhiều. Loài này chủ yếu thích đốt gà và chuột nhưng nếu nhà không có gà và chuột, chúng sẽ tấn công hút máu người.
Bọ xít hút máu người tập trung nhiều tại các cùng ven đô thị đang phát triển ở Hà Nội. |
“Các gia đình khi phát hiện phải giết hẳn vì nó rất khó chết. Đặc biệt, phải chú ý quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Nếu nhà mình đã sạch thì phải kiểm tra nhà hàng xóm xem có đống củi nào hoặc các khe trong nhà bẩn ẩm mốc để xử lý ngay. Chú ý nếu buổi tối bật đèn phải đóng cửa vì loại này rất hay bay vào nhà theo ánh đèn”, TS Khoa nhấn mạnh.
TS.Trương Xuân Lam, viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, người đầu tiên nghiên cứu về bọ xít hút máu tại Việt Nam cho biết, kết quả điều tra trong hai năm qua cho thấy có một nhóm lớn của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata đang tồn tại tại Việt Nam, cũng là loài hiện đang phân bố toàn cầu và lan rộng ở Mỹ La Tinh, Thái Lan, Philippines, quần đảo của Pháp…
Hà Nội có đến 36 đường phố với 121 vị trí được ghi lại cho thấy sự hiện diện của bọ xít hút máu. Một vài huyện đạt kỷ lục về số địa điểm phát hiện từ 15 đến 30 lần như Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Ứng Hoà… Không những thế, các quận nội thành Hà Nội cũng đạt kỷ lục xuất hiện trên 30 lần như Long Biên và Từ Liêm.
TS Khoa cho biết thêm, theo điều tra mới nhất của bà cùng với Trung tâm phòng dịch Hà Nội, hầu hết các quận huyện Hà Nội đều phát hiện bọ xít hút máu. Chúng tập trung nhiều ở các vùng ven đô thị đang phát triển, nhiều nhất là các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đông Anh, Thanh Trì.
Theo các chuyên gia, bọ xít hút máu đã bắt đầu vào mùa sinh sản. |
“Tôi mổ bọ xít ra thì phát hiện có 54% máu bọ xít có ký sinh trùng. Nhưng chưa thể xác định được ký sinh trùng này truyền bệnh cho người hay cho chuột. Chúng tôi vẫn đang liên hệ với viện Nghiên cứu phát triển của Pháp để tiếp tục nghiên cứu”, bà Khoa nói.
Chia sẻ về nguy cơ gây ra những nguy hiểm cho con người, TS Lam từng cho biết, nhiều người bị vết thương do bọ xít hút máu phải đi cấp cứu bệnh viên, bị đau, sốt, đặc biệt trẻ em ở huyện ngoại thành Hà Nội. Hiện chưa xác định được ký sinh trùng đó gây bệnh ở mức độ nào nhưng ở phương diện côn trùng học cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng sự sinh trưởng, phát tán lan rộng của loài côn trùng này. Với những người bị bọ xít đốt, ký sinh trùng sẽ tiến triển ầm thầm. Bệnh sử triệu chứng không rõ ràng, khoảng 20 năm sau có thể gây viêm cơ tim, nên cần theo dõi lâu dài mới có kết luận được.
Phun thuốc muỗi không có tác dụng
Năm nay với thời tiết ẩm nhiều, vào đầu hè các gia đình đã bắt đầu phun thuốc muỗi. Tuy nhiên, theo TS Khoa, việc phun thuốc muỗi này không đem lại tác dụng gì.
"Việt Nam đang lạm dụng hóa chất quá nhiều, gây ra sự bất thường. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hóa chất ảnh hưởng cả khu hệ côn trùng trong nhà chứ không chỉ riêng có mỗi muỗi. Đặc biệt, muỗi hay các loại côn trùng như kiến ba khoang, bọ xít hút máu... đều kháng hóa chất nên thuốc phun hiện nay đều bị “vô hiệu hóa”.
Hiện châu Âu họ khuyến khích các gia đình không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Họ hỗ trợ cho người dân thêm tiền cùng với tiền bán sản vật. Bởi thuốc trừ sâu sẽ tiêu diệt hết các loài thiên địch có lợi. Ví dụ thường trong thiên nhiên, thiên địch của bọ xít là nấm, nhưng các loài thiên địch có lợi đang bị tiêu diệt dần", TS Khoa phân tích.
Theo các chuyên gia, để phòng tránh loại này, các gia đình cần thu dọn đồ đạc sạch sẽ, quản lý nguồn nước ẩm thấp, không nên tích trữ gỗ củi vụn. Bọ xít rất thích các môi trường nhiễm bẩn, không nên để đến khi chúng bay vào nhà rồi mới lo phun thuốc, dọn nhà. Nên sử dụng các chất diệt côn trùng thân thiện với môi trường như rắc vôi bột hoặc sử dụng các loại thảo mộc để xua côn trùng.